Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhóm giúp sức cựu Chủ tịch FLC góp vốn khống nghìn tỉ

Theo Laodong vn
Chia sẻ Zalo

Việc nâng khống vốn từ 1,5 tỉ lên 4.300 tỉ đồng của Công ty Faros, cơ quan công tố cáo buộc có sự giúp sức của em rể, cháu họ... của cựu Chủ tịch FLC.

Việc nâng khống vốn từ 1,5 tỉ lên 4.300 tỉ đồng của Công ty Faros, cơ quan công tố cáo buộc có sự giúp sức của em rể, cháu họ... của cựu Chủ tịch FLC.

Trong việc nâng khống vốn tại Công ty Faros, có nhiều bị cáo là người thân của cựu Chủ tịch FLC giữ vai trò giúp sức. Ảnh: N.Anh
Trong việc nâng khống vốn tại Công ty Faros, có nhiều bị cáo là người thân của cựu Chủ tịch FLC giữ vai trò giúp sức. Ảnh: N.Anh

Chiều 22/7, sau phần công bố cáo trạng, HĐXX TAND Hà Nội đã thẩm vấn với các bị cáo sau khi cách ly ông Trịnh Văn Quyết - cựu Chủ tịch FLC và Trịnh Thị Minh Huế - em gái ông Quyết.

Người đầu tiên trả lời thẩm vấn, bị cáo Trịnh Văn Đại - cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty Faros bị truy tố 2 tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Thao túng thị trường chứng khoán", khai là anh họ ông Quyết, làm việc tại FLC nhiều năm, trải qua nhiều chức vụ.

Ông Đại cho hay không là cổ đông cũng không góp vốn vào Faros song bản thân ký các quyết định tăng vốn, ủy nhiệm chi, giấy chuyển tiền (để góp vốn vào Faros), ký các hợp đồng ủy thác đầu tư giữa Faros với các công ty thuộc "hệ sinh thái" để hợp thức hóa dòng tiền sau khi khống vốn.

"Không góp tiền sao vẫn ký", chủ tọa hỏi.

"Huế nhờ" - ông Đại trả lời và cho hay mục đích ký là để "phục vụ cho công việc của công ty".

Bị cáo cũng khai, không biết anh em Quyết, Huế sẽ dùng chữ ký của ông vào mục đích niêm yết công ty và bán cổ phiếu trên sàn giao dịch để lừa đảo.

Ngoài ra, ông Đại cũng cho Huế mượn chứng minh nhân dân để mở 3 công ty và không nhớ để Huế lập bao nhiêu tài khoản chứng khoán. Toàn bộ tài khoản này, ông Đại nói không sử dụng quản lý mà đưa cho Huế, "hoàn toàn không biết sử dụng thế nào vào việc gì". Ngoài lương tại công ty, ông không được anh em ông Quyết cho hưởng lợi gì thêm.

Như ông Đại, bị cáo Trịnh Tuân - cựu Giám đốc Công ty FLC Land (cháu họ ông Quyết) và Nguyễn Văn Mạnh - nhân viên Công ty FLC Land (em rể ông Quyết, chồng bị cáo Trịnh Thúy Nga) đều khai được bị cáo Huế "nhờ gì ký đó" nhưng không nhớ rõ tài liệu đó là gì, phục vụ mục đích gì.

Họ nhận thức các chữ ký này nhằm phục vụ "mục đích sản xuất kinh doanh" chung, dù không rõ công ty sản xuất kinh doanh gì.

Cựu Kế toán trưởng Faros - bị cáo Đàm Mai Hương, người bị cáo buộc ký báo cáo tài chính của công ty giai đoạn 6 tháng đầu năm 2016, kèm cân đối kế toán báo cáo lưu chuyển tiền tệ... để xác định Faros có 4.300 tỉ đồng vốn chủ sở hữu, dù thực tế hơn 3.600 tỉ đồng trong số này là khống.

Trước tòa, bà Hương mong HĐXX "xem xét lại" cáo buộc có hành vi giúp sức lừa đảo với lý do mới chỉ vào làm kế toán trưởng được 6 ngày. Suốt 5 tháng làm việc tại Faros, bị cáo chưa khi nào tiếp xúc với ông Quyết, bà Huế.

"Bị cáo có ký báo cáo tài chính thống nhất tài chính của Faros là 4.300 tỉ và có ký vào cáo bạch", chủ tọa chất vấn.

Hương cho hay, theo nhận thức của bị cáo lúc đó thì thấy báo cáo tài chính là phù hợp. Bị cáo tin tưởng vào thẩm tra của các cơ quan có thẩm quyền. Lúc đó bị cáo mới làm việc được 6 ngày nên không đủ thời gian, năng lực để biết được việc tăng vốn trước đó của Faros.

"Nếu báo cáo tài chính đúng thì cổ phiếu có niêm yết được?", chủ tọa hỏi.

"Thời điểm đó bị cáo thấy đúng, báo cáo tài chính lúc đó chỉ là ký theo định kỳ", Hương trả lời.

Bà Hương bị cáo buộc tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Phản đối lời khai này, bị cáo Nguyễn Thiện Phú - cựu Kế toán trưởng Công ty Faros, người tiền nhiệm của Hương, bị truy tố cùng tội danh trên, cho hay Hương nói mới làm kế toán trưởng 6 ngày là chưa chuẩn, vì trước đó bà này đã có 2 tháng thử việc trong vai trò này.

Về khoản vốn Faros 4.300 tỉ đồng, bị cáo Phú thừa nhận "trên góc độ nghề nghiệp thấy các báo cáo này chưa đủ điều kiện". Bị truy tố tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", ông Phú nói "không nghĩ mình sẽ đi chiếm đoạt tài sản mà chỉ làm việc với tư cách người làm kế toán".

Cựu kế toán trưởng này cho rằng khi ký khống các giấy chuyển nhượng cổ phần, giấy nộp tiền, chỉ quan niệm "ký hộ anh Quyết" chứ không biết tiền của ai. "Bị cáo nghĩ anh Quyết có tiền góp vốn thật mới đứng tên ký hộ", ông Phú nói.