Nhỏ nhẹ nhắc nhau

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đi lễ chùa đầu năm mới là nét văn hóa truyền thống của người Việt Nam từ bao đời nay.

Những ngày đầu tiên của năm mới Canh Tý 2020, nhiều người dân Hà Nội đã đến chùa Trấn Quốc, Quán Sứ, Kim Liên… để lễ Phật cầu bình an và mọi điều tốt đẹp cho gia đình. Đó được coi là một nét đẹp trong đời sống tinh thần của người Việt Nam cũng như người Hà Nội.
Cũng bởi lên chùa, lễ Phật trong những ngày Xuân mới được coi là một nét đẹp văn hóa nên cũng phải được thực hiện một cách có văn hóa. Rất tiếc là trong khi nhiều người lên chùa với thành tâm hướng Phật, cầu mong cho quốc thái dân an, gia đình bình an hạnh phúc thì lại có những người hoặc là chưa hiểu đúng, hoặc là chưa thực sự coi trọng việc này. Điều đó khiến việc làm mang tính linh thiêng, cao đẹp này bị thực hiện một cách sai lệch.

Chưa nói đến việc thấm nhuần những triết lý sâu xa, làm theo những điều răn thực sự huyền nhiệm của Đức Phật, trước hết người đi lễ chùa đầu năm cần có cái tâm hướng Phật, có hành vi phù hợp nơi cửa thiền linh thiêng.

Trước hết, cần nhớ cửa Phật không phải là nơi xin xỏ, càng không phải chỗ để cầu thăng quan tiến chức, buôn may bán đắt, học hành đỗ đạt... Từ nhiều năm nay, các vị cao tăng đã dạy rằng việc rất nhiều người đến lễ chùa với mong ước sẽ được ban nhiều may mắn, tiền tài, nhà cửa hoặc con cái là một quan niệm không đúng với lời dạy của Phật. Đức Phật chỉ hướng dẫn con người tự thoát khổ chứ không hề ban phát sự sung sướng, hay của cải, chức tước. Muốn được hạnh phúc, cần dọn cho mình cái tâm hướng thiện, từ bi hỉ xả, buông bỏ mọi biểu hiện tham, sân, si… theo lời dạy của Phật.

Cũng từ tâm lý xin xỏ khi đến cửa Phật mà nhiều người có quan niệm lễ càng to, càng được Đức Phật ban phát nhiều may mắn, tài lộc. Cũng từ đó mà người ta đua nhau mang đồ lễ, cả lễ mặn, đặt lên ban thờ Phật. Một trong những biểu hiện của quan niệm sai lầm này là mang rất nhiều vàng mã đốt trong chùa. Trong khi đó, Thượng tọa Thích Thanh Nhã, trụ trì chùa Trấn Quốc (Hà Nội), cùng nhiều vị cao tăng khác khẳng định rằng, kinh Phật không dạy đốt vàng mã để dâng Phật. Bản thân Thượng tọa cũng thường xuyên nhắc nhở Phật tử nên hạn chế đốt vàng mã. Theo ông thì nên dùng tiền mua vàng mã đốt để làm việc thiện cho đời sẽ tốt hơn rất nhiều.

Cuối cùng là không ít người nhầm lẫn giữa việc đi lễ chùa đầu năm với việc du Xuân vãn cảnh. Từ sự nhầm lẫn này dẫn đến những ứng xử không phù hợp về hành vi, trang phục khi đến cửa chùa. Thật đáng buồn khi phải chứng kiến cảnh những bạn trẻ với trang phục, đầu tóc không phù hợp, nói cười ồn ã giữa cảnh chùa trang nghiêm, thanh tịnh. Đó là chưa kể có nhiều bạn trẻ có những hành động quá lố như trèo lên tượng Phật, cười đùa, chụp ảnh. Đáng buồn hơn là từ khi smart phone phát triển, nhiều bà, nhiều cô còn có những hành vi không phù hợp như vô tư dùng điện thoại seo-phì hình ảnh mình đang khấn vái hay bỏ tiền vào hòm công đức để có cái khoe với bạn bè, chia sẻ trên trang mạng xã hội cá nhân.

Dù là vô tình, nhưng những hành vi không phù hợp nêu trên không chỉ làm xấu đi hình ảnh linh thiêng, an lành nơi thờ tự mà còn làm hỏng một nét đẹp văn hóa truyền thống là đi lễ đầu năm của người dân đất Việt.

Đất nước đang vào mùa lễ hội đầu Xuân. Nhỏ nhẹ nhắc nhau vài điều cần lưu ý là để mỗi người chúng ta, đặc biệt là người Hà Nội vốn tự hào về truyền thống thanh lịch văn minh có những ứng xử phù hợp khi đến cửa chùa cũng như những nơi thờ tự linh thiêng, trả lại cho những chuyến hành hương đầu năm mới ý nghĩa thực sự tốt đẹp.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần