Nhiều vướng mắc cần được… khơi thông

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Dự án thoát nước giai đoạn II được triển khai từ năm 2008 nhằm cải thiện môi trường Hà Nội có tổng mức đầu tư trên 6.300 tỷ đồng từ vốn vay ODA của Nhật Bản, dự kiến kết thúc vào năm 2013. Dự án có 13 gói thầu, nhưng đến thời điểm này chỉ có 4 gói thầu được hoàn thành, còn lại đang dở dang.

Thi công "xôi đỗ", tiến độ ì ạch

Đơn cử, gói thầu cải tạo hành lang sông Sét đoạn qua địa bàn phường Tân Mai. Do Ban bồi thường GPMB quận Hoàng Mai vẫn chưa thống nhất được phương án hỗ trợ, đền bù với 2 hộ dân tại tổ 9 nên việc thi công gần như "dậm chân tại chỗ". Đến thời điểm này, đoạn đi qua ngõ 521/46 Trương Định, đơn vị thi công mới chỉ xây dựng được vài trăm mét hệ thống thoát nước, còn lại một số hạng mục khác, như kè bờ sông, làm đường,  lát vỉa hè… bỏ dở. Trong khi, hàng trăm mét ngõ 521/46 phố Trương Định đã bị biến thành nơi chứa rác của người dân, ngày đêm bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường. Đây là thực trạng chung của hầu hết các gói thầu Dự án thoát nước giai đoạn II.

Nhiều vướng mắc cần được… khơi thông - Ảnh 1
Công nhân Công ty thoát nước Hà Nội nạo vét, tạo dòng chảy trên sông Tô Lịch.Ảnh: Linh Anh

Giám đốc Ban QLDA thoát nước Hà Nội Phạm Văn Cường cho biết, dự án này có quy mô GPMB rất lớn với tổng diện tích khoảng 300ha (liên quan đến 7.000 hộ dân) với đặc điểm dàn trải theo các tuyến mương, sông, hồ trên địa bàn 56 phường thuộc 8 quận, huyện. Phần GPMB do Ban QLDA thực hiện là 261 ha, đến nay, đã bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công được 222ha (đạt 85%). Còn lại 15% diện tích liên quan hầu hết các hộ dân có "lịch sử" quản lý và sử dụng rất phức tạp nên tiến độ GPMB rất chậm. Thậm chí, gói thầu cải tạo đường công vụ bờ phải sông Tô Lịch đoạn từ Hoàng Quốc Việt đến đường 70B, đến nay đã thông xe khoảng 11,5km (đạt 94%), còn khoảng 1km qua địa bàn quận Thanh Xuân vẫn chưa thể triển khai tiếp.

Ông Cường cho rằng, để đẩy nhanh tiến độ dự án cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp chính quyền, đặc biệt là UBND cấp phường trong việc triển khai các bước theo trình tự, thủ tục.

Rõ giải pháp và trách nhiệm

Liên quan đến công tác GPMB chậm, đại diện UBND một số quận cho rằng, có một số vướng mắc về cơ chế chính sách, thiếu quỹ nhà tái định cư, khiến tiến độ thi công không đảm bảo. Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Hoàng Công Hồng viện dẫn, việc người dân phường Phương Liệt chưa đồng thuận do cùng dự án, nhưng mức giá đền bù của phường Định Công (quận Hoàng Mai) lại cao hơn khá nhiều. Giá nhà tái định cư cũng chênh lệch như ở Nam Trung Yên là 12,1 triệu, Trung Hòa 15,8 triệu, trong khi ở khu Đồng Tàu (Hoàng Mai) chỉ có 10,5 triệu, cũng dẫn đến nhiều ý kiến khác nhau. Bên cạnh đó, hồ sơ nguồn gốc đất qua các thời kỳ không đầy đủ nên khó có cơ sở để xác định và áp giá bồi thường, khiến khiếu kiện của dân kéo dài.

Trước tiến độ quá chậm của dự án, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho rằng, nhiều vướng mắc trong GPMB còn tồn tại do khâu tổ chức thực hiện chưa tốt, không phải do chủ trương. Như xử lý vi phạm đất đai, nếu chính quyền vi phạm (ví dụ cho thuê đất công sai mục đích làm chỗ trông xe, mở nhà hàng), yêu cầu phải thanh tra ngay, quy rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân. Hay vi phạm của các hộ cũng cần xác định thời điểm do lịch sử để lại (trước 10/1993), nếu mới từ tháng 7/2004 trở lại đây sẽ phải kiên quyết xử lý, không để kéo dài. Công dân có quyền khiếu nại theo luật định, tuy nhiên trong quá trình giải quyết, cơ quan chức năng vẫn tiến hành thu hồi bình thường, trừ trường hợp thành phố đình chỉ để xem xét.

Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh cũng yêu cầu các cấp, ngành cần tăng cường tuyên tuyền cho nhân dân hiểu mục đích, sự cần thiết triển khai dự án, tạo sự đồng thuận cao. Cấp ủy, chính quyền cần vào cuộc quyết liệt hơn, lựa chọn tuyến đường còn vướng mắc, tập trung GPMB hoàn thành trong năm 2012; giao cấp quận chịu trách nhiệm về công tác GPMB; Sở Xây dựng chủ trì lựa chọn các nhà thầu có khả năng vốn, kinh nghiệm để thi công hoàn thành đúng tiến độ đề ra.