Năm 2023 ghi nhận những dấu ấn nổi bật trong lĩnh vực kiến trúc khi Ấn Độ mở cửa tòa nhà văn phòng lớn nhất thế giới Surat Diamond Bourse hay Malaysia khánh thành tòa nhà Merdeka 118 cao nhất Đông Nam Á và thứ hai thế giới. Bên cạnh đó, trường trung học phổ thông nội trú Huệ Linh, Trung Quốc ghi danh công trình kiến trúc tỉ mỉ bậc nhất, với việc giành được giải “Tòa nhà Thế giới năm 2023".
Bước vào năm 2024, thế giới sẽ tiếp tục đón chào những công trình kiến trúc ấn tượng, hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm độc đáo, thú vị, thể hiện tư duy đầy sáng tạo của người nghệ sĩ.
Dưới đây là một số công trình tiêu biểu dự kiến được hình thành trong năm nay:
Quốc hội Benin, Benin
Kiến trúc sư tài năng, chủ nhân của giải thưởng danh giá Pritzker 2022, Francis Kéré sẽ có cơ hội khẳng định phong cách thiết kế hài hòa với thiên nhiên của mình thông qua Tòa nhà Quốc hội Benin ở Tây Phi. Dự kiến được hoàn thành vào năm 2024, tòa nhà này có tổng diện tích lên đến 35.000 mét vuông được thiết kế dựa trên hình mẫu của cây palaver, nơi người dân Tây Phi thường tụ họp để tổ chức các cuộc họp cộng đồng.
Khu rừng “thẳng đứng” Nam Kinh, Trung Quốc
Công trình độc đáo này sẽ là dự án tiếp theo trong chiến dịch phủ xanh đô thị của kiến trúc sư Stefano Boeri, bên cạnh các thiết kế tại Milan (Ý), nhiều quốc gia tại châu Âu hay các khu vực khác.
Theo đó, hai tòa tháp chọc trời tại Nam Kinh, từng là thủ phủ của Trung Quốc, sẽ được lắp đặt khoảng 800 cây, hơn 2.500 cây bụi và cây leo. Bên cạnh đó, nhằm phục vụ du khách đến tham quan và các hoạt động khác, “khu rừng thẳng đứng” này sẽ bổ sung thêm văn phòng, bảo tàng, khách sạn và hồ bơi.
Kunstsilo, TP Kristiansand, Na Uy
Bảo tàng nghệ thuật và văn hóa Kunstsilo sẽ được mở cửa trong một hầm chứa ngũ cốc ở TP Kristiansand đã ngừng hoạt động vào năm 2008, sau 370 năm tồn tại.
Đã từng chứa đến 15.000 tấn lúa mì, Kunstsilo giờ đây sẽ là nơi trưng bày nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao, trong đó nổi bật là bộ sưu tập nghệ thuật lớn nhất Bắc Âu của Nicolai Tangen, với 5.500 tác phẩm.
Keppel South Central, Singapore
Trong bối cảnh luật quy hoạch Singapore yêu cầu các nhà phát triển bất động sản phải dành không gian cho cảnh quan khi xây dựng các tòa nhà cao tầng mới, tòa tháp văn phòng 33 tầng tại Keppel South Central hứa hẹn sẽ gây ấn tượng với du khách và nhân viên văn phòng bởi những không gian rợp bóng cây xanh và hồ bơi ngoài trời thoáng mát.
Bên cạnh đó, với việc lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời trên mái nhà và hệ thống thu gom nước mưa, công trình này đang đóng góp quan trọng vào xu hướng phát triển bền vững của các tòa nhà văn phòng tại Singapore.
Dự án khu dân cư EVE tại London, bang Ontario, Canada
Sử dụng chủ yếu nguồn cung năng lượng từ mặt trời, dự án này hướng đến phục vụ nhu cầu của những tín đồ đam mê xe điện EV.
Người dân tại khu phức hợp này sẽ được cung cấp trạm sạc và các chương trình chia sẻ xe điện. Bên cạnh đó, thay vì các đường lái xe hoặc bãi đậu xe ở tầng hầm, mỗi tòa chung cư sẽ có một tháp đậu xe thông minh tự động lưu trữ xe theo hàng dọc, góp phần giải phóng không gian cho vườn và cảnh quan.
Khu phức hợp EPIQ, Quito, Ecuador
Nằm ở mũi phía nam của trung tâm thành phố Parque La Carolina, Ecuador, khu phức hợp EPIQ cao 24 tầng, chia thành tám khối riêng biệt và được kết nối bằng các sân thượng thoáng mát trên cao.
Nhà thiết kế chính của dự án, công ty có trụ sở tại Đan Mạch BIG cho biết màu đỏ và hồng chủ đạo của tòa nhà lấy cảm hứng từ tông màu đất và họa tiết xương cá ở trung tâm lịch sử của thành phố, là Di sản Thế giới được UNESCO công nhận.
Trung tâm biểu diễn nghệ thuật Queensland, Brisbane, Úc
Lấy cảm hứng từ những gợn sóng của sông Brisbane, trung tâm biểu diễn nghệ thuật Queensland tại Brisbane, Úc ngay lập tức gây ấn tượng cho du khách, cư dân thành phố bằng mặt tiền bằng kính gợn sóng khổng lồ và không gian tiền sảnh rộng đến choáng ngợp. Bên trong là một khán phòng ốp gỗ có 1.500 chỗ ngồi và sân khâu biểu diễn ba lê, opera, nhạc kịch.