Nhóm G20: Chuyện riêng ở diễn đàn chung

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội nghị cấp cao của Nhóm G20 năm nay ở Hàng Châu (Trung Quốc) được nước chủ nhà tận dụng để gây dựng vai trò dẫn dắt thế giới, chí ít thì cũng trên phương diện kinh tế, thương mại và tài chính.

Vì thế, Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều công sức và tiền của vào việc tổ chức hội nghị và chi phối chương trình nghị sự. Cả việc phê chuẩn Hiệp ước Paris, rất có thể phối hợp với Mỹ về thời điểm, ngay trước khi hội nghị cấp cao khai mạc cũng nhằm mục tiêu ấy. Chỉ có điều là kể từ khi khuôn khổ diễn đàn Nhóm G20 được thành lập đến nay, kết quả của mọi lần hội nghị cấp cao đều rất hạn chế và kém thiết thực. Hiện tại chưa thấy có dấu hiệu gì về triển vọng hội nghị cấp cao năm nay ở Hàng Châu sẽ khác và khá khẩm hơn.

Nguyên do ở chỗ chương trình nghị sự của hội nghị luôn quá tham vọng, chủ đề nội dung quá nhiều trong khi thời gian hội nghị quá ngắn, các thành viên tham dự hội nghị theo đuổi những ưu tiên về nội dung khác nhau và bản thân các chủ đề nội dung đưa ra thương thảo thường quá phức tạp trong khi mọi kết luận ở hội nghị lại không có hiệu lực ràng buộc. Chuyện riêng vì thế luôn lấn át các vấn đề chung trên diễn đàn chung.
Lãnh đạo 20 nền kinh tế chủ chốt của thế giới nhóm họp ở thành phố Hàng Châu của Trung Quốc nơi đang đăng cai hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay.
Lãnh đạo 20 nền kinh tế chủ chốt của thế giới nhóm họp ở thành phố Hàng Châu của Trung Quốc nơi đang đăng cai hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay.
Ở hội nghị năm nay, Trung Quốc muốn G20 chỉ tập trung vào các vấn đề kinh tế, tài chính và thương mại như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế  giới, mô hình tăng trưởng kinh tế bền vững, chính sách tài chính và tiền tệ phục vụ tăng trưởng kinh tế, tự do hoá mậu dịch, liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu.... Nhưng rất nhiều thành viên của nhóm lại quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề chính trị như bảo vệ khí hậu Trái đất, chống khủng bố, vấn đề Ukraine và Syria, vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, tình hình chính trị an ninh ở khu vực Biển Đông, các vấn đề trong những cặp quan hệ song phương như giữa Trung Quốc với Mỹ, giữa Nga với Mỹ và Nhật Bản, giữa Mỹ và EU với Thổ Nhĩ Kỳ....

Diễn đàn chung đương nhiên bàn về các vấn đề chung, nhưng đồng thời tạo cơ hội thuận lợi cho những cuộc gặp gỡ, tiếp xúc và thương thảo song phương. Diễn đàn chung khó đạt được kết quả cụ thể trong khi các cuộc gặp song phương lại đầy hứa hẹn thành công. Diễn đàn chung là sự kiện đến hẹn lại lên trong khi các chuyện riêng đều là những động thái mới. Bởi thế, hội nghị  của nhóm G20 ở Hàng Châu cho dù không tạo nên được dấu ấn phát triển mới cho khuôn khổ diễn đàn này thì cũng vẫn có ý nghĩa quan trọng đối với rất nhiều thành viên của nhóm.

Nhìn ra xa hơn, bi kịch hiện tại của nhóm G20 là các thành viên của nhóm kỳ vọng biến khuôn khổ diễn đàn này trở thành một dạng "chính phủ của thế giới" trong khi định hướng chính sách của họ theo chiều ngược lại, nhiều bảo hộ hơn trong khi lẽ ra phải tăng cường tự do hoá và toàn cầu hoá, co cụm trong khi lẽ ra phải tăng cường liên kết, tham gia diễn đàn chung vì chuyện riêng nhiều hơn chuyện chung.