Nhớ thời học chữ Thánh hiền!

Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

KinhteDothi - Là cử nhân Hán Nôm, nhưng số chữ tôi có được chỉ chưa đầy nghiêng tay. Và sau khi ra trường vài năm, chữ thầy đã…trả thầy. Bốn năm đại học, hai năm chuyên ngành với tôi chỉ dừng lại như một sự trải nghiệm…

Thứ chữ… lâu nhớ - dễ quên

Những ngày đầu nhâp môn Hán Nôm (khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội), hầu hết lứa sinh viên chúng tôi lúc đó đều phải “đánh vật” với con chữ theo đúng nghĩa đen. Vốn chỉ quen với quốc ngữ, nay vấp phải kiểu chữ khối vuông, xoay phải, lật trái – gạch gạch, xóa xóa, sai vẫn hoàn sai. Khốn khổ hơn nữa là nhiều chữ chỉ khác nhau mỗi cái nét, không cẩn thận “chữ Tác đánh ra chữ Tộ, chữ Ngộ đánh ra chữ Quá”…

Sinh viên lớp Hán Nôm, khoa Ngữ văn K35 (Đại học Tổng hợp Hà Nội) đi thực tập
Sinh viên lớp Hán Nôm, khoa Ngữ văn K35 (Đại học Tổng hợp Hà Nội) đi thực tập

Với đa phần sinh viên khoa Văn thời đó, học và ghi nhớ chữ Hán, chữ Nôm là một thách thức. Những ai từng ở trong ký túc xá Mễ Trì, chắc chắn vẫn nhớ những con chữ lằng ngoằng ở thành bể nước trên sân thượng, đích thị là của đám sinh viên khoa Văn… Miệt mài ôn luyện thật đấy, nhưng chữ Hán là thứ (gần như) học trước, quên sau. Mỗi ngày học mươi chữ, nhưng chỉ mong nhập tâm được một hai đã là khá… Chính vì tính chất đặc thù, nên nhiều sinh viên khoa Văn ngày ấy rất “ngán” học môn Hán Nôm. Nhiều người chỉ học để trả bài, nhưng qua được môn học này cũng không phải dễ…

Một tiết học của sinh viên chuyên ngành Hán Nôm tại Văn miếu - Quốc tử giám
Một tiết học của sinh viên chuyên ngành Hán Nôm tại Văn miếu - Quốc tử giám

Liên quan đến Hán Nôm, có chuyện nghe cứ tưởng tiếu lâm, nhưng thật 100%. Ví như, hôm thi hết môn Hán cơ sở, dù thầy đã cố hỏi và gợi ý nhiều lần, nhưng một nữ sinh vẫn không nhớ nổi mấy chữ trong một bài thơ (thuộc hệ học thuộc lòng). Cực chẳng đã thầy giáo đành “gia ân” bằng cách cho đọc từ nhất (một), đến thập (mười), nếu nhớ và viết ra được đến số nào thì thầy cho điểm số đó. Loay hoay mãi nhưng sinh viên ấy chỉ viết được đến thất (bảy), và không tài nào nhớ được mặt chữ tiếp theo. Thấy vậy một bạn cùng lớp phía ngoài bèn “phím bài” bằng cách đứng dạng chân, ra ký hiệu chữ “bát” (số 8), nhưng "người trong cuộc" vẫn bó tay!

“Trải nghiệm” ngành Hán Nôm

Ở khoa Ngữ Văn những năm 90 trở về trước chỉ có 3 ngành học là Văn – Ngữ - Hán. Thú thật khi bước chân vào khoa Văn, chưa bao giờ tôi nghĩ mình sẽ được học  (và học được) chuyên ngành Hán Nôm; bởi ở giai đoạn cơ sở, cũng phải chật vật lắm tôi mới “qua" được môn này. Hai năm học đại cương trôi đi nhanh lắm, đến năm thứ 3 mọi sinh viên đều phải chọn ngành học. 

Thầy trò chuyên ngành Hán Nôm, K35  (Đại học Tổng hợp Hà Nội) chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo xã Nghiêm Xuyên, huyện Thường Tín, năm 1994.
Thầy trò chuyên ngành Hán Nôm, K35  (Đại học Tổng hợp Hà Nội) chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo xã Nghiêm Xuyên, huyện Thường Tín, năm 1994.

Do mải chơi nên khi các bạn cùng lớp đã yên vị chuyện đăng ký ngành học; cả tập thể lớp hơn 70 người chỉ còn “trật” lại mỗi tôi! Thương đứa học trò đồng hương, thầy chủ nhiệm động viên tôi đăng ký ngành Hán Nôm. Những ngày đầu, biển học mênh mông, kiến thức của bản thân thì ú ớ, cộng với thói lông bông, nay lại phải gò mình vào khuôn phép; tôi đâm nản. May mà “mưa dầm thấm lâu”, thứ chữ khối vuông cũng dần... chinh phục được tôi, mãi rồi các nét cũng phải “ngang bằng, sổ thẳng”. Ở thời điểm đó, sách vở, tài liệu liên quan đến môn học rất thiếu, mạng internet lại chưa có, nên các thầy truyền cho chữ nào hay chữ đó. Thú thực lúc tốt nghiệp, trình độ tuy không đến nỗi “cả buổi chửa viết xong chữ vạn”, nhưng với tôi, vài năm học chuyên ngành Hán Nôm chỉ như một sự trải nghiệm…

Khi khôn thì sự đã già…

Với tấm bằng tốt nghiệp “ba chữ” (trung bình khá), sau gần một năm ra trường,  chẳng biết dùng “nghiêng tay chữ Hán” làm gì để sống; theo đàn anh, tôi lấy nghề báo để mưu sinh. Mãi mê với cuộc cơm áo, sau gần 30 năm tốt nghiệp - “nghiêng tay chữ Hán” ngày nào, dần dà rơi rụng đâu cả! Càng đi nhiều mới thấy di sản Hán Nôm trong dân gian còn quá nhiều, nhưng lâu ngày đụng vào chữ nghĩa - cứ như "gà mắc tóc" vì cách nhớ bì bõm, lúc này mới biết mình phải trả giá cho quá khứ ham chơi hơn ham học…

Do đã từng học Hán Nôm nên người quen hay hỏi chữ nọ, chữ kia; những lúc như vậy tôi mới lục lại trong đầu, tra cứu từ điển xem nội dung là gì; thú thực lắm lúc bí quá phải cầu cứu những bạn đồng môn xưa nghĩ mà thấy xấu hổ…

Các thế hệ thầy trò chụp ảnh lưu niệm tại Văn Miếu, chuẩn bị kỷ niệm 50 năm thành lập chuyên ngành Hán Nôm
Các thế hệ thầy trò chụp ảnh lưu niệm tại Văn Miếu, chuẩn bị kỷ niệm 50 năm thành lập chuyên ngành Hán Nôm

Mấy chục năm sau khi ra trường, gần đây lớp chuyên ngành của chúng tôi mới gặp mặt trong chuyến về thăm lại nơi trước kia thực tập. Đây là dịp để cả lớp ôn lại chuyện cũ – nhân thể “tét” lại chữ nghĩa của nhau. Hóa ra ngoài các bạn theo ngạch nghiên cứu, giảng dạy Hán Nôm, số còn lại chữ nghĩa cũng lõm bõm lắm. Trong câu chuyện ngày hạnh ngộ, ai cũng phải ghi nhận là học Hán Nôm có nhiều cái hay, ít nhất là trong sử dụng ngôn ngữ sẽ hạn chế được sai sót. Ra trường, nếu không theo ngạch nghiên cứu thì làm báo, không theo nghề báo – có thể làm thầy giáo, thầy thuốc (Đông y).

Sinh viên ngành Hán Nôm K35 (Đại học Tổng hợp Hà Nội) về thăm địa điểm thực tập tại Thường Tín sau gần 30 năm ra trường
Sinh viên ngành Hán Nôm K35 (Đại học Tổng hợp Hà Nội) về thăm địa điểm thực tập tại Thường Tín sau gần 30 năm ra trường

Khi biết tôi từng theo học ngành Hán Nôm, khối người nửa đùa nửa thật mà rằng: Bác theo cái nghề báo chí làm gì cho cực thân; học được chữ Thánh hiền, có thể làm nhiều việc sát với ngành đã học. Ừ nhỉ, giá như lúc ra trường mà theo nghề khác có khi lại nhàn thân. Nhưng giờ đã ở cái tuổi ngoại ngũ tuần, “củ lỗ ăn xuống”, mọi sự đã già, có muốn đổi nghề cũng chả kịp!