Từ ngày 1/7/2023, giảm 50% phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. |
Thí điểm đấu giá biển số đẹp
Từ 1/7, Nghị định 39/2023/NĐ-CP (Nghị định 39) của Chính phủ quy định chi tiết một số điều về thí điểm đấu giá biển số ô tô có hiệu lực. Dự kiến vào giữa tháng 8/2023 sẽ tổ chức phiên đấu giá biển số ô tô đầu tiên.
Theo Nghị định 39, biển số đưa ra đấu giá có ký hiệu sê-ri từ A - Z, nền màu trắng, chữ, số màu đen chưa được đăng ký, dự kiến cấp mới, đang trong hệ thống đăng ký, quản lý xe của Bộ Công an và bổ sung số lượng biển số cho Công an các tỉnh, thành phố trong trường hợp hết biển số xe để đăng ký khi chưa đến phiên đấu giá tiếp theo.
Bộ trưởng Bộ Công an quyết định số lượng biển số ô tô đưa ra đấu giá tại mỗi phiên, bao gồm biển số ô tô của 63 tỉnh, thành phố. Việc đăng ký tham gia đấu giá được thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng tại trang thông tin đấu giá trực tuyến của tổ chức đấu giá tài sản.
Người tham gia đấu giá được cấp một tài khoản truy cập, được hướng dẫn về cách sử dụng tài khoản, cách trả giá và các nội dung khác trên trang thông tin đấu giá trực tuyến để thực hiện việc đấu giá.
Người tham gia đấu giá được lựa chọn biển số ô tô theo nhu cầu trong danh sách biển số đưa ra đấu giá của 63 tỉnh, thành phố để tham gia đấu giá; đồng thời nộp tiền hồ sơ, tiền đặt trước của biển số ô tô đã lựa chọn tham gia đấu giá vào tài khoản của tổ chức đấu giá tài sản và được cấp mã số tham gia đấu giá của cuộc đấu giá biển số xe ô tô đó.
Về quyền lợi của người trúng đấu giá biển số ô tô, ngoài việc sử dụng, gắn với phương tiện, người trúng đấu giá sẽ được giữ lại biển số xe để gắn cho xe khác trong trường hợp không sử dụng xe đó nữa (có thể là chuyển nhượng hoặc ô tô đó bị hư hỏng không thể sử dụng được).
Việc mua bán, trao đổi, cho tặng biển số ô tô trúng đấu giá là hành vi bị cấm. Tuy nhiên, có thể chuyển nhượng ô tô gắn kèm theo biển số trúng đấu giá. Theo quy định, cơ quan chức năng sẽ không giới hạn số biển người dân được đấu giá và sở hữu.
Xe kinh doanh vận tải phải lắp camera giám sát hành trình
Theo Nghị định 47/2022/NĐ-CP (Nghị định 47) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, từ ngày 1/7/2023, xe kinh doanh vận tải phải lắp camera hành trình mới được cấp phù hiệu, biển hiệu.
Cụ thể, theo Nghị định 47, từ ngày 1/7/2023, đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng xe ô tô kinh doanh vận tải thuộc đối tượng phải lắp camera theo quy định của Nghị định này, khi tham gia kinh doanh vận tải lần đầu phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình có tích hợp camera để được cấp phù hiệu, biển hiệu.
Những xe kinh doanh vận tải buộc phải lắp camera hành trình bao gồm: Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên (theo khoản 2 Điều 13 Nghị định 10/2020/NĐ-CP); ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo (theo khoản 2 Điều 14 Nghị định 10/2020/NĐ-CP).
Phù hiệu là mẫu giấy hoặc mẫu tem được cấp cho phương tiện hoạt động vận tải, các phương tiện bắt buộc phải dán khi lưu thông trên đường. Như vậy, từ ngày 1/7/2023, các xe ô tô kinh doanh vận tải nêu trên nếu muốn được cấp phù hiệu và biển hiệu để tham gia giao thông phải lắp camera hành trình theo đúng quy định.
Giảm 50% lệ phí trước bạ cho xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 41/2023/NĐ-CP (Nghị định 41) ngày 28/6/2023 quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước.
Nghị định 41 nêu rõ, từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023, mức thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP ngày 15/01/2022 của Chính phủ quy định về lệ phí trước bạ.
Đây là đợt giảm 50% lệ phí trước bạ thứ ba cho xe sản xuất, lắp ráp trong nước. Trước đó, có 2 đợt giảm lệ phí trước bạ tương tự là từ 28/6/2020 đến hết ngày 31/12/2020 và từ 01/12/2021 đến hết ngày 31/5/2022. Việc này được kỳ vọng sẽ có tác động tích cực đối với người tiêu dùng, nhà sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước và kinh tế xã hội.
Bắt buộc dán nhãn năng lượng đối với ô tô xe máy điện, kể cả xe hybrid
Thông tư 48/2022/TT-BGTVT (Thông tư 48) hướng dẫn về dán nhãn năng lượng đối với xe ô tô con, xe mô tô, xe gắn máy sử dụng điện và hybrid điện sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/7 sắp tới.
Thông tư 48 hướng dẫn về việc dán nhãn năng lượng đối với xe ô tô con loại 9 chỗ trở xuống, kể cả người lái xe; xe mô tô, xe gắn máy sử dụng điện và hybrid điện, bao gồm: xe ô tô con hybrid điện, xe ô tô con thuần điện, xe mô tô hybrid điện, xe mô tô thuần điện và xe gắn máy thuần điện được sản xuất, lắp ráp từ linh kiện rời, hoàn toàn mới hoặc nhập khẩu chưa qua sử dụng.
Vị trí dán nhãn năng lượng: Đối với xe ô tô con thuần điện và xe ô tô con hybrid điện nạp điện ngoài, nhãn năng lượng phải được dán bên trong xe, phía người lái, ở cửa kính bên cố định phía sau hoặc kính chắn gió phía sau, tại vị trí dễ quan sát nhìn từ bên ngoài xe,...; đối với xe gắn máy thuần điện, xe mô tô thuần điện và xe mô tô hybrid điện: nhãn năng lượng phải được dán tại vị trí dễ quan sát.
Thông tư này không áp dụng đối với xe được sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu sử dụng trực tiếp vào mục đích quốc phòng, an ninh; xe tạm nhập tái xuất; xe quá cảnh, xe chuyển khẩu; xe của ngoại giao, lãnh sự; xe có kết cấu, công nghệ mà hiện tại việc thử nghiệm trong nước chưa thực hiện được; xe nhập khẩu không vì mục đích kinh doanh xe; xe nhập khẩu theo quy định riêng của Thủ tướng Chính phủ;...
Theo Thông tư 48, đối tượng áp dụng là các cơ sở sản xuất, lắp ráp; tổ chức, cá nhân nhập khẩu xe và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc dán nhãn năng lượng xe.
Các đối tượng này phải căn cứ vào báo cáo tiêu thụ năng lượng để công khai thông tin về mức tiêu thụ năng lượng. Mức tiêu thụ năng lượng công khai không được nhỏ hơn 4% so với kết quả đo trong báo cáo tiêu thụ năng lượng.