Nhiều yêu cầu mới đối với hiệu trưởng

Trung Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự thảo quy định về chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông mà Bộ GD&ĐT công bố đặt ra những yêu cầu cao hơn, rõ ràng hơn đối với hiệu trưởng.

Đánh giá về quy định đối với hiệu trưởng trong dự thảo này, ông Nguyễn Thành Vinh – Trưởng khoa Quản lý giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục cho rằng, việc chỉnh sửa, bổ sung Thông tư 29/2009/TT-BGDĐT quy định chuẩn hiệu trưởng trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học là vấn đề đặt ra hiện nay để phù hợp với thực tiễn và yêu cầu đổi mới giáo dục.
Theo ông Vinh, những nét chính mà mọi chuẩn hiệu trưởng của các nước trên thế giới đề cập đến là đạo đức, năng lực cá nhân, năng lực quản lý, sự hiểu biết về chuyên môn, quan hệ với công chúng, xã hội… Chuẩn hiệu trưởng mới của Việt Nam được xây dựng cũng dựa trên những nét cơ bản đó và thực tiễn Việt Nam. Chẳng hạn, nội dung đạo đức được cụ thể hóa là phẩm chất đạo đức, chính trị. Một số nước không yêu cầu ngoại ngữ vì họ là nước nói tiếng Anh, nhưng chuẩn của Việt Nam đưa yêu cầu cụ thể về ngoại ngữ. Không những thế, yêu cầu này rất mở. Theo đó, vùng đồng bào dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn sẽ yêu cầu hiệu trưởng phải có khả năng về tiếng dân tộc chứ không bắt buộc là tiếng Anh.

Chuẩn lần này nhấn mạnh và yêu cầu cao với các hiệu trưởng về quản trị trường học, khả năng lập kế hoạch chiến lược, kế hoạch hành động, khả năng quản trị nhân lực trong nhà trường, khả năng quản trị tài chính… Một nội dung khác rất quan trọng với hiệu trưởng là giá trị bản thân. Hiệu trưởng phải xây dựng được giá trị bản thân mình, để dẫn dắt nhà trường thay đổi, đáp ứng yêu cầu mới. Cùng với đó là trách nhiệm giải trình, hiệu trưởng phải có trách nhiệm giải trình về các hoạt động của nhà trường cho nhà nước, nhân dân, học sinh, phụ huynh… Trước đây, vấn đề giải trình không đặt ra nhiều, nhưng chuẩn mới yêu cầu rất cao điều này, không chung chung như trước.

Đặc biệt, cơ chế giám sát, quản lý sử dụng chuẩn vô cùng quan trọng. Mục đích của chuẩn hiệu trưởng không phải chỉ ở đánh giá, xếp loại, mà quan trọng là hướng cho họ đạt chuẩn, phấn đấu để tự đạt chuẩn. "Tôi cho rằng, điều mang tính căn cơ, lâu dài là đào tạo ra những người hiệu trưởng đạt chuẩn chuyên nghiệp và Học viện Quản lý giáo dục có trách nhiệm tư vấn, giúp Bộ GĐ&ĐT điều này” - ông Vinh nhấn mạnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần