Những "bí kíp" gói bánh chưng có một không hai của người Việt ở nước ngoài

Lan Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dùng ruy-băng thay lạt, dùng bìa các-tông hay đồ chơi xếp hình làm khuôn... là cách mà người Việt ở nước ngoài sáng tạo ra để có một chiếc bánh chưng trên đất khách.

“Săn” lá dong
Hiện tại, đồ Việt được bán ở các chợ khá phong phú, tại một số chợ chuyên bán đồ châu Á như chợ Springvale, Melbourne còn đầy đủ ngang ngửa các chợ lớn ở Hà Nội. Nhưng để nấu một mâm cơm ngày Tết vẫn không hề dễ dàng.
Vấn đề khiến nhiều người Việt Nam ở nước ngoài “đau đầu” là lá dong gói bánh chưng. Chị Đặng Phương Liên (bang Michigan, Mỹ) cũng chia sẻ, ở Mỹ, hầu như các món ăn truyền thống trong dịp Tết của Việt Nam như bánh chưng, giò chả, nem chua... đều có bán đầy đủ ở các siêu thị Việt nhưng lạt và lá dong thì không có, chị Liên cho hay.

“Gạo có thể mua gạo xuất khẩu từ Hàn Quốc hoặc Nhật Bản, thịt thì mua ở chợ của người bán hàng quen. Nhưng lá dong và lạt thì ở đây không có”, chị Liên nói. Vì vậy, để có một chiếc bánh chưng gói bằng lá dong như ở nhà là vô cùng kỳ công. Lá dong không phải lúc nào cũng có nên thường sẽ được để đông lạnh rồi nhờ người quen mang sang. Ngoài lá dong thì lạt là đồ dùng khó kiếm thứ 2. Chị Liên phải “đặt hàng” gia đình chẻ lạt để mang sang và có thể dùng dần trong những dịp Tết này.

 Bánh chưng, bánh tét do người Việt ở Montpellier, Pháp gói. Nguồn: NVCC
Chia sẻ về việc nấu cơm Việt ở nước ngoài, chị Minh Châu (sống tại Pháp) cho biết, khó kiếm nhất vẫn là lá dong. Lá dong phải mua ở siêu thị châu Á mới có. Ở Montpellier, nơi chị Châu sinh sống, chỉ có 2 siêu thị bán. Cả 2 siêu thị này đều cách nơi chị ở khoảng 45 - 60 phút đi tàu điện. Giá lá dong tươi tại Pháp không hề rẻ: 14,7 Euro (gần 400.000 đồng)/1kg, được khoảng 40 lá. Chị Châu cũng cho biết thêm, lá dong tại Montpellier được nhập khẩu từ Lào, lá nhỏ chỉ bằng 2/3 lá dong ở Việt Nam.
Trong khi đó, chị Vũ Bích Ngọc (sống tại Đức) cho biết, ở Đức, những cửa hàng đồ Á cũng bán rất đầy đủ từ lá chuối, gà trống hoa, hành kiệu muối... đều tìm mua được hết. Có những cửa hàng còn giao đồ tận nhà nên muốn ăn món Việt cũng rất tiện. Tuy nhiên, giá thường là khá đắt. Lá chuối, hành kiệu từ 10 - 20 Euro/kg (khoảng 300.000 - 600.000 đồng/kg).
 Nồi bánh chưng giữa trời tuyết trắng của chị Hương Dương Nguyễn tại CH Czech. Ảnh: NVCC.
Đầy đủ nhất phải kể đến cộng đồng người Việt tại CH Czech. Chị Hương Dương Nguyễn cho biết, từ năm thứ 2 trở đi Tết nào chị cũng gói bánh chưng, năm ít thì 20 cái, có năm hơn 40 cái. Ngày gói bánh cũng là ngày vui của gia đình chị: cả nhà tụ tập rửa lá, gói xong luộc, cả cộng đồng tại thành phố đều cùng tham gia rất vui.
4 năm gần đây, vì nhà có vườn, chị đã thỏa ước mơ luộc một nồi bánh chưng bằng củi giữa trời tuyết trắng. Ngoài bánh chưng, những món truyền thống của Việt Nam như gà luộc, xôi gấc, nem rán, bóng xào, canh măng, thịt đông và giò chả chị đều có đủ. Ngay cả mâm ngũ quả, cành đào, hoa lay ơn cũng không thiếu thứ gì.
Dùng ruy-băng thay lạt, bìa các-tông thay khuôn
Trong trường hợp không thể kiếm được lá dong, người Việt ở nước ngoài sẽ kiếm lá chuối để thay thế. Chị Châu cho biết, những năm không có lá dong, chị và bạn bè tại Pháp đành gói bằng lá chuối đông lạnh hoặc là lá giang khô (giống lá tre phơi khô). Gói bằng lá chuối khó hơn, hương vị cũng không thể bằng nhưng có thể dùng thay thế được, chị Châu nói.
Trong khi đó, chị chị Trần Hải Yến, đang sống tại Australia phải dùng lá tre đông lạnh thay thế lá dong để gói bánh chưng. Lá tre nhỏ, nên muốn gói bánh phải ghép nhiều lá và dùng khuôn. Nhưng vì cũng không có khuôn nên chị Yến đã nghĩ ra cách dùng đồ chơi xếp hình của con xếp thành hình vuông và sử dụng như một chiếc khuôn gói bánh. 

 Bánh chưng gói bằng khuôn đặc biệt của chị Yến.
Còn lạt thì được chị Yến thay thế bằng dây nilon. Những chiếc bánh chưng của chị gói mặc dù được thực hiện một cách rất đặc biệt nhưng cũng không hề thua kém bánh chưng ở nhà.

Tuy nhiên, vẫn có một món khiến chị phải "bó tay". Đó là món nem. Vì cả Australia và nơi chị từng sống trước đó là Pháp đều không có bánh đa nem giống Việt Nam mà chỉ có loại vỏ dày, rán lên không thể nào ròn, ngon như ở nhà được.
 Món nem của chị Yến ở Australia được thay thế bằng loại vỏ cuốn dày hơn.
Cùng chung cảnh không có lạt và khuôn chị Châu lại phải viện đến bìa các-tông để làm khuôn gói bánh. Còn thay cho lạt, chị Châu sử dụng dây ruy-băng để gói bánh chưng.
 Nếu nhìn kỹ sẽ phát hiện ra những chiếc bánh chưng này dùng ruy-băng để buộc thay cho lạt. Ảnh: NVCC.
 Khuôn bánh làm bằng bìa các-tông của người Việt tại Montpellier.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần