Nhìn lại kỳ chất vấn đầu tiên trong lịch sử Quốc hội Việt Nam

Theo Quochoi.vn
Chia sẻ Zalo

Trải qua 74 năm hoạt động, phát triển, Quốc hội Việt Nam đã có nhiều đổi thay quan trọng, đặc biệt là đối với hoạt động chất vấn, tuy nhiên, cuộc chất vấn đầu tiên trong lịch sử Quốc hội ngày ấy vẫn mang những dấu ấn riêng, vẫn giữ nguyên một giá trị lịch sử quan trọng trong hoạt động Quốc hội Việt Nam, đánh dấu một bước trưởng thành của hoạt động Quốc hội.

Phiên họp đầu tiên của Quốc hội khóa I.
“Các ngài chắc cũng như chúng tôi, sẽ không bao giờ quên được cái cảnh tượng đã diễn ra trong phòng này đêm hôm 31/10, một cảnh tượng chưa từng thấy trong lịch sử Việt Nam, một cảnh tượng chỉ có một cuộc cách mạng quét sạch hết bóng tối cũ của chế độ thực dân và phong kiến chuyên chế mới đưa tới được: nhân dân trong nước bằng miệng các người thay mặt đã tự do đứng trên diễn đàn này lên tiếng đòi hỏi Chính phủ phải trả lời về công việc nội chính và ngoại giao đã làm. Cái quyền tự do ấy, dân tộc chúng ta đã phải mua đắt bằng xương máu của bao nhiêu cuộc tranh đấu, nên chúng ta nhất định thi hành nó một cách nghiêm minh” - những lời này được Trưởng đoàn Chủ tịch Quốc hội Tôn Đức Thắng tổng kết trong diễn văn bế mạc kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa I để nói về cuộc chất vấn Chính phủ lần đầu tiên trong lịch sử Quốc hội Việt Nam. Trải qua 74 năm hoạt động, phát triển, Quốc hội Việt Nam đã có nhiều đổi thay quan trọng, đặc biệt là đối với hoạt động chất vấn, tuy nhiên, cuộc chất vấn đầu tiên trong lịch sử Quốc hội ngày ấy vẫn mang những dấu ấn riêng, vẫn giữ nguyên một giá trị lịch sử quan trọng trong hoạt động Quốc hội Việt Nam, đánh dấu một bước trưởng thành của hoạt động Quốc hội.
Đêm 31/10 được nhắc đến trong diễn văn bế mạc của Trưởng đoàn Chủ tịch Quốc hội Tôn Đức Thắng là một sự kiện vô cùng đặc biệt. “Đặc biệt” bởi Quốc hội non trẻ lúc đó đã có một cuộc chất vấn sôi nổi, dân chủ với tất cả các vấn đề liên quan đến đời sống của nhân dân, đến chính sách đối nội và đối ngoại của Chính phủ. “Đặc biệt” bởi cuộc chất vấn sôi nổi ấy kéo dài từ chiều 31/10 cho đến 1 giờ sáng ngày hôm sau 01/11/1946. Và “đặc biệt” nữa bởi thông qua những người đại biểu đại diện cho mình, cử tri Việt Nam lần đầu tiên có quyền đòi hỏi Chính phủ phải trả lời về các công việc mà Chính phủ đã làm.
Phiên chất vấn đó đã diễn ra trong kỳ họp thứ 2 của Quốc hội từ ngày 28/10 đến 09/11/1946. Đây là kỳ họp dài kỳ đầu tiên trong lịch sử Quốc hội với quy trình và nội dung hoạt động theo thông lệ quốc tế lúc bấy giờ.
Sau khi Tổng tuyển cử 06/01 hoàn toàn thắng lợi. Chưa đầy 2 tháng sau, ngày 02/3/1946, Quốc hội triệu tập kỳ họp đầu tiên. Tuy nhiên, do điều kiện chiến tranh, Kỳ họp Quốc hội đầu tiên chỉ diễn ra chưa đầy 5 giờ đồng hồ. Nội dung kỳ họp này chỉ tập trung vào mấy việc chính là: Bổ sung 70 đại biểu Quốc hội của Việt Nam Quốc dân Đảng và Việt Nam độc lập Đồng minh hội vào Quốc hội; Thành lập Chính phủ Kháng chiến; Bầu Ban Thường trực Quốc hội và Ủy ban dự thảo Hiến Pháp.
Đến kỳ họp thứ 2, ngay trong ngày họp đầu tiên của Quốc hội vào chiều ngày 28/10 Quốc hội đã bàn đến cách thức chất vấn Chính phủ. Theo đó, mỗi đại biểu có hai cách chất vấn Chính phủ: Cách thứ nhất là thường vấn để hỏi Chính phủ về những vấn đề nhỏ: Thường vấn có thể là bút vấn hoặc khẩu vấn. Cách thứ hai là các đại biểu có thể chất vấn chính phủ về những vấn đề quan trọng như đối ngoại và đối nội. Những vấn đề này sau đó được quy định rõ trong nội quy của kỳ họp được thông qua vào sáng ngày 30/10.
Cũng trong buổi sáng ngày 30/10, trước khi chất vấn chính phủ, các đại biểu Quốc hội đã chất vấn Ban Thường trực Quốc hội về hoạt động của Quốc hội.
Phó Giáo sư - Nhà giáo Nhân dân Lê Mậu Hãn cho biết: "Đại biểu Lê Trọng Nghĩa đã chất vấn Ban Thường trực Quốc hội rằng Quốc hội đã quyết định tạm giữ lá cờ đỏ sao vàng làm Quốc kỳ cho đến bao giờ có sự quyết định của Quốc hội khóa họp thứ hai, vậy tại sao về sau Ban Thường trực lại đưa vấn đề thay đổi cờ ra thảo luận. Cụ Nguyễn Văn Tố - Trưởng ban Thường trực, trả lời là tuy Quốc hội khóa trước quyết định thế nhưng Chính phủ có người đề nghị có thể thêm một vài chi tiết trong lá cờ, chẳng hạn thêm một vành xanh xanh ở ngoài ngôi sao vàng. Ban thường trực nhận được lời đề nghị của Chính phủ tất nhiên phải đưa ra thảo luận".
Cuộc chất vấn sôi nổi, dân chủ được thể hiện ngay từ lần đầu tiên các đại biểu thực hiện quyền chất vấn của mình. Trưởng Ban Thường trực Quốc hội đã trả lời các nội dung mà các đại biểu nêu ra. Tuy nhiên phải kể đến phiên chất vấn Chính phủ ngày 31/10/1946 về những việc Chính phủ đã làm, các đại biểu Quốc hội mới thể hiện được vai trò của mình trong việc đại diện cho nhân dân để giám sát hoạt động của Chính phủ.
Ngay từ 8 giờ sáng ngày 31/10, sau khi nghe các báo cáo của Chính phủ về các công việc của Chính phủ và các bộ ngành đã làm trong hơn 8 tháng qua, Thư ký Đoàn bắt đầu nhận thư chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Trên nghị trường Quốc hội hôm đó có Chủ tịch Chính phủ Hồ Chí Minh và đủ các Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng của tất cả các Bộ. Theo đúng nội quy của kỳ họp Quốc hội, việc chất vấn chính phủ được phân ra là “Thường vấn và Chất vấn”.
Trong phần “Thường vấn”, 88 câu hỏi được các đại biểu chuyển đến Chính phủ, Chính phủ đã phân loại để các Bộ trưởng theo đó mà trả lời, chỉ những đại biểu nào còn chưa thỏa mãn với câu trả lời của các Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng thì mới hỏi lại để làm rõ thêm vấn đề cần hỏi. Nội dung chất vấn và trả lời chất vấn được báo cứu Quốc số 393 và 394 ra ngày 01 và 03 /11/1946 đăng tải khá đầy đủ và chi tiết để những cử tri không tham dự được có thể theo dõi và giám sát hoạt động của những người đại diện cho mình.
