70 năm giải phóng Thủ đô

Những chính sách mới có hiệu lực từ 12/2015

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ tháng 12/2015, nhiều quy định mới của Chính phủ liên quan đến giáo dục, tài chính, bất động sản... bắt đầu có hiệu lực.

Quy định mới về cơ chế thu học phí

Theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 – 2021 có hiệu lực từ 1/12/2015, học phí đối với các chương trình giáo dục đại trà cấp học mầm non và giáo dục phổ thông công lập năm học 2015 - 2016 từ 60.000 - 300.000 đồng/tháng/học sinh đối với khu vực thành thị; từ 30.000 - 120.000 đồng/tháng/học sinh đối với khu vực nông thôn và từ 8.000 - 60.000 đồng/tháng/học sinh đối với miền núi.

Từ năm học 2016 - 2017 trở đi, học phí đối với các chương trình giáo dục đại trà cấp học mầm non và giáo dục phổ thông công lập được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng tăng bình quân hàng năm do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo.

 Giám sát tài chính đặc biệt khi DNNN có dấu hiệu mất an toàn tài chính

Có hiệu lực từ 1/12/2015, Nghị định số 87/2015/NĐ-CP ngày 6/10/2015 về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước quy định doanh nghiệp Nhà nước có thể sẽ bị giám sát tài chính đặc biệt khi có dấu hiệu mất an toàn tài chính: 1- Đối với doanh nghiệp đang trong giai đoạn lỗ kế hoạch, có số lỗ phát sinh năm báo cáo lớn hơn 30% so với mức lỗ kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt 2- Đối với doanh nghiệp sau giai đoạn lỗ kế hoạch, có số lỗ phát sinh trong năm báo cáo từ 30% vốn đầu tư của chủ sở hữu trở lên hoặc số lỗ lũy kế lớn hơn 50% vốn đầu tư của chủ sở hữu; có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu vượt quá mức an toàn theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp và quy định của cơ quan đại diện chủ sở hữu (nếu có); có hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn nhỏ hơn 0,5.

DNNN không được góp vốn vào bất động sản, ngân hàng

Theo Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp có hiệu lực từ 1/12/2015, doanh nghiệp nhà nước không được góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản (trừ doanh nghiệp nhà nước có ngành nghề kinh doanh chính là các loại bất động sản theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản), không được góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty đầu tư chứng khoán, trừ những trường hợp đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Điều kiện xác định doanh nghiệp quốc phòng, an ninh

Nghị định 86/2015/NĐ-CP ngày 15/10/2015 về tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp quốc phòng, an ninh có hiệu lực từ 1/12/2015 quy định doanh nghiệp được xác định là doanh nghiệp quốc phòng, an ninh phải bảo đảm 3 điều kiện: 1- Là doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; 2- Có ngành, lĩnh vực hoạt động hoặc địa bàn trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh; 3- Được cơ quan có thẩm quyền giao nhiệm vụ sản xuất, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ quốc phòng, an ninh hoặc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh ổn định, thường xuyên bằng nguồn lực của Nhà nước hoặc nguồn lực của doanh nghiệp phù hợp với mục tiêu đầu tư, thành lập doanh nghiệp.

Quy định mới về gia hạn hộ chiếu

Theo Nghị định 94/2015/NĐ-CP ngày 16/10/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 136/2007/NĐ-CP  ngày 17/8/2007 về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam có hiệu lực từ 1/12/2015, hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ có giá trị không quá 5 năm tính từ ngày cấp. Hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ còn giá trị dưới 1 năm (tại Nghị định 65/2012/NĐ-CP là 6 tháng) thì được gia hạn một lần, tối đa không quá 3 năm; khi hết hạn thì làm thủ tục cấp mới.

Hộ chiếu phổ thông có giá trị không quá 10 năm tính từ ngày cấp và không được gia hạn. Hộ chiếu phổ thông còn hạn thì được cấp lại, khi hết hạn thì làm thủ tục cấp mới.

Quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí

Có hiệu lực từ ngày 1/12/2015, Nghị định số 95/2015/NĐ-CP ngày 16/10/2015  quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí ngày 6/7/1993; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dầu khí ngày 9/6/2000 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dầu khí ngày 3/6/2008 về việc thực hiện hoạt động liên quan đến điều tra cơ bản; đấu thầu dự án tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí; tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ, khai thác dầu khí (kể cả xử lý, thu gom, tàng trữ, vận chuyển dầu khí trong khu vực khai thác cho tới điểm giao nhận và các hoạt động dịch vụ dầu khí);...

Khuyến khích thành lập doanh nghiệp xã hội

Theo Nghị định 96/2015/NĐ-CP ngày 19/10/2015 quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp có hiệu lực từ ngày 8/12/2015, Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thành lập doanh nghiệp xã hội có mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng.

Quản lý lãnh đạo tại doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ

 Nghị định số 97/2015/NĐ-CP ngày 19/10/2015 về quản lý người giữ chức danh, chức vụ tại doanh nghiệp là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có hiệu lực từ 5/12/2015.

Nghị định này quy định về thẩm quyền quyết định, thẩm định; kiêm nhiệm; đánh giá, bồi dưỡng kiến thức; quy hoạch; bổ nhiệm, bổ nhiệm lại; từ chức, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển; khen thưởng, kỷ luật; thôi việc, nghỉ hưu và quản lý hồ sơ đối với người giữ chức danh, chức vụ tại doanh nghiệp là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Cưỡng chế chủ đầu tư không bàn giao phí bảo trì nhà chung cư 

Nghị định 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở có hiệu lực từ ngày 10/12/2015, trong đó quy định trường hợp quá thời hạn quy định mà chủ đầu tư vẫn không thực hiện bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư thì UBND cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi kinh phí bảo trì để bàn giao cho Ban quản trị và gửi quyết định này cho chủ đầu tư, Ban quản trị và tổ chức tín dụng nơi chủ đầu tư mở tài khoản.

Mua nhà ở xã hội được vay 80% giá trị hợp đồng

Theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội có hiệu lực từ ngày 10/12/2015, trường hợp mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội thì mức vốn cho vay tối đa bằng 80% giá trị hợp đồng mua, thuê, thuê mua nhà; trường hợp xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở thì mức vốn cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán hoặc phương án vay và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay. 

2 trường hợp Nhà nước đầu tư cải tạo, xây dựng lại chung cư

Theo Nghị định 101/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư có hiệu lực từ ngày 10/12/2015, Nhà nước thực hiện đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư đối với 2 trường hợp:

1- Nhà chung cư thuộc diện phải phá dỡ để cải tạo, xây dựng lại mà hết thời hạn quy định, nhưng các chủ sở hữu không lựa chọn được doanh nghiệp kinh doanh bất động sản để thực hiện phá dỡ, xây dựng lại thì Nhà nước thực hiện việc cưỡng chế phá dỡ để trực tiếp đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư đó bằng nguồn vốn quy định tại Khoản 3 Điều 36 của Luật Nhà ở.

2- Nhà nước thực hiện hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) với nhà đầu tư đảm nhận việc xây dựng lại nhà chung cư cũ trên diện tích đất cũ hoặc tại vị trí khác để phục vụ nhu cầu tái định cư cho các chủ sở hữu nhà chung cư thuộc diện phải phá dỡ để cải tạo, xây dựng lại.  

Quản lý chặt giá dịch vụ phi hàng không

Có hiệu lực từ ngày 12/12/2015, Nghị định số 102/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay quy định việc cung cấp dịch vụ phi hàng không tại cảng hàng không phải đảm bảo giá hợp lý, đáp ứng nhu cầu dịch vụ. Cục Hàng không Việt Nam sẽ giám sát việc tổ chức cung cấp dịch vụ phi hàng không; kiểm tra yếu tố hình thành giá, trường hợp cần thiết quy định giá hoặc khung giá...

Điều kiện nâng lương sĩ quan CAND trước khi nghỉ hưu 

Theo Nghị định 103/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Công an nhân dân có hiệu lực từ ngày 6/12/2015, sĩ quan Công an nhân dân khi nghỉ công tác hưởng chế độ hưu trí, nếu đã được thăng cấp bậc hàm, nâng bậc lương được 2/3 thời hạn trở lên, trong thời gian hưởng lương cấp bậc hàm, bậc lương không vi phạm kỷ luật, được đánh giá từ mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên thì được nâng 1 bậc lương.

Quy định rõ thẩm quyền Cảnh sát môi trường

Theo Nghị định 105/2015/NĐ-CP ngày  20/10/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Cảnh sát môi trường có hiệu lực từ ngày 5/12/2015, cảnh sát môi trường có nhiệm vụ tham mưu, chỉ đạo công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, vi phạm hành chính về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm; được áp dụng các biện pháp công tác và các biện pháp nghiệp vụ để tổ chức phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, vi phạm hành chính về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm...

Quản lý người đại diện tại DN Nhà nước giữ trên 50% vốn điều lệ

Có hiệu lực từ 10/12/2015, Nghị định 106/2015/NĐ-CP ngày 23/10/2015 về quản lý người đại diện phần vốn nhà nước giữ các chức danh quản lý tại doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ quy định về phân cấp thẩm quyền quyết định; kiêm nhiệm, số lượng; đánh giá; cử, cử lại, miễn nhiệm; khen thưởng, kỷ luật; đề cử để bầu, miễn nhiệm, bổ nhiệm; thôi việc, nghỉ hưu và quản lý hồ sơ đối với người đại diện phần vốn nhà nước giữ các chức danh quản lý tại doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

Sửa đổi quy định về quản lý biên chế công chức 

Có hiệu lực từ ngày 15/12/2015, Nghị định số 110/2015/NĐ-CP ngày 29/10/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 21/2010/NĐ-CP ngày 8/3/2010 của Chính phủ về quản lý biên chế công chức. Trong đó, Nghị định 110/2015/NĐ-CP điều chỉnh một số quy định về trách nhiệm quản lý biên chế công chức.

Mức dư nợ vốn huy động cho đầu tư TP Hà Nội không vượt quá 150%

Nghị định 112/2015/NĐ-CP ngày 3/11/2015 sửa đổi, bổ sung Điều 5 Nghị định số 123/2004/NĐ-CP ngày 18/5/2004 của Chính phủ quy định về một số cơ chế tài chính ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội có hiệu lực từ ngày 20/12/2015.

Theo đó, tổng dư nợ các nguồn vốn huy động cho đầu tư các dự án, công trình thuộc nhiệm vụ đầu tư từ ngân sách thành phố không vượt quá 150% tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản của ngân sách thành phố theo dự toán Hội đồng nhân dân thành phố quyết định hàng năm. Cơ chế ngân sách đặc thù quy định trên được thực hiện trong các năm ngân sách 2015 và 2016. Từ ngày 1/1/2017, thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước 2015.

Quy định riêng áp dụng đối với khu chế xuất, DN chế xuất 

Có hiệu lực từ ngày 25/12/2015, Nghị định số 114/2015/NĐ-CP ngày 9/11/2015 sửa đổi, bổ sung Điều 21 Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 164/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013. Cụ thể, Nghị định 114/2015/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung về quy định riêng áp dụng đối với khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất.

Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư

Nghị định 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư có hiệu lực từ ngày 27/12/2015, Nghị định này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đầu tư về việc áp dụng, kiểm soát, công bố điều kiện đầu tư kinh doanh; các biện pháp đảm bảo đầu tư; ưu đãi đầu tư; triển khai hoạt động của dự án đầu tư; thủ tục đầu tư; triển khai hoạt động của dự án đầu tư và quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư.