Trong khi đó, công tác thu hồi nợ lại đang vấp phải nhiều vướng mắc.
Doanh nghiệp nợ “xấu” gia tăng
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 7/2016, số nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã lên đến hơn 13.934 tỷ đồng, tăng hơn 1.123 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Chỉ riêng trên địa bàn Hà Nội, tính đến thời điểm này đã có hơn 31.000 DN chậm đóng BHXH với số tiền nợ trên 2.000 tỷ đồng, gần bằng 1/7 của cả nước. Điều đáng nói, số DN nợ “xấu”, tức DN không còn khả năng thực hiện chế độ BHXH đối với NLĐ lại đang gia tăng. Điển hình, tại quận Hà Đông, một số đơn vị như Công ty CP Nền móng Sông Đà, Công ty CP Xây lắp Sông Đà Thăng Long mặc dù vẫn đang hoạt động nhưng đã trên 3 năm nay không đóng BHXH cho NLĐ. “Những đơn vị này đã bị khởi kiện vì trốn đóng BHXH, Thanh tra Chính phủ cũng đã vào cuộc nhưng chưa có gì tiến triển” - ông Hoàng Đức Hiếu – Phó Giám đốc BHXH quận Hà Đông chia sẻ.
Toàn TP Hà Nội, nhiều DN nợ đóng BHXH với số tiền lớn đã bị cơ quan BHXH thực hiện khởi kiện trước thời điểm 1/1/2016 nhưng đến nay số tiền nợ vẫn gia tăng, thậm chí gấp 3 – 5 số tiền nợ tại thời điểm khởi kiện. Mặt khác, theo ông Trần Đình Liệu - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, hiện có nhiều DN tìm mọi cách lách luật, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN như ký nhiều hợp đồng lao động có thời hạn dưới 3 tháng hoặc ký hợp đồng lao động với NLĐ chỉ ghi mức tiền lương và các khoản phụ cấp đóng BHXH thấp hơn mức thu nhập thực tế mà DN trả cho NLĐ. Ở một số địa phương, có DN “bán chui” các nhà xưởng và tài sản cho người khác để trốn nợ BHXH, dẫn đến tình trạng là DN cũ “biến mất” trong khi DN mới chối bỏ trách nhiệm về những khoản nợ BHXH, BHYT, BHTN lên đến hàng chục tỷ đồng.
Đặc biệt, theo thống kê của BHXH Việt Nam, tình trạng 160 chủ DN nước ngoài bỏ trốn khỏi lãnh thổ Việt Nam, không thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH cho khoảng 4.000 lao động đã diễn ra hơn 6 năm nay. “DN chỉ đi thuê nhà xưởng, hợp đồng lao động và sổ BHXH DN họ giữ. Khi họ không đóng sau một tháng, cơ quan BHXH tới kiểm tra thì không còn gì. Trong khi đó, cơ chế liên thông với bên xuất nhập cảnh chưa được rõ. Chúng tôi không nắm được việc chủ DN bao giờ ra vào Việt Nam ” - ông Liệu cho biết.
Vướng mắc từ nhiều phía
Ông Mai Đức Chính – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, nguyên nhân nợ đọng BHXH lớn như hiện nay từ nhiều phía, nhưng điểm chính vẫn là ý thức chấp hành pháp luật BHXH của DN chưa cao. Việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH chưa đủ sức răn đe. Cụ thể, theo quy định, DN chậm đóng BHXH từ 30 ngày trở lên sẽ phải trả lãi bằng với lãi suất đầu tư của BHXH Việt Nam (hiện là 0,988%/tháng, tương ứng khoảng 11,8%/năm). So với vay ngân hàng, mức lãi này vẫn còn “dễ chịu”, chính vì vậy, nhiều DN cố tình chây ì vì chậm đóng BHXH sẽ có lợi hơn đi vay. Bên cạnh đó, từ 1/1/2016, việc khởi kiện các DN nợ BHXH, BHYT, BHTN của NLĐ được giao cho tổ chức công đoàn, tòa án không thụ lý đơn khởi kiện của BHXH về vấn đề này nên vô tình tạo thêm khoảng trống về thời gian cho các DN cố tình chây ì, trốn tránh. Hoặc khi đã khởi kiện, nhiều DN nợ không chịu ký vào biên bản đối chiếu, xác định công nợ, thiếu hợp tác. Khi tòa án xét xử, DN lại không đến. Một số chủ DN khi bị kiện đã bỏ trốn hoặc tìm cách chuyển sang địa bàn khác, âm thầm chuyển nhượng lại DN cùng với số nợ. Nhiều đơn vị, khi xác minh tài sản không có nguồn tài sản hoặc tài sản chủ yếu đi thuê, dẫn đến không thu hồi được số tiền nợ bảo hiểm.
Trực tiếp tham gia đôn đốc các DN nợ BHXH, ông Nguyễn Dương - Trưởng phòng Khai thác và Thu nợ (BHXH TP Hà Nội) chia sẻ, không ít DN nợ BHXH mà cán bộ cơ quan BHXH phải đi đến DN lần thứ 3 mới làm việc được. Đặc biệt, trong quyết định kiểm tra của cơ quan BHXH có nêu rõ làm việc với chủ lao động hoặc người được ủy quyền bằng văn bản, ít nhất phải là người “có tiếng nói” trong DN nhưng nhiều DN lại ủy quyền cho nhân viên kế toán hoặc nhân viên phòng nhân sự - những người không thể quyết định được trong công việc. Thậm chí có những DN lãnh đạo DN kiên quyết không làm việc và cũng không ủy quyền người cho bất kì ai làm việc với cơ quan BHXH.
Từ năm 2016, BHXH có chức năng thanh tra và xử phạt những DN chậm đóng. Theo ý kiến của nhiều cán bộ BHXH, khi chức năng này có hiệu lực sẽ tăng thêm quyền lực cho cơ quan BHXH trong đốc thúc và thu nợ các DN chậm đóng BHXH. Tuy nhiên, luật có hiệu lực từ 1/1/2016 nhưng nghị định thực hiện có hiệu lực từ tháng 6/2016. Trong khi đó, quy trình hướng dẫn thực hiện lại chưa có nên luật vẫn "nằm trên giấy". Dự kiến đến quý IV/2016, quyền lực này mới được phát huy. Mới đây nhất, BHXH Việt Nam đã ký kết với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy chế phối hợp về trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu trong việc khởi kiện đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN. Theo đó, ngành BHXH sẽ cung cấp danh sách các đơn vị nợ tiền BHXH cần phải khởi kiện tại tòa… Ngược lại, tổ chức công đoàn sẽ cung cấp danh sách đơn vị sử dụng lao động chuẩn bị khởi kiện để cơ quan BHXH kiểm tra, đối chiếu, cập nhật tình hình nợ và việc áp dụng các biện pháp xử lý khác đối với đơn vị sử dụng lao động. Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh kỳ vọng, việc ký kết quy chế phối hợp này sẽ góp phần hạn chế các vi phạm pháp luật, khắc phục tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các DN.
Hiện, cơ quan BHXH Việt 5 DN nợ tiền BHXH nhiều nhất trên địa bàn TP Hà Nội đã khởi kiện nhưng vẫn còn nợ dài: 1. Chi nhánh Công ty CP ô tô Xuân Kiên VINAXUKI – NM sản xuất ô tô số 1, Mê Linh – Số nợ hiện tại: 16.084.516.850 đồng. 2. Công ty TNHH May mặc xuất khẩu VIT Garment - Số nợ hiện tại: 9.588.653.228 đồng. 3. Công ty CP Thi công cơ giới & lắp máy dầu khí - Số nợ hiện tại: 8.207.437.541 đồng. 4. Công ty CP Licogi 13 xây dựng và KT công trình - Số nợ hiện tại: 5.609.475.993 đồng. 5. Công ty CP Xây dựng công trình ngầm - Số nợ hiện tại: 5.722.159.725 đồng. |