Báo Dân quốc số 398 ra ngày 31/10/1946.
Nhà nghiên cứu Kiều Mai Sơn cho biết: "Trong nội quy của Quốc hội ở kỳ họp thứ 2 có quy định rất rõ trong chương 3 là chất vấn thì có thường vấn và chất vấn, điều 17 quy định rõ các vị bộ trưởng có thể không trả lời với điều kiện có thể viện dẫn các quy định tối cao khác hoặc xin thời gian để thu thập tài liệu. Đại biểu nào cũng có quyền hoặc khẩu vấn hoặc bút vấn đối với các vị bộ trưởng. Trong phiên họp, thường vấn và chất vấn đã tạo ra không khí rất sôi nổi khi mà chất vấn cả Chủ tịch Chính phủ Hồ Chí Minh. Trong phiên trả lời chất vấn rất sôi nổi và có nhiều vấn đề mà chính phủ bàn đến và có nhiều đại biểu hỏi ví dụ như đại biểu đã chất vấn Hồ Chủ tịch rằng thời gian ngài đi Pháp thì có vị Chu Bá Phượng mang vàng sang đó và bị báo chí Pháp đăng làm mất uy tín của nước ta, Hồ Chí Minh trả lời là việc này đã qua rồi, Chính phủ xin chịu trách nhiệm về vấn đề này".
Về Bộ trưởng Bộ Quốc gia Kinh tế Chu Bá Phượng, ông đã nhận được 11 câu hỏi, tuy nhiên do quá trình trả lời chất vấn chưa đi đúng trọng tâm của câu hỏi nên sau khi ông trả lời các đại biểu Trần Văn Cung, Hoàng Văn Đức, Nguyễn Văn Phiêm chất vấn yêu cầu làm rõ thêm về các vấn đề thiết thực của đời sống dân sinh. Tại phiên chất vấn, nhiều vấn đề liên quan đến đời sống của người dân như kiểm soát giá và chất lượng thuốc, chậm và thiếu sách giáo khoa, việc bắt giam một số người vi phạm, vấn đề lương thực, thực phẩm, đê điều, v.v…. đã được chất vấn và trả lời chất vấn làm rõ. Qua quá trình chất vấn và trả lời chất vấn giữa các đại biểu Quốc hội với các Bộ trưởng và Thứ trưởng, người dân có thể giám sát và đánh giá năng lực của các Bộ trưởng, đồng thời cũng đánh giá cả đại biểu Quốc hội, những người được nhân dân ủy thác thay dân nói lên nguyện vọng của mình.
Hơn 10 giờ đêm ngày 31/10, việc trả lời các câu hỏi thường vấn của các đại biểu Quốc hội mới hoàn thành. Phần quan trọng nhất trong hoạt động chất vấn Chính phủ lúc này mới bắt đầu. Các đại biểu Quốc hội đã đề cập và yêu cầu chính phủ trả lời về chính sách đối nội và đối ngoại của Chính phủ. Đại biểu Trần Đình Chi chất vấn Chính phủ về việc Phó Chủ tịch Nguyễn Hải Thần và Bộ Trưởng Bộ Kinh Tế Chu Bá Phượng đã có những hoạt động đi ngược lại với lợi ích của nhân dân; Đại biểu Lê Huy Vân chất vấn chính phủ về vấn đề kinh tế, nhiều đại biểu Quốc hội chất vấn về tạm ước 14/9; các đại biểu Khuất Duy Tiến, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Sơn Hà, Trần Huy Liệu, Huỳnh Văn Tiểng, Xuân Thủy, Nguyễn Văn Tạo đại diện cho các đoàn thể đứng lên chất vấn về năng lực điều hành của Chính phủ và nhiều vấn đề quan trọng khác... Chủ tịch Chính phủ Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ trả lời toàn bộ các câu hỏi của đại biểu nêu ra. Phiên họp ngày 31/10 bế mạc vào lúc 1 giờ sáng ngày 01/11/1946.
