Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những điểm mới tại Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII

Thuỷ Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2022- 2027) được tổ chức từ ngày 9 đến ngày 11/3 năm 2022 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội với sự tham dự của 1.200 đại biểu.

Sáng nay, 1/3, Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam họp báo thông tin về Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2022- 2027).

Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương chủ trì buổi họp báo. 
Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương chủ trì buổi họp báo. 

Đại diện Ban tổ chức thông tin, đây là nhiệm kỳ đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 với chủ đề: “Phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, hội nhập; xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, vì hạnh phúc của phụ nữ, vì sự phồn vinh của đất nước”. Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII sẽ đánh giá phong trào phụ nữ và hoạt động Hội năm năm qua và đề ra phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ 2022-2027.

Tham dự Đại hội có 1.000 đại biểu chính thức là những phụ nữ tiêu biểu, đại diện cho các tầng lớp phụ nữ, các dân tộc, tôn giáo, các độ tuổi, ngành nghề, các lĩnh vực công tác và các vùng miền khác nhau trong cả nước; và khoảng 200 đại biểu khách mời.

Tại Đại hội sẽ có 62 tham luận dạng bài viết và video clip được tập hợp thành kỷ yếu để các cấp Hội tiếp tục nghiên cứu, áp dụng trong quá trình triển khai Nghị quyết Đại hội. Trong đó, Đại hội sẽ tổ chức 5 Trung tâm thảo luận với các chủ đề về: Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới; Phụ nữ trong nền kinh tế số; Vun đắp giá trị gia đình Việt Nam; Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả; Xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới.

Đại diện Ban tổ chức cho biết, việc chuẩn bị dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII được tiến hành công phu, chu đáo, bài bản, qua nhiều lần, nhiều vòng, từng bước hoàn thiện, có nhiều đổi mới quan trọng về nội dung và phương pháp. Báo cáo chính trị Đại hội đã quán triệt sâu sắc nguyên tắc kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, giữa kế thừa và phát triển, trên cơ sở phát huy dân chủ rộng rãi, kết tinh được trí tuệ, phản ánh nguyện vọng, nhu cầu thiết thân, khát vọng phát triển của các tầng lớp phụ nữ và tổ chức Hội.

Theo chương trình, phiên khai mạc Đại hội dự kiến tổ chức vào sáng 10/3, với nội dung chính gồm: Diễn văn khai mạc, Báo cáo chính trị và báo cáo kiểm điểm của Ban chấp hành khoá XII, phóng sự ngắn, một số tham luận và phát biểu chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Ngoài các phiên chính thức, phiên bế mạc, Đại hội còn có các hoạt động bên lề nổi bật như: Chương trình Đối thoại 2030 - Thúc đẩy Bình đẳng giới và nâng cao quyền năng của phụ nữ có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ. Khai mạc triển lãm “Phụ nữ Việt Nam viết tiếp những ước mơ” và phát động nhắn tin ủng hộ chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” chung tay xây dựng ít nhất 130 mô hình sinh kế, tổng giá trị 13 tỷ đồng cho phụ nữ vùng biên giới.

Tiếp đó là sự kiện phát động các cấp Hội thực hiện đợt thi đua đặc biệt “130 công trình, phần việc vượt khó, sáng tạo, hiệu quả chào mừng Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ 13”; phát động “Tuần lễ Áo dài” trên toàn quốc; phát động cán bộ, hội viên, phụ nữ cả nước hưởng ứng trồng cây xanh.

Những điểm mới tại Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII - Ảnh 1Quang cảnh buổi họp báo. 

Về các nhiệm vụ và giải pháp của nhiệm kỳ, theo đại diện Ban tổ chức, dự kiến cuối nhiệm kỳ cấp Trung ương đề xuất thành công ít nhất 5 chính sách, đề án và 2 chương trình có tác động rộng đến các đối tượng phụ nữ, giúp giải quyết một số vấn đề đặt ra đối với các nhóm phụ nữ đặc thù, góp phần thực hiện Chỉ thị 21-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới, đáp ứng yêu cầu đổi mới phương thức hoạt động của tổ chức Hội trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, yêu cầu của chương trình chuyển đổi số của Chính phủ.

Nhiệm kỳ tới, các cấp Hội sẽ thí điểm triển khai một số mô hình/hoạt động mới, cụ thể: Mô hình bảo vệ, hỗ trợ phụ nữ và trẻ em: Văn phòng Dịch vụ một điểm đến hỗ trợ phụ nữ di cư trở về, Trung tâm một cửa Hỗ trợ phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới, đường dây nóng.  Các hình thức thu hút, tập hợp phụ nữ trên không gian mạng Internet.

Phát hành Thẻ hội viên thông minh. Đề xuất cơ chế để các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện các dịch vụ, hoạt động có thu phù hợp với tôn chỉ, mục đích của tổ chức Hội, đáp ứng nhu cầu của hội viên, phụ nữ. 

Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá kết quả hoạt động Hội gắn với thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước và sự đồng thuