Nhức nhối vấn đề lao động Thái Lan tại Israel

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bất chấp những rủi ro từ xung đột Hamas-Israel, nhiều người lao động Thái Lan vẫn chọn ở lại Israel vì nguồn thu nhập hấp dẫn.

Hàng nghìn lao động Thái Lan đã đến làm việc tại Israel trong suốt một thập kỷ qua, đóng vai trò quan trọng đối với ngành nông nghiệp đang “khát nhân công” của quốc gia Trung Đông này. 

Người lao động Thái Lan về nước tại sân bay Bangkok. Nguồn: Nikkei Asia.
Người lao động Thái Lan về nước tại sân bay Bangkok. Nguồn: Nikkei Asia.

Sau khi trở về từ Gaza, Boonchai Saeyang, một người Thái đang làm việc tại Israel, cho biết có rất nhiều công dân Thái Lan vẫn quyết định ở lại Israel để làm việc, bất chấp xung đột Hamas - Israel tiếp tục leo thang.

“Điều này hoàn toàn có thể hiểu được vì một số người đang làm việc vất vả để trả nợ, trong khi thu nhập tại Israel là khá hấp dẫn. Họ nhắn nhủ tôi về trước trong khi vẫn ở lại để xem xét thêm tình hình” – Ông trả lời trước báo giới.

Một số nguồn tin cho thấy tính đến 22/10, 29 công dân Thái Lan đã bị thiệt mạng và bắt cóc trong bối cảnh xung đột tại Dải Gaza có dấu hiệu lan rộng.

Bên cạnh những rủi ro về an toàn, người lao động “xứ sở chùa Vàng” tại Israel còn phải đối mặt với tình trạng ngược đãi, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi. Một báo cáo năm 2020 của tổ chức Kav LaOved về tình trạng di cư của người Thái sang Israel cho thấy 83% công nhân được trả lương dưới mức tối thiểu mà luật pháp quy định.

Không những vậy, những người lao động này phải đối mặt với tình trạng làm việc trong môi trường không an toàn hay không thể tiếp cận với dịch vụ y tế. Thậm chí, báo cáo về nạn buôn người của Bộ Ngoại giao Mỹ vào năm 2022 đã mô tả tình trạng làm việc của một số công nhân Thái Lan tại Israel không khác nào lao động cưỡng bức.

Do vậy, trước những yêu cầu muốn hồi hương, Chính phủ Thái Lan cam kết sẽ giúp những công dân của mình về nước an toàn, cũng như đặt ra mục tiêu 4.000 người trở về Thái Lan vào cuối tháng 10. Theo các quan chức Bangkok, hơn 7.000 người Thái đang chờ đợi các chuyến bay tiếp theo về nước.

Còn theo chính quyền Israel, tính đến tháng 7/2023, có khoảng 119.000 lao động nước ngoài hợp pháp và 25.000 lao động bất hợp pháp đang làm việc tại quốc gia này. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp đang sử dụng một lượng lớn nhân công nước ngoài với 22.862 lao động hợp pháp và 7.493 lao động bất hợp pháp – phần lớn là những người làm việc quá hạn thị thực. Hầu hết lao động tại Israel đều đến từ Thái Lan, số còn lại chủ yếu là các sinh viên vừa học vừa làm đến từ các quốc gia châu Á và châu Phi khác.

Người Thái làm việc tại Israel từ nhiều thập kỷ trước

Theo nghiên cứu của nhà nhân chủng học Matan Kaminer, sau cuộc nổi dậy Intifada của người Palestine, một làn sóng nhân công bùng nổ mạnh mẽ khi hàng trăm “tình nguyện viên” nông nghiệp Thái Lan đã đến Israel vào năm 1980 và hàng nghìn người khác tiếp bước vào năm 1992.

Lý giải trình trạng này, ông Kaminer nói với Nikkei Asia: “Nhằm tránh sự phụ thuộc vào một số quốc gia nhất định, chính phủ Israel đã quyết định thay thế công nhân Palestine bằng những người lao động nhập cư đến từ nước khác”.

Dưới áp lực của Mỹ và các nhóm phi chính phủ về quyền lao động, vấn đề tuyển dụng lao động đã được hợp pháp hóa vào năm 2011 với việc ký thỏa thuận Hợp tác Thái Lan-Israel về bố trí người lao động (TIC).

Thỏa thuận này trực tiếp loại bỏ vai trò của các nhà môi giới lao động ở Thái Lan, phân bổ trách nhiệm tuyển dụng lao động cho Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) thuộc Liên Hợp Quốc. Về phía Israel, 13 cơ quan về lao động do chính phủ nước này chỉ định sẽ chịu trách nhiệm tuyển dụng và thiết kế phúc lợi cho người lao động.

Theo một nghiên cứu vào năm 2019 của Rebeca Raijman và Nonna, thỏa thuận TIC giúp người Thái có thể làm việc tại Israel trong thời hạn tối đa 5 năm 3 tháng. Thỏa thuận này đã giúp giảm chi phí người lao động phải trả từ mức 9.000 USD xuống 2.100 USD.

Bà Kushnirovich cho biết lao động nước ngoài trong nông nghiệp vẫn luôn duy trì tỷ lệ ổn định khi thị thực trong lĩnh vực này đang chiếm 1/4 tổng số thị thực làm việc ở nước ngoài.