Nhớ câu “một miếng khi đói”...

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với mục tiêu góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động, ngày 1/7/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Kèm theo Nghị quyết này là gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng dành cho những đối tượng gặp khó khăn bởi dịch Covid-19.

Một lần nữa, Chính phủ quyết định dành gói hỗ trợ với người lao động và DN gặp khó khăn do đại dịch. Năm 2020, khi đại dịch bùng nổ, Chính phủ đã có Nghị quyết 42 ngày 9/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Gói 62.000 tỷ đồng đã được dành để hỗ trợ người dân, DN, đặc biệt là người lao động và người sử dụng lao động vượt qua khó khăn, khôi phục cuộc sống và sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, mặc dù quyết định của Chính phủ được đưa ra rất kịp thời, nhưng do nhiều nguyên nhân việc triển khai thực hiện lại không được như mong muốn. Cụ thể là theo báo cáo mới nhất của Bộ LĐTB&XH, so với kế hoạch dự kiến nguồn lực ban đầu, kết quả thực hiện hỗ trợ chỉ đạt hơn 53%. Điều đó cũng có nghĩa là nhiều người dân, DN thuộc đối tượng được hỗ trợ đã không nhận được sự giúp đỡ kịp thời để vượt qua khó khăn do đại dịch gây ra.
Theo một số chuyên gia, những hạn chế trong công tác triển khai gói 62.000 tỷ đồng để lại nhiều bài học cần khắc phục. Đặc biệt cần gỡ "nút thắt" thủ tục cho vay và điều kiện nhận tiền hỗ trợ. Chính Bộ LĐTB&XH cũng cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thực hiện gói 62.000 tỷ chưa đạt kế hoạch ban đầu là thủ tục còn rườm rà, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho người được nhận hỗ trợ.

Cha ông ta thường nói: Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Dù đối tượng được nhận hỗ trợ là ai, mức hỗ trợ là bao nhiêu, điều cốt yếu là phải kịp thời, đến được với người dân, DN trong lúc cần thiết nhất. Muốn vậy, điều mấu chốt là thủ tục, điều kiện nhận hỗ trợ phải đơn giản, dễ triển khai thực hiện.

Trong số các đối tượng được hỗ trợ thuộc 12 nhóm chính sách của gói 26.000 tỷ đồng lần này, cần thiết nhất có lẽ là người lao động mà sinh kế bị ảnh hưởng trực tiếp từ đại dịch. Đó là người bị tạm hoãn hợp đồng lao động, người nghỉ việc không hưởng lương, người lao động ngừng việc, người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, lao động tự do… Trong khi đó, theo kinh nghiệm rút ra từ việc triển khai gói 62.000 tỷ theo Nghị quyết 42 năm 2020, đó cũng là những đối tượng rất khó xác định, nếu không có phương pháp phù hợp với thủ tục đơn giản và tinh thần trách nhiệm của các cơ quan chức năng được giao triển khai.

Từ những kinh nghiệm của việc triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỷ theo Nghị quyết 42, sau khi có Nghị quyết 68, Bộ LĐTB&XH đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan cố gắng với mức cao nhất để Quyết định của Thủ tướng quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 được ban hành vào ngày 7/7, sớm đưa chính sách vào cuộc sống, hỗ trợ người dân. Theo Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung, việc đơn giản hóa, cắt giảm tối đa thủ tục được thực hiện với phương châm thông thoáng nhất mà vẫn phải đúng luật để người lao động, chủ sử dụng lao động tiếp cận gói hỗ trợ sớm nhất. Với tinh thần đó, hầu hết các nhóm chính sách đều được ấn định chậm nhất từ 7 - 10 ngày từ khi nhận được hồ sơ đề nghị của người dân, DN các cơ quan chức năng phải giải quyết để chi trả tiền hỗ trợ sớm nhất cho người được thụ hưởng.

Quy định, chủ trương đã rõ. Vấn đề còn lại là việc tổ chức thực hiện của các bộ, ngành liên quan cùng các địa phương. Hy vọng, triển khai thực hiện gói hỗ trợ 26.000 tỷ sẽ tránh được những vướng mắc của gói hỗ trợ lần trước, đến với người lao động và người sử dụng lao động đúng với tinh thần một miếng khi đói bằng một gói khi no, kịp thời giúp người dân, DN vượt qua khó khăn mà đại dịch gây ra.