Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhịp cầu nhà nông: Kênh tiếp cận khoa học hiệu quả của nông dân

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra trên cây trồng, vật nuôi, Sở NN&PTNT đã tổ chức hội thảo “Nhịp cầu nhà nông” tại các huyện ngoại thành Hà Nội.

Hội thảo được đánh giá là cầu nối quan trọng giúp nông dân tiếp cận với khoa học kỹ thuật (KHKT) dễ dàng, hiệu quả.

Bổ trợ kiến thức

Từ nhiều năm nay, vùng chiêm trũng Ứng Hòa đã phát triển mạnh nghề nuôi trồng thủy sản (NTTS). Mặc dù NTTS cho hiệu quả cao gấp nhiều lần so với cấy lúa nhưng người nông dân Ứng Hòa vẫn luôn trăn trở bởi các dịch bệnh phát sinh trên đàn cá vẫn thường xuyên xảy ra. Đơn cử như ngày 28/4/2016, tại thôn Đống Long, xã Hòa Lâm có 2 hộ bị thiệt hại gần 2 tấn cá chép (trọng lượng hơn 1kg/con) do ao nuôi bị thiếu oxy. Ông Hoàng Thế Lộc – Chủ nhiệm HTX Đống Long cho biết, toàn thôn có 171 hộ NTTS, với sản lượng cá đạt trung bình 700 – 800 tấn/năm. Mặc dù các hộ đã trang bị đầy đủ máy bơm, máy sục khí oxy nhưng không thể lường trước được những biến đổi đột ngột của thời tiết.
Sở NN&PTNT tổ chức Nhịp cầu nhà nông tại huyện Thường Tín.
Sở NN&PTNT tổ chức Nhịp cầu nhà nông tại huyện Thường Tín.
Điều khiến anh Nguyễn Văn Áp, ở xã Phương Tú băn khoăn nhất là làm thế nào để đàn cá trắm cỏ không bị mắc bệnh vào thời điểm giao mùa. Bởi năm nào cũng vậy, cứ đến tầm tháng 4 là đàn cá của gia đình anh lại kém ăn, bỏ ăn rồi chết. Anh đã tốn nhiều công sức, chi phí mua thuốc trị bệnh cho cá nhưng vẫn thất bại. Nhận được giải đáp của TS Bùi Quang Tề -  Viện Nghiên cứu NTTS 1, anh Áp mới thấy mình còn thiếu hụt rất nhiều kiến thức. Đến giờ anh mới biết bệnh xuất huyết trên cá trắm cỏ là phát sinh do virus, hiện chưa có thuốc đặc trị. "Sau hội thảo này, tôi sẽ tiến hành khử trùng diệt khuẩn ao nuôi và tuyệt đối không dùng kháng sinh để trị bệnh nữa, thay vào đó sẽ cho cá ăn tỏi tươi giã nhỏ và bổ sung vitamin C" - anh cho biết.

Là địa phương có thế mạnh về các mô hình chuyển đổi đa canh, nên nông dân huyện Thường Tín đặt nhiều câu hỏi liên quan đến chăn nuôi lợn, vịt, gà, trồng rau, quả... Vừa chăm chú nghe tư vấn, vừa cẩn thận ghi chép thông tin vào cuốn sổ tay, anh Trần Văn Hải, ở xã Tự Nhiên đặc biệt quan tâm đến phương pháp trồng và chăm sóc chuối nuôi cấy mô. Anh chia sẻ: "Tôi rất hài lòng về câu trả lời của TS Ngô Vĩnh Viễn – nguyên Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật, bởi nhờ đó mà tôi nắm được các kiến thức cơ bản về trồng chuối theo hướng hàng hóa. Ấy là phải đảm bảo các yếu tố về đất, phân bón, phòng bệnh chuối nhậy".

Nhà khoa học, nhà quản lý vào cuộc

Bên cạnh việc giải đáp các câu hỏi, tại hội thảo, các chuyên gia nông nghiệp còn giới thiệu tới nông dân những địa chỉ mua cây, con giống đảm bảo chất lượng. Chẳng hạn như cá giống thì nên mua ở những địa chỉ sản xuất uy tín: Trung tâm Giống thủy sản, Viện Nghiên cứu NTTS 1. Đồng thời khuyến cáo nông dân tuyệt đối không mua cá giống của Trung Quốc để tránh nguy cơ nhiễm các dòng bệnh ngoại lai. Đáng chú ý, tranh thủ thời gian giải đáp, tư vấn cho nông dân, các chuyên gia còn viết lên bảng các thông tin bổ ích trong chăn nuôi, trồng trọt để nông dân dễ nắm bắt.

Là người thường xuyên góp mặt tại các hội thảo "Nhịp cầu nhà nông", ông Ngô Đại Ngọc – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội đi sâu vào việc phổ biến cho nông dân các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp của TP. Ông Ngọc cũng đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của nông dân về nguồn vốn, tiêu thụ, thị trường... Thực tế cho thấy, người nông dân hiện đang thiếu hụt các kiến thức về khoa học kỹ thuật. Thêm vào đó, trình độ lao động thấp, biến đổi khí hậu gia tăng là nguyên nhân dẫn đến sản xuất nông nghiệp đứng trước nhiều nguy cơ rủi ro. Vì vậy, người nông dân rất cần nhận được sự chia sẻ, hỗ trợ của các nhà khoa học và các nhà quản lý thông qua các hoạt động thiết thực như “Nhịp cầu nhà nông”.