Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhóm máu O thiếu trầm trọng do nhu cầu tăng cao

Lệ Giang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong tổng số gần 9.000 đơn vị máu đang dự trữ trong kho máu của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, máu nhóm O chỉ còn 3.200 đơn vị. Con số này chiếm khoảng 36%, trong khi đó, tỷ lệ dự trữ an toàn với nhóm O cần đạt 50%.

Từ khi dịch Covid-19 được kiểm soát, các hoạt động kinh tế – xã hội trở lại nhịp độ trước đây, công tác tổ chức hiến máu diễn ra rất thuận lợi. Với sự phối hợp của Ban Chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện các cấp và các cơ quan, đơn vị, hiện tại, nhiều Trung tâm Truyền máu trên cả nước đã xây dựng được kế hoạch tiếp nhận máu đến hết tháng 11/2022.

Nhiều tháng qua, trung bình mỗi ngày Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đều tiếp nhận được 1.000 – 1.200 đơn vị máu, đảm bảo cung cấp đầy đủ, kịp thời cho 180 cơ sở y tế tại 28 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, từ đầu tháng 8/2022 đến nay, nhu cầu sử dụng máu nhóm O tại nhiều bệnh viện tăng cao, khiến lượng máu dự trữ nhóm O giảm hẳn.

Do nhu cầu tăng cao, nhóm máu O đang bị thiếu rất nhiều
Do nhu cầu tăng cao, nhóm máu O đang bị thiếu rất nhiều

Có nhiều ngày Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cung cấp lượng máu nhóm O rất lớn như: ngày 27/7 với 1.070 đơn vị máu nhóm O (chiếm 49,8% tổng lượng máu cung cấp); ngày 28/7 với 1.000 đơn vị (chiếm 50,2% tổng lượng máu cung cấp); ngày 4/8 với 880 đơn vị (chiếm 51,7% tổng lượng máu cung cấp); ngày 5/8 với 976 đơn vị (chiếm 52,3% tổng lượng máu cung cấp)…

Mỗi năm, nước ta cần khoảng 1.800.000 đơn vị máu điều trị. Trong đó, cứ trung bình 2 bệnh nhân cần truyền máu thì có 1 bệnh nhân máu nhóm O. Một ngày, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cần 700 đơn vị máu nhóm O để cung cấp cho các bệnh viện của 26 tình thành phố khu vực phía Bắc.

Theo Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu TW Bạch Quốc Khánh cho biết: “Khoảng 45% dân số Việt Nam có nhóm máu O nên số lượng người bệnh cần truyền máu nhóm này luôn cao hơn so với các nhóm máu khác. Tỷ lệ dự trữ an toàn với máu nhóm O cần đạt khoảng 50% mới đủ đáp ứng cho nhu cầu cấp cứu và điều trị. Sáng 11/8/2022, trong tổng số gần 9.000 đơn vị máu đang dự trữ trong kho máu của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, máu nhóm O chỉ có hơn 3.200 đơn vị, chiếm 36%”.

Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương h mong muốn có thêm những đơn vị máu nhóm O trong những ngày tới từ tấm lòng của cộng đồng 
Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương h mong muốn có thêm những đơn vị máu nhóm O trong những ngày tới từ tấm lòng của cộng đồng 

Trên thực tế, những người nhóm máu O có thể truyền cho những người thuộc cả 4 nhóm máu trong hệ máu ABO và không có bất kỳ phản ứng nào xảy ra khi thực hiện truyền máu do nhóm máu O không có kháng nguyên trên bề mặt hồng cầu. Vì thế, nhóm máu O luôn được ưu tiên dự trữ do có thể sử dụng để truyền máu trong trường hợp khẩn cấp với những đối tượng chưa xác định được nhóm máu.



Những người thuộc nhóm máu O rất khó nhận máu khác bởi nhóm máu O không có kháng nguyên A và kháng nguyên B trên tế bào hồng cầu, nhưng trong huyết tương lại có cả kháng thể A và kháng thể B. Để giảm thiểu nguy cơ thiếu máu nhóm O, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương kêu gọi mọi người dân có nhóm máu O đủ điều kiện sức khỏe hãy tham gia hiến máu.

Những điều cần biết về nhóm máu 

Hiến máu tình nguyện là một hoạt động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, là nét đẹp trong cuộc sống của mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội. Máu là loại thuốc điều trị đặc biệt quý, chỉ có thể được hiến tặng từ những trái tim nhân ái, với tình cảm và trách nhiệm cao cả của người hiến với cộng đồng. Nguồn máu an toàn nhất cho người bệnh là nguồn máu từ những người khỏe mạnh, hiến máu tình nguyện. Thiếu máu cho điều trị người bệnh sẽ không còn là nỗi lo, nếu như tất cả mọi người khỏe mạnh đều sẵn sàng chia sẻ những giọt máu quý giá của mình.

 

Để giảm thiểu nguy cơ thiếu máu nhóm O, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương kêu gọi người có nhóm máu O đủ điều kiện sức khỏe hãy tới hiến máu tại các địa điểm sau:

  1. Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương(Phố Phạm Văn Bạch, Cầu Giấy, Hà Nội): Từ 7h30 – 19h00 tất cả các ngày (kể cả thứ 7, Chủ nhật và ngày lễ.
  2. Các điểm hiến máu cố định tại Hà Nội:

– Thời gian: từ 8h – 12h và 13h30 – 17h từ Thứ 3 đến Chủ nhật (nghỉ Thứ 2 và ngày lễ). Vui lòng đến trước giờ kết thúc 45 phút để kiểm tra sức khỏe trước hiến máu.

– Địa điểm: 26 Lương Ngọc Quyến (Hoàn Kiếm), số 10 – ngõ 122 đường Láng (Đống Đa), Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp (Km13+500, Quốc lộ 1A, Thanh Trì).

3. Các địa điểm hiến máu khác được đăng tải trên App Hiến máu”.