Lấy con người làm trung tâm phát triển kinh tế xanh
Tham luận của Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh về “Thực trạng và định hướng phát triển kinh tế xanh tại TP”, ngoài cam kết quốc tế và chính sách về kinh tế xanh; Bối cảnh kinh tế xanh tại TP, còn đưa ra nguyên tắc để phát triển kinh tế xanh là: Lấy con người làm trung tâm của mọi chuyển đổi; Dựa trên các xu hướng và tiêu chuẩn, tiêu chí trong khu vực và thế giới; Tương thích với các chính sách quốc gia và phù hợp với thực tiễn TP; Phối hợp các nguồn lực công - tư, tổ chức KHCN, cộng đồng quốc tế.
Tham luận cũng đề ra mục tiêu tổng quát là chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế TP theo hướng xanh, bền vững, đồng thời nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế. Còn mục tiêu cụ thể, gồm: Phát triển kinh tế xanh hướng đến nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, trong các vấn đề môi trường sống, việc làm, văn hóa - giáo dục; Tăng lợi thế cạnh tranh ở cấp độ TP lẫn doanh nghiệp so với khu vực và các nước trên thế giới; Tăng cường kết nối và hợp tác vùng kinh tế trong nước, khu vực và trên thế giới, đồng thời kết nối giữa các ngành và lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội - môi trường.
Viện Nghiên cứu phát triển TP cũng đưa ra gợi ý một số nhóm nội dung chính đáp ứng nhu cầu chuyển đổi xanh, cụ thể là nhu cầu/mục tiêu: Tìm kiếm động lực tăng trưởng kinh tế; An ninh và bền vững về năng lượng; Đô thị xanh; Xanh hóa các ngành kinh tế; Nguồn vốn xanh; Nhân lực xanh; Thí điểm/thử nghiệm các chính sách mới; Thông tin tuyên truyền.
Còn tham luận của bà Tôn Minh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân TP Thượng Hải (Trung Quốc) về “Chính sách trong xây dựng tăng trưởng xanh hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng bằng không và sứ mệnh của doanh nghiệp”, thể hiện Thượng Hải là TP đầy năng lượng, phân bổ tài nguyên toàn cầu một cách hiệu quả. Năm 2022, GDP của Thượng Hải đạt 4,47 nghìn tỷ nhân dân tệ, trở thành TP lớn thứ tư trên thế giới, thứ 2 ở châu Á, GDP/người/năm đạt 26.800 USD.
Thượng Hải cũng là trung tâm tài chính quốc tế, trung tâm vận tải quốc tế, trung tâm khoa học công nghệ và là TP xanh, thân thiện với môi trường. Theo bà Tôn Minh, Chính phủ Trung Quốc cam kết nỗ lực đạt đỉnh phát thải CO2 trước năm 2030 và đạt trung hòa carbon trước năm 2060. Trong 10 năm qua, tại TP Thượng Hải, nồng độ hàng năm trung bình của PM2.5 giảm từ 62 microgram/m3 xuống còn 25 microgram/m3. Việc chuyển đổi xanh và thấp carbon ở TP Thượng Hải chủ yếu ở lĩnh vực năng lượng, công nghiệp, môi trường, giao thông và xã hội tái chế.
“Từ khi TP Thượng Hải và TP Hồ Chí Minh kết nghĩa năm 1994, hai bên đã trao đổi, hợp tác trên nhiều lĩnh vực: Thương mại, kinh doanh, giáo dục… Hai bên có nhiều khả năng hợp tác trong việc chuyển đổi xanh và thấp carbon trong tương lai”, bà Tôn Minh chia sẻ.
Các bộ, ngành đánh giá cao HEF 2023
Tham luận của các bộ, ngành đều đánh giá cao TP Hồ Chí Minh chọn chủ đề của HEF 2023. Tham luận của Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển nhận định, TP Hồ Chí Minh có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng. TP lựa chọn tiên phong trong phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh là hướng đi đúng, phù hợp với định hướng của Đảng và xu thế mới của thế giới, tạo ra động lực và không gian mới trong phát triển kinh tế - xã hội.
Tham luận của Ban Kinh tế Trung ương ngoài những chia sẻ còn nhấn mạnh thêm một số vấn đề. Cụ thể, để tạo điều kiện thuận lợi cho TP Hồ Chí Minh triển khai thành công định hướng chiến lược về tăng trưởng xanh, hướng tới giảm phát thải bằng “0”, ngoài nỗ lực tiên phong, chủ động dám nghĩ dám làm của TP, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng trên cơ sở các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành cần sớm thể chế hóa thành cơ chế, chính sách và pháp luật chung. Hiện nay, quá trình thể chế hóa nhiều định hướng, chủ trương về phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh vẫn còn khá chậm qua công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các nghị quyết của Đảng.
Việc triển khai phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh không thể làm theo phong trào mà cần bài bản, chuyên nghiệp, có trọng tâm, trọng điểm. TP phải nhanh chóng đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức về động lực tăng trưởng mới từ thúc đẩy tăng trưởng xanh. Hiện nay, đây là vấn đề còn mới, đòi hỏi phải đồng bộ từ các vấn đề liên quan quy hoạch, lựa chọn chuyển dịch nội các ngành, bố trí nguồn lực, xây dựng ý thức của người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Các biện pháp tuyên truyền phải xoay quanh định hướng dài hạn, quyết định thúc đẩy phát triển TP Hồ Chí Minh là TP đi đầu trong tăng trưởng xanh.
Trong khung chiến lược tăng trưởng xanh, TP cần tiên phong phát triển một số ngành công nghiệp như: Công nghiệp công nghệ số, công nghiệp sinh học, công nghiệp công nghệ cao. Cần có lộ trình và các cơ chế, chính sách cụ thể để chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp của TP sang các ngành có tính nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn, có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao; chuyển đổi các ngành công nghiệp thâm dụng tài nguyên, năng lượng sang các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp phát thải carbon thấp; cơ cấu lại các ngành nông nghiệp và dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số, phát triển các loại dịch vụ mới có tính liên ngành và giá trị gia tăng cao, đẩy nhanh dịch vụ hóa các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
TP cần tiếp tục triển khai xây dựng đề án trở thành trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế; đi đầu trong phát triển, thử nghiệm các sản phẩm mới, sản phẩm xanh; và là trung tâm khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo của khu vực.
TP phải đi tiên phong trong chuyển dịch năng lượng và đô thị hóa bền vững. Khuyến khích sử dụng vật liệu xanh, thân thiện với môi trường, tiêu thụ năng lượng xanh tại đô thị tạo ra không gian sống trong lành cho người dân.
Doanh nghiệp phải tiên phong chuyển đổi năng lượng
Tham luận của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cũng đề nghị TP Hồ Chí Minh tiếp tục có lộ trình, kế hoạch cụ thể, rõ ràng để tạo thuận lợi trong triển khai; kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước có những đề xuất sáng kiến cho hoạt động này, để lan tỏa các mô hình triển khai thành công theo phương châm Nhà nước kiến tạo thể chế và dẫn dắt, doanh nghiệp và người dân đóng vai trò trung tâm.
Một số nhiệm vụ, giải pháp được đại diện Bộ TN&MT đề xuất như: Doanh nghiệp cần tham gia với vai trò tiên phong trong quá trình chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính và doanh nghiệp đóng vai trò then chốt để triển khai thành công cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Việt Nam cũng đang trong quá trình thiết lập thị trường carbon trong nước, đây là cơ hội để các doanh nghiệp dẫn đầu về KHCN trong giảm phát thải khí nhà kính có thể mua bán, trao đổi tín chỉ carbon từ các hoạt động chuyển đổi năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính.
Cần phát huy thành tựu của KHCN và đổi mới sáng tạo là động lực trung tâm trong phát triển kinh tế. Đây là lời giải cho bài toán vừa tăng trưởng nhanh về kinh tế, vừa bền vững về môi trường, không hy sinh môi trường. Do đó, các doanh nghiệp cần có sự phối hợp chặt chẽ và đồng hành cùng với Chính phủ, thiết lập và tận dụng các nguồn lực hỗ trợ của các tổ chức, đối tác quốc tế.
Kế đến, doanh nghiệp không chỉ giảm phát thải khí nhà kính từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh mà còn thay đổi quá trình quản lý, cắt giảm phát thải trong các hoạt động nội bộ và trong chuỗi cung ứng, đồng thời có các hoạt động trao đổi, bù trừ phát thải khí nhà kính trong ngắn hạn. Để làm được điều đó, doanh nghiệp cần đổi mới hoạt động quản trị doanh nghiệp và mô hình báo cáo, nhằm cân đối các quyết định và xây dựng lòng tin với các bên liên quan.
Bên cạnh đó, việc thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” tạo điều kiện cho các doanh nghiệp không ngừng sáng tạo, tạo sự chuyển đổi liên tục và toàn diện trong chiến lược, công nghệ và mô hình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các lãnh đạo doanh nghiệp cần chủ động và tích cực chia sẻ về những cam kết mà doanh nghiệp muốn thực hiện cho mục tiêu phát thải ròng bằng “0”.
Tiếp theo, cần nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm của mỗi người dân, doanh nghiệp đối với công tác bảo vệ môi trường, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy và nhận thức về lối sống bền vững hài hòa với thiên nhiên; bảo vệ môi trường trở thành xây dựng đạo đức, văn hóa, văn minh sinh thái trong ứng xử với tự nhiên; khắc phục và loại bỏ ngay tư tưởng chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt mà bỏ qua trách nhiệm bảo vệ môi trường…
Hành vi tiêu dùng cũng ảnh hưởng đến môi trường
Trong bài tham luận của ông Yasuo Takahashi - Nguyên Thứ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản, Giám đốc điều hành Viện chiến lược môi trường toàn cầu (IGES) khẳng định, mối quan hệ hợp tác giữa Nhật Bản - Việt Nam ngày càng vững mạnh. Mục tiêu của 2 nước giống nhau là tiến tới giảm lượng phát thải ròng về “0”. Để làm được điều này, đòi hỏi nhiều thay đổi trong chính sách tài chính và công nghệ. Nhật Bản đặt ra nhiều kịch bản cho việc giảm phát thải ròng, trong đó có kịch bản nếu khử được 80% lượng CO2, người dân vẫn phải dùng các loại năng lượng khác, gây ảnh hưởng đến môi trường. Do đó, tại Nhật Bản rất quan tâm và thường xuyên tác động đến hành vi tiêu dùng của người dân.