Người xưa có câu: Sáng sớm ăn gừng, tốt hơn cả uống nước sâm; buổi tối ăn gừng, ngang với ăn thạch tín. Lý do là gừng có thể tăng cường và thúc đẩy tuần hoàn máu, kích thích tiết dịch dạ dày, làm hưng phấn ruột - dạ dày, thúc đẩy tiêu hóa, ngoài ra còn có tác dụng kháng khuẩn. Vào buổi sáng, khí trong dạ dày nhiều, ăn một chút gừng vào sẽ khích lệ cho dương khí bốc lên. Đến nửa đêm, dương khí trong người thu lại, âm khí thịnh phát, lúc này ăn gừng sẽ vi phạm quy luật sinh lý.
Thức ăn và nước uống có pha chút gừng sẽ làm tăng cảm giác ngon miệng và giúp cải thiện tâm trạng. Các vị thuốc dân gian cũng như hiện đại đều chỉ ra dùng gừng có tác dụng cải thiện quá trình trao đổi chất, làm sạch cơ thể khỏi các độc tố và các gốc tự do, giúp làm giảm cân.
Gừng còn có nhiều lợi ích khác nữa. Song những người mắc bệnh lý sau thì không được sử dụng gừng:
Viêm loét dạ dày, tá tràng
Gừng có tác động mạnh mẽ đến niêm mạc dạ dày. Nếu một người đang bị kích ứng niêm mạc hoặc có vết loét dùng gừng sẽ kích thích thêm quá trình này, khiến dạ dày bị quá tải, dẫn đến tổn thương nghiêm trọng hơn.
Không dùng gừng cho người bị say nắng
Gừng tính nóng nên thích hợp dùng cho người cảm mạo, phong hàn, vị hàn phát nhiệt sau khi dầm mưa...
Sốt cao không được ăn gừng
Khi có dấu hiệu sốt cao tuyệt đối không ăn gừng vì gừng có tính nhiệt càng làm cho thân nhiệt của người bệnh cao lên gây tổn thương các mạch máu, thậm chí xuất huyết.
Bệnh gan
Với bệnh nhân bị bệnh gan như cấp tính, mãn tính, xơ gan, viêm gan thì tuyệt đối không được ăn gừng vì nó kích thích các hoạt động bài tiết của tế bào gan, rất có hại khi các tế bào này trong trạng thái bị kích thích, thậm chí dẫn đến hoại tử.
Trĩ, xuất huyết
Gừng có tính nóng rất mạnh vì vậy nó có thể làm vỡ các mạch máu bị yếu. Do đó, những người có tiền sử rối loạn chảy máu như chảy máu cam, chảy máu tử cung, bệnh trĩ không nên ăn gừng để tránh tình trạng bệnh thêm nghiêm trọng.
Chuyên gia còn khuyến cáo thêm, khi đang bị chảy máu nhiều ở tử cung, mũi, chống chỉ định dùng gừng bởi sẽ làm tăng tình trạng này.