Họ ý thức được tình thế bị tư bản ngoại quốc và chính quyền thuộc địa chèn ép và bắt đầu đấu tranh cho quyền lợi của giai cấp.
“Tẩy chay Khách trú” và “Chấn hưng nội hóa, bài trừ ngoại hóa”
Trước khi bị người Pháp đô hộ, người Hoa cư trú Việt Nam đã khá lâu và khá đông, nhất là ở Nam Kỳ. Trước chiến tranh thế giới lần thứ nhất, có 189.000 Hoa kiều sinh sống ở Việt Nam, sau chiến tranh, năm 1926, riêng Nam Kỳ đã có 237.000 người, trong đó có 2/3 sống ở Sài Gòn - Chợ Lớn. Họ làm nhiều nghề nhưng chủ yếu buôn bán. Đã từ lâu, thương nhân Hoa kiều đã khuynh loát thương mại Việt Nam, đặc biệt là ngoại thương.
Giai cấp tư sản Việt Nam, ngay từ đầu, đã vấp phải sự cạnh tranh, chèn ép gay gắt của không chỉ tư bản người Pháp mà còn của Khách trú - thương nhân người Hoa, đặc biệt là lĩnh vực mua bán, xay xát lúa gạo ở Nam Kỳ. Mâu thuẫn giữa tư sản Việt Nam và Khách trú ngày càng căng thẳng và sâu sắc.
Tháng 8/1919, nhân sự việc một số cửa hàng cà phê của Hoa kiều ở Sài Gòn tự ý tăng giá và có thái độ miệt thị đối với khách hàng người Việt, phong trào “Tẩy chay Khách trú” đã nổ ra.
Đầu tiên, giới thương nhân người Việt phản ứng bằng cách tự mở quán cà phê và hô hào người Việt không vào quán người Hoa. Sau đó, họ hô hào người Việt Nam dùng hàng nội hóa, không mua hàng của thương nhân Hoa kiều; kêu gọi đẩy mạnh các hoạt động kinh tế của chính người Việt Nam.
Phong trào trở nên dữ dội hơn sau khi tờ báo La Tribune Indigène (Diễn đàn bản xứ) đăng bức thư của Lý Thiên - một thương nhân Hoa kiều, để sỉ nhục người Việt và thách đố phong trào tẩy chay.
Bức thư đã gây nên sự phẫn nộ không chỉ của giới tư sản mà cả cộng đồng người Việt trong hầu khắp cả nước. Biểu tình, rải truyền đơn cổ động diễn ra khắp nơi. Đông đảo nhất là học sinh, sinh viên, con cháu các gia đình tư sản lớn nhỏ, viên chức. Họ đưa ra các khẩu hiệu chống lại “Khách trú” như: Người Nam không chịu gánh vàng đi đổ sông Ngô nữa”, “Hãy lập cửa hàng, cửa hiệu của người Nam”.
Một số nơi xảy ra xung đột giữa người Việt với Hoa kiều. Nguyễn Chánh Sắt, chủ bút Nông cổ mín đàm, hô hào người Việt hùn vốn để thành lập tổ chức kinh doanh của người Việt gọi là An Nam thương cuộc với số vốn ban đầu khoảng 100.000 đồng Đông Dương để cạnh tranh mua bán và xuất khẩu lúa gạo với tư bản Hoa kiều. Phong trào “Tẩy chay Khách trú” (hay là Chấn hưng nội hóa, bài trừ ngoại hóa) mặc dù có phần cực đoan nhưng đã góp phần cổ vũ mở mang các hoạt động kinh tế, kích thích tinh thần dân tộc.
Lúc đầu chính quyền thực dân có vẻ làm ngơ để được tiếng dân chủ và kiềm chế tư bản Hoa kiều. Nhưng khi phong trào phát triển thì họ đã lo sợ sẽ ảnh hưởng đến nền thống trị thực dân và quyền lợi của tư bản Pháp. Đến cuối năm 1919, họ đã nhận định: “Cuộc tranh thương với người Hoa thật ra là một cuộc bạo động khinh suất”. Từ đó, chính quyền thực dân đã thực hiện nhiều biện pháp để chấm dứt phong trào như cấm tụ tập, gây mất trật tự trên đường phố”.
Phong trào này bị dập tắt nhưng ít nhất như Báo cáo chính trị của phủ toàn quyền Đông Dương năm 1919 đã nhận định: “… có ý nghĩa rằng tư tưởng đã đổi mới, mới cách đây ít năm thì người Nam Kỳ chẳng những không thích mà còn sợ cái việc buôn bán, bây giờ thì họ thấy thương mại là quan trọng cho họ và họ cần phải cố gắng trên cái hướng này...”.
Chống độc quyền xuất khẩu lúa gạo ở cảng Sài Gòn
Trước đây, việc xuất khẩu lúa gạo qua cảng Sài Gòn chủ yếu do tư sản Hoa kiều nắm giữ. Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, tư bản Pháp ở Việt Nam phát triển thế lực và họ có nhu cầu giành giật lại mối lợi này. Do vậy, các công ty tư bản Pháp đã vận động chính quyền thực dân để được độc quyền xuất khẩu tại cảng này trong thời hạn 20 năm. Đề nghị này được đem ra biểu quyết tại Hội đồng thuộc địa và được thông qua.
Tuy nhiên, biểu quyết này đã bị những đại biểu của tập đoàn địa chủ tư sản có chân trong Đảng Lập hiến (do Bùi Quang Chiêu làm thủ lĩnh) và một số người Pháp trong phe đối lập phản đối. Cuộc đấu tranh lan ra cả ngoài nghị trường. Phe phản đối đã sử dụng báo chí để chống lại chủ trương này. Họ tổ chức các cuộc mít tinh, lôi kéo được đông đảo địa chủ, tư sản và một số tiểu tư sản trí thức thành thị tham gia đấu tranh.
Họ cho rằng, mặc dù cảng Sài Gòn thực tế vẫn đang do tư sản Hoa kiều nắm giữ nhưng khi đã vào tay tư sản Pháp độc quyền thì không thể còn cơ hội nào cho người Việt có thể buôn bán qua cảng này. Sự phản kháng mạnh mẽ của người Việt đã buộc chính quyền thực dân phải tạm gác lại nghị quyết trên.
Thực chất cuộc đấu tranh này là cuộc xung đột lợi ích giữa tập đoàn đại địa chủ Nam Kỳ liên kết với tư sản Hoa kiều với tư sản Pháp dựa vào chính quyền thực dân. Nhưng dẫu sao, nó cũng đã chống lại được âm mưu độc quyền cảng Sài Gòn, đem lại những quyền lợi chính đáng cho tư sản người Việt và dù ít hay nhiều đã thể hiện và cổ vũ tinh thần đấu tranh của người Việt.
Đấu tranh bằng báo chí
Nhằm chống lại sự chèn ép của tư bản ngoại quốc cũng như các chính sách của chính quyền thực dân, tư sản Việt Nam đã sử dụng báo chí như một phương tiện đấu tranh.
Khởi đầu và đáng nói nhất là ở Nam Kỳ vì báo chí ở đây đã phát triển hơn, nhiều người viết và đọc hơn, nhất là báo chí tiếng Pháp. Tại đây, tư sản và đại địa chủ phát triển mạnh hơn và có nhiều đụng độ, cạnh tranh với tư bản Hoa kiều và tư bản Pháp. Họ đã sử dụng báo chí, những người viết báo, người Việt và người Pháp cho cuộc cạnh tranh, đấu tranh của mình.
Trước hết là các tờ báo tiếng Pháp, như La Tribune Indigène (Diễn đàn bản xứ) của Nguyễn Phú Khai, Bùi Quang Chiêu đã đả kích các quan chức thực dân đương thời như Cognacp - Thống đốc Nam kỳ, Outrey - Nghị sỹ Nghị viện Pháp, đại biểu cho người Pháp ở Nam Kỳ…; đồng thời bênh vực cho giới tư sản, địa chủ Nam Kỳ. Tờ L'Indochine (Đông Dương) của luật sư Monin, tờ La voix libre (Tiếng nói tự do) của giáo sư Ganovsky đều lên tiếng tố cáo các hành vi độc ác và tham lam của nhà cầm quyền Pháp.
Đảng Lập hiến mặc dù “chỉ là một tổ chức tập hợp nhau về tinh thần” theo chủ nghĩa quốc gia cải lương, chủ trương “Pháp - Việt đề huề” nhưng hai tờ báo của họ là La Tribune Indochinoise (Đông Dương diễn đàn) và Echo Annamite (Tiếng vang An Nam) cũng có các bài kêu gọi cải cách tự do, dân chủ.
Tiến bộ và mạnh mẽ hơn cả là tờ La Clore Félée (Chuông rè) do nhà cách mạng Nguyễn An Ninh, sau đó là luật sư Phan Văn Trường làm chủ bút, xuất bản từ 10/12/1923 đến 3/5/1926, và tục bản của nó là tờ L'Annam (An Nam) đã trở thành diễn đàn lên án chế độ thực dân Pháp, truyền bá các tư tưởng dân chủ cấp tiến và thấm nhuần tinh thần yêu nước, chống áp bức, đả kích chủ nghĩa cải lương của Đảng Lập hiến và góp phần truyền bá tư tưởng cộng sản.
Ngoài các báo tiếng Pháp ở Nam Kỳ, còn có một số tờ báo tiếng Việt do các nhà tư sản chủ trương như tờ Thực nghiệp dân báo (ra số đầu ngày 12/7/1920); tờ Lục tỉnh tân văn phát hành từ năm 1920; tờ Khai hóa nhật báo do Bạch Thái Bưởi xuất bản từ năm 1921… đã phản ánh ý thức, ý chí và nguyện vọng của giai cấp tư sản Việt Nam, khơi dậy tinh thần tự cường dân tộc để phát triển một nền kinh tế tư bản dân tộc. Đặc biệt có tờ Pháp - Việt nhất gia đã lên án chế độ thuộc địa, chống Ngân hàng Đông Dương, đã đảo chủ nghĩa cải lương “Pháp - Việt đề huề”, đòi tự do ngôn luận.
Mặc dù chưa thực sự mạnh mẽ vì vẫn phải đứng trên lập trường giai cấp của mình, ít nhiều có mối liên hệ với nhà cầm quyền, nhưng tư sản Việt Nam, từ sớm đã có nhiều cuộc đấu tranh để bảo vệ lợi ích của mình và góp phần đấu tranh vì lợi ích của cộng đồng, cổ vũ tinh thần yêu nước của đông đảo các giai tầng xã hội.