Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán 4/10:

Nhóm tài chính tiêu cực, VN-Index lao dốc về 1.270 điểm

Hương Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - VN-Index tiếp tục diễn biến tiêu cực và lao dốc về 1.270 điểm. Tính trong tuần này, VN-Index đã mất tổng cộng hơn 20 điểm.

Ngân hàng bị bán mạnh, VN-Index lao dốc về 1.270 điểm

Mở cửa phiên chiều cùng lực cầu xuất hiện trở lại nhưng áp lực bán vẫn chiếm ưu thế khá lớn đã khiến cho VN-Index đảo chiều và tiếp giảm điểm cho đến hết phiên.

Nhóm tài chính tiêu cực, VN-Index lao dốc về 1.270 điểm - Ảnh 1

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 7,5 điểm (-0,59%), về mức 1.270 điểm. Thanh khoản thị trường giảm so với phiên giao dịch trước đó, với khối lượng giao dịch khớp lệnh của VN-Index đạt hơn 568 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị đạt hơn 12,6 ngàn tỷ đồng; toàn thị trường đạt hơn 15,4 ngàn tỷ đồng.

Về mức độ ảnh hưởng, VNM, CTG, GVR và MBB là những mã có tác động tiêu cực nhất khi lấy đi hơn 2,8 điểm của chỉ số. Ở chiều ngược lại, GAS, PLX, HAG và LPB là những mã có ảnh hưởng tích cực nhất nhưng mức tác động vào chỉ số không quá đáng kể.

Ngành tài chính có mức giảm mạnh nhất thị trường với -0,8%. Nhóm cổ phiếu ngân hàng trong phiên giao dịch này cũng “đỏ sàn” vì bị bán mạnh: EIB giảm 3,37%, TCB giảm 1,23%, MBB giảm 1,57%, STB giảm 1,93%, TPB giảm 1,43%, CTG giảm 1,66%, ACB giảm 1,17%, MSB giảm 1,56%... 

Theo sau là ngành bất động sản và ngành nguyên vật liệu với mức giảm lần lượt là 0,62% và 0,6%. Nhóm bất động sản vẫn chưa bị ngừng bán nên vẫn nghiêng về sắc đỏ: VRE giảm 1,86%, IDC giảm 1,75%, BCM giảm 1,74%, CEO giảm 1,3%; DIG, VIC, VHM, DXG, NLG, HDC giảm gần 1%.

Ở chiều ngược lại, ngành năng lượng có mức phục hồi tốt nhất thị trường đạt 0,27% với sắc xanh xuất hiện ở PVS (+1,72%), PVD (+1,65%), PVB (+2,7%) và CST (+1,2%).

Nhà đầu tư nước ngoài quay lại bán ròng sau 3 phiên giải ngân tích cực để gom cổ phiếu. Cụ thể, trong phiên cuối tuần, nhóm này bán ra 48,8 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch 1.537 tỷ đồng trong khi chỉ giải ngân khoảng 965 tỷ đồng để mua 31,7 triệu cổ phiếu. Giá trị bán ròng theo đó hơn 572 tỷ đồng.

Khối ngoại xả hàng ồ ạt cổ phiếu VHM với giá trị bán ròng hơn 230 tỷ đồng, tiếp đến là SGB xấp xỉ 74,7 tỷ đồng, VRE gần 62 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư nước ngoài gom mạnh cổ phiếu TCB với giá trị ròng 33,9 tỷ đồng. TPB xếp tiếp theo khi hút ròng 32,8 tỷ đồng, sau đó đến VCI hơn 25,7 tỷ đồng.

Hơn 26.000 gốc sầu riêng của bầu Đức bắt đầu cho thu hoạch, cổ phiếu HAG tăng mạnh

Cổ phiếu HAG của Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) hôm nay tăng mạnh, thậm chí có lúc được kéo lên mức giá trần 11.250 đồng/cp, đánh dấu phiên tăng mạnh nhất kể từ giữa tháng 5.

Trước đó, đầu tháng 6/2024, HAG đã trải qua 2,5 tháng điều chỉnh mạnh từ mốc 15.000 đồng xuống 10.000 đồng/cp. Tuy nhiên, kể từ cuối tháng 8, cổ phiếu này đã bắt đầu phục hồi với thanh khoản thấp.

Trong phiên hôm nay 17 triệu cổ phiếu HAG được khớp lệnh, gấp đôi so với trung bình 20 phiên gần nhất. Đáng chú ý, giao dịch mua chủ động chiếm 64%, áp đảo so với 35% ở chiều bán.

Tại mức giá trần 11.250 đồng và mức cận trần 11.200 đồng, hơn 9,6 triệu cổ phiếu đã được sang tay, với hàng trăm lệnh giao dịch thành công chỉ trong vài phút. Đặc biệt, cổ phiếu HAG ghi nhận 14 lệnh giao dịch lớn với giá trị trung bình gần 4,9 tỷ đồng/lệnh.

Thông tin tích cực từ HAGL về việc khoảng 300ha sầu riêng tại Lào bắt đầu cho thu hoạch vụ đầu tiên, với giá bán trái vụ khoảng 100.000 đồng/kg, giúp tăng thêm sức hấp dẫn cho cổ phiếu. Với sản lượng dự kiến 2.000 tấn, Chủ tịch HĐQT Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) cho biết doanh số bán sầu riêng của HAGL ước đạt 200 tỷ đồng.