Bà Ngô Thị Huệ - Đại biểu Quốc hội khóa I, II, III, IV.
Nhà lão thành Cách mạng Ngô Thị Huệ, Đại biểu quốc hội khóa I, II, III, IV nhớ lại: Đại biểu Nguyễn Sơn Hà, Đại biểu Hải Phòng hỏi Bác là tại sao lại chịu ký tạm ước14/9, thấy không rõ thì ông chất vấn chính phủ, Bác trả lời là Hồ Chí Minh không phải là kẻ bán nước, giữa địch với ta tương quan lực lượng, mình tiến tới mức này là mình đạt rồi, mình muốn tiến nữa thì mình phải đấu tranh.
Nhà sử học Dương Trung Quốc - đại biểu Quốc hội khóa XI, XII, XIII, XIV, Tổng Thư ký Hội Sử học Việt Nam - cũng đề cập đến vấn đề này: Ngay trong phiên chất vấn đầu tiên 8 vị Bộ trưởng trả lời chất vấn của các đại biểu và cả Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng phải trả lời câu hỏi về tất cả các vấn đề của đời sống đến các vấn đề đối ngoại như Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tạm ước 14/9, rồi những vấn đề liên quan đến xây dựng lực lượng vũ trang, thái độ đối với ngoại kiều trong việc tuân thủ quy định của Việt Nam, đấu tranh về tài chính trong việc Pháp và Trung Quốc trong việc chuyển nhượng lợi ích ở Cảng Hải Phòng. Cuộc chất vấn diễn ra được Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát rằng: Chính phủ mới ra đời được hơn 1 năm còn rất thanh niên, Quốc hội mới 8 tháng còn thanh niên hơn nữa nhưng tất cả những gì diễn ra ở Quốc hội qua lời chất vấn cho thấy một Quốc hội đã trưởng thành, xứng đáng là người gánh vác vai trò đại diện của nhân dân.
Nói về phiên chất vấn này, Báo Cứu quốc số 393 ra ngày 01/11/1946 trong dòng đầu tiên đã viết: “Buổi họp chiều nay, công chúng đến dự thính đông gấp bội các phiên họp trước, hai từng gác Nhà hát lớn kín những người ngồi, đứng lô nhô. Người ta đến đông để chứng kiến một cảnh tượng lạ lùng chưa từng có trong lịch sử Việt Nam, một cảnh tượng do cuộc Cách mạng Tháng Tám mang lại, các đại biểu của nhân dân đã đứng lên chất vấn những công việc mà nhân dân đã ủy nhiệm cho Chính phủ gánh vác”.
Có thể nói, mặc dù Quốc hội Việt Nam vừa mới ra đời không lâu, nhưng cử tri đã nhận thức rất rõ quyền làm chủ của mình và rất quan tâm đến hoạt động của Quốc hội, đặc biệt là hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn.
Nhà nghiên cứu Kiều Mai Sơn cho biết: Trong cuộc họp ngày 28/10 đến 09/11 đấy thì công chúng có thể được đăng ký để đến dự thính hoặc bàng thính…và một người mà tôi được biết đó là nhà văn Lê Minh, con gái nhà văn Nguyễn Công Hoan.
Quy định về việc cho phép công chúng đến dự các phiên họp của Quốc hội đã được rất nhiều đại biểu quan tâm và đưa ra thảo luận sôi nổi ngay từ chiều 28/11 nhằm làm thế nào để nhiều người dân có thể tham gia và giám sát các hoạt động của Quốc hội. Và chủ trương của Quốc hội là làm thế nào để tạo mọi điều kiện cho người dân tham dự vào các phiên họp đồng thời có thể nêu những ý kiến của mình để đánh giá về hoạt động của Quốc hội.
Thực tiễn hoạt động trong gần 70 năm qua cho thấy, hoạt động chất vấn của Quốc hội là hoạt động được đông đảo cử tri quan tâm nhất. Chất vấn là hình thức giám sát trực tiếp và quan trọng của Quốc hội, đồng thời là quyền quan trọng của đại biểu Quốc hội được pháp luật quy định. Tại nghị trường, đại biểu Quốc hội với tư cách là người đại diện cho dân có quyền chất vấn và các cơ quan, cá nhân bị chất vấn phải giải trình trước cơ quan quyền lực về những khuyết điểm hạn chế đồng thời phải làm rõ trách nhiệm, nguyên nhân và biện pháp khắc phục những khuyết điểm, hạn chế đó.
Về nội dung này Nhà sử học Dương Trung Quốc nhớ đến một chi tiết đặc biệt: Chúng tôi muốn nói đến 1 chi tiết trong hồi ức của 1 vị đại biểu Quốc hội đương thời sau này là 1 đại biểu hoạt động trong Quốc hội lâu năm là cụ Lâm Quang Thự, cụ kể rằng khi triệu tập họp Quốc hội kỳ II, Quốc hội khóa I, nhà nước rất nghèo, Quốc hội còn nghèo hơn nữa, không có đủ cơ sở vật chất kể cả nơi ăn chốn ở cho nên các nhà giàu có của Thủ đô Hà Nội tập hợp nhau lại tổ chức 1 cuộc vận động đón các Đoàn đại biểu Quốc hội từ phương xa đến ở lại để dự họp thì Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam được một gia đình công thương ở phố Hàng Bạc đón về nhà chăm sóc kể cả may quần áo mới...
Đến ngày Quốc hội kỳ họp thứ 2 khai mạc thì gia đình đã mời tất cả các đại biểu Quốc hội lên nhà thờ của bà thắp hương cầu khấn tổ tiên và bà chúc là ăn to nói lớn. Một cách nghĩ rất là đơn giản, mộc mạc nhưng thể hiện rất rõ mong muốn của người dân là các đại biểu phải có trí tuệ, có sự dũng cảm, để truyền đạt ý nguyện của người dân, ăn to nói lớn chính là chứa đựng cái mong muốn ấy. Chất vấn ở Quốc hội của các nước là 1 tập quán chung, Quốc hội ở Việt Nam có đặc điểm riêng đó là gắn với dân và chừng nào không nói được tiếng nói của nhân dân thì chưa xứng đáng là đại biểu Quốc hội.
Đã 74 năm trôi qua sau phiên chất vấn đầu tiên của Quốc hội, nhìn lại những kỳ chất vấn của Quốc hội 74 năm hoạt động để thấy những thay đổi to lớn, những dấu ấn sâu đậm của sự đổi mới và dân chủ, các phiên chất vấn ngày nay đã được Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam phát thanh và truyền hình trực tiếp để mỗi người dân đều có thể theo dõi. Nhiều vấn đề bức xúc được nêu ra, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, nợ xấu, nợ công, vấn đề bảo vệ chủ quyền biển, đảo… được đưa ra bàn thảo ở nghị trường và truy đến cùng trách nhiệm của những cá nhân, tổ chức để nhằm mục tiêu cuối cùng là đảm bảo lợi ích cho nhân dân. Những đổi mới đó đã phần nào đã đáp ứng được nguyện vọng của cử tri và giúp Quốc hội ngày càng thực hiện tốt hơn vai trò cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước.
Nhìn lại hoạt động của Quốc hội, ai cũng có thể thấy rõ là dù là thời kỳ nào thì mong muốn của người dân vẫn vậy, kỳ vọng của người dân đối với đại biểu Quốc hội và đối với hoạt động quốc hội vẫn là nói được tiếng nói của dân, nói được ý nguyện của dân. Mong muốn đó, kỳ vọng đó đòi hỏi sự cố gắng của cá nhân đại biểu và của Quốc hội không bao giờ là đủ, sự cố gắng đó phải thường xuyên và liên tục cùng với sự phát triển của xã hội nhằm xây dựng một nhà nước dân chủ, công bằng và văn minh, một nhà nước của dân, do dân và vì dân.