Nhìn lại kinh tế huyện Sóc Sơn sau nửa nhiệm kỳ Đại hội Đảng khoá XII
Kinh tế tăng trưởng bình quân gần 8%/năm
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Sóc Sơn lần thứ XII xác định những chỉ tiêu, nhiệm vụ trong giai đoạn 2020 - 2025, trong đó có mục tiêu tổng quát là “kinh tế phát triển nhanh, bền vững theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động”.
Cụ thể hoá mục tiêu trên, Đảng bộ huyện đã ban hành 5 chương trình công tác toàn khoá, trong đó có chương trình về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân”.

Trong gần 3 năm qua, ảnh hưởng của dịch Covid-19, lạm phát, suy giảm kinh tế ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của huyện Sóc Sơn. Dù vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn đã qua vẫn đạt 7,97%/năm. Cơ cấu kinh tế tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực.
Trong giai đoạn 2023 - 2025, huyện Sóc Sơn phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 12,5 - 13,5%/năm; trong đó, công nghiệp - xây dựng từ 12,5 - 13,5%/năm, dịch vụ 15,5 - 16,5%/năm, nông - lâm nghiệp 2,5 - 3%/năm.
Trong 3 nhóm lĩnh vực chính, tốc độ tăng trưởng bình quân ngành nông nghiệp đạt 3,91%/năm, vượt chỉ tiêu kế hoạch giai đoạn 2020 - 2025. Trong khi hoạt động sản xuất công nghiệp - xây dựng tiếp tục được duy trì, với tổng giá trị sản xuất tăng trung bình 7,22%/năm.
Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Thị Hà, từ năm 2020 đến hết quý I/2022, hoạt động thương mại, dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, các hoạt động dịch vụ không thiết yếu phải tạm dừng hoạt động trong thời gian dài. Từ quý II/2022 đến nay, hoạt động thương mại, vận tải, xuất nhập khẩu, du lịch, văn hóa, thể thao vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng… phục hồi và phát triển mạnh. Tổng giá trị sản xuất ngành dịch vụ 2 năm tăng trung bình 10,96%.
Bên cạnh đó, trong gần 3 năm qua, huyện chỉ đạo rà soát, đánh giá toàn bộ tiêu chí và xây dựng Đề án xây dựng nông thôn mới nâng cao, xây dựng kế hoạch và tập trung đầu tư theo lộ trình thực hiện đến 2025. Kết quả đến hết năm 2022, có 3 xã hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới nâng cao (Phù Linh, Phù Lỗ, Đức Hòa). Huyện cũng có thêm 21 sản phẩm được đánh giá, phân hạng và công nhận lại 07 sản phẩm, đưa tổng số sản phẩm OCOP của huyện lên 77 sản phẩm.
Tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp
Theo Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Văn Minh, trong giai đoạn 2023 - 2025, huyện Sóc Sơn đề ra mục tiêu tổng quát là tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng, cơ cấu lại các ngành kinh tế gắn với nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu phát triển của Đại hội Đảng bộ huyện khoá XII.
Trong lĩnh vực phát triển công nghiệp, huyện sẽ tiếp tục tạo điều kiện về môi trường, an ninh trật tự, giải phóng mặt bằng để các doanh nghiệp đầu tư. Phát triển hạ tầng sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp làng nghề gắn với bảo vệ môi trường. Thu hút nhà đầu tư thứ cấp và lấp đầy Cụm công nghiệp CN3, hoàn thành giải phóng mặt bằng cụm công nghiệp CN2, Cụm công nghiệp làng nghề Xuân Thu.

Hoàn thành giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp sạch Tân Dân - Minh Trí; Giải quyết dứt điểm vướng mắc cụm công nghiệp nhỏ Mai Đình. Tiếp tục kêu gọi đầu tư 6 cụm công nghiệp (Minh Trí 1, 2, 3, Minh Phú - Hiền Ninh, Tân Minh, Tân Hưng) trên địa bàn với tổng diện tích khoảng 215ha.
“Huyện cũng sẽ đẩy nhanh phát triển và cơ cấu lại thương mại dịch vụ. Phát triển thương mại điện tử, đa dạng hóa các hình thức thanh toán trên nền tảng số, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế số. Chú trọng phát triển các loại hình dịch vụ có giá trị gia tăng cao, dịch vụ trình độ cao. Tạo điều kiện để thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng logistics…” - Chủ tịch UBND huyện Phạm Văn Minh thông tin thêm.
Riêng đối với lĩnh vực nông nghiệp, trong những năm tiếp theo, huyện Sóc Sơn chủ trương tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới và quá trình đô thị hóa. Đặc biệt là đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, nông nghiệp sinh thái, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - chế biến và tiêu thụ sản phẩm hiệu quả, bền vững.
“Trên cơ sở kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khoá XII, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội căn cứ chức năng, nhiệm vụ, chủ động tiếp tục thực hiện các chương trình, đề án phát triển đảm bảo khoa học, sát thực tiễn và có hiệu quả cao, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu của nhiệm kỳ 2020 - 2025” - Bí thư Huyện uỷ Sóc Sơn Bùi Duy Cường.

Giá khởi điểm từ 45 triệu đồng/m2 đất đấu giá tại huyện Sóc Sơn
Kinhtedothi - 22 thửa đất tại thôn Dược Thượng, xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn có diện tích từ 89,1 - 200m2/thửa, sẽ được đưa ra đấu giá với mức giá khởi điểm từ 45 - 49,7 triệu đồng/m2. Mục đích sử dụng đất là đất ở với thời hạn sử dụng ổn định, lâu dài.

Huyện Sóc Sơn: Nhiều xã không biết, không báo cáo vi phạm trật tự xây dựng
Kinhtedothi - Tính từ đầu năm 2023 đến nay, Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị huyện Sóc Sơn đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 13 trường hợp vi phạm về trật tự xây dựng. Đây là những trường hợp UBND các xã không biết, hoặc không báo cáo theo quy định.

Huyện Sóc Sơn: Chậm giải phóng mặt bằng, Chủ tịch xã có thể bị kỷ luật
Kinhtedothi - Chủ tịch các xã, thị trấn của huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội) phải chịu trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn, bảo đảm yêu cầu về tiến độ. Trường hợp chậm hoàn thành, có thể bị xem xét kỷ luật.