Nhìn lại nửa nhiệm kỳ mục tiêu nông thôn mới của Thành ủy khoá XVII

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khoá XVII giai đoạn 2021 - 2025 đã đi qua nửa chặng đường. Trong bối cảnh không ít khó khăn, TP vẫn đạt được nhiều bước tiến quan trọng về xây dựng nông thôn mới.

Nhiều mục tiêu đạt và vượt kế hoạch

Theo Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khoá XVII, đến nay, toàn TP có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 83,3% so với kế hoạch Chương trình), cụ thể gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Quốc Oai, Gia Lâm, Thạch Thất, Thường Tín, Thanh Oai, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Mê Linh và thị xã Sơn Tây.

Đối với 3 huyện còn lại (Ứng Hòa, Ba Vì, Mỹ Đức) chưa đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện các địa phương đã hoàn thiện hồ sơ theo quy định và trình UBND TP Hà Nội, Bộ NN&PTNT, Hội đồng thẩm định nông thôn mới Trung ương xem xét, thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Dự kiến trong năm 2023, TP sẽ hoàn thành mục tiêu của Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 là có 100% số huyện, thị xã đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Trường Tiểu học Tự Lập A tại huyện Mê Linh. Ảnh: Trọng Tùng.
Trường Tiểu học Tự Lập A tại huyện Mê Linh. Ảnh: Trọng Tùng.

Về xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, qua kết quả thẩm định có 4 huyện: Đan Phượng, Gia Lâm, Đông Anh và Thanh Trì, đủ điều kiện và đang hoàn thiện hồ sơ báo cáo UBND TP Hà Nội đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023. Bên cạnh đó, có 2 huyện Hoài Đức, Thanh Oai phấn đấu hoàn thành huyện nông thôn mới nâng cao trong năm 2024. Dự kiến đến hết năm 2025, TP sẽ vượt chỉ tiêu Chương trình cả giai đoạn đến năm 2025 là có 5 huyện nông thôn mới nâng cao. 

 

Qua hơn 2 năm, tổng nguồn lực Hà Nội đã huy động để thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU là 46.778 tỷ đồng; trong đó, vốn huy động ngoài ngân sách Nhà nước là 2.741,6 tỷ đồng (chiếm 5,8%).

Cũng theo Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khoá XVII, trong năm 2021, TP đã công nhận thêm 14 xã của 2 huyện Ba Vì và Mỹ Đức đạt chuẩn nông thôn mới. Theo đó, đến hết năm 2021, TP đã có 382/382 (đạt 100%) xã đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành mục tiêu của Chương trình giai đoạn 2021 - 2025.

Đến nay, TP cũng đã có tổng số 111 xã nông thôn mới nâng cao (đạt 71% so với mục tiêu của Chương trình đến năm 2025 là 156 xã nông thôn mới nâng cao). Trong năm 2023 các huyện, thị xã đăng ký có thêm 61 xã nông thôn mới nâng cao; dự kiến đến hết năm 2023, lũy kế TP có tổng số 172 xã nông thôn mới nâng cao, tăng 16 xã so với mục tiêu Chương trình cả giai đoạn đến năm 2025.

Về xã nông thôn mới kiểu mẫu, đến nay, toàn TP đã có tổng số 20 xã nông thôn mới kiểu mẫu (đạt 25% so với mục tiêu của Chương trình đến năm 2025 là 80 xã nông thôn mới kiểu mẫu). Trong năm 2023 các huyện, thị xã đăng ký có thêm 33 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Dự kiến đến hết năm 2023, lũy kế TP có tổng số 53 xã nông thôn mới kiểu mẫu, còn thiếu 17 xã là đạt mục tiêu Chương trình cả giai đoạn đến năm 2025 (80 xã nông thôn mới kiểu mẫu).

Ưu tiên nguồn lực hoàn thành các tiêu chí

Ngay từ khi Chương trình số 04-CTr/TU được ban hành, Thành ủy Hà Nội đã luôn xác định xây dựng nông thôn mới là hành trình có điểm đầu nhưng không có điểm kết thúc. Chính vì vậy, trong giai đoạn 2023 - 2025, TP chủ trương tiếp tục tập trung và ưu tiên dành nguồn lực đầu tư để bảo đảm hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới, huyện nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu, phấn đấu về đích theo đúng kế hoạch.

Đối với mục tiêu trên, việc tăng cường và nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền, đảm bảo đa dạng, thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm, nhằm huy động nội lực, khơi dậy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm và sự đồng thuận trong Nhân dân được Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khoá XVII xem là giải pháp đặc biệt quan trọng.

Thành tựu nông thôn mới góp phần thay đổi diện mạo những miền quê tại Hà Nội.
Thành tựu nông thôn mới góp phần thay đổi diện mạo những miền quê tại Hà Nội.

Theo đó, Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU đề nghị các địa phương tiếp tục quán triệt chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Đẩy mạnh Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Các sở, ngành của TP căn cứ chức năng, nhiệm vụ và tiêu chí, chỉ tiêu được giao phụ trách, bám sát chỉ tiêu của Chương trình đến năm 2025, chủ động xây dựng kế hoạch, chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, xã triển khai tổ chức thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu đảm bảo theo quy định; đồng thời, bố trí nguồn lực, đôn đốc, kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện, đảm bảo mục tiêu của Chương trình đến năm 2025.

Đối với các huyện phấn đấu lên quận đến năm 2025, Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU đề nghị tập trung triển khai song song việc thực hiện huyện, xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu với các tiêu chí xã thành phường, quận thành huyện; phấn đấu hoàn thành huyện nông thôn mới nâng cao trước khi lên quận.

Đặc biệt, Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU đề nghị Sở NN&PTNT, Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội chủ trì xây dựng “Đề án nông thôn mới thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025”. Trên cơ sở đó, tham mưu UBND TP trình HĐND TP xem xét thông qua, làm cơ sở hoàn thiện hồ sơ TP Hà Nội hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2025. 

 

Một số chỉ tiêu cụ thể về xây dựng nông thôn mới đến năm 2025

TP Hà Nội hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 100% các huyện, các xã đạt chuẩn nông thôn mới; 20% (5 huyện) số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 40% (156 xã) số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 20% (80 xã) số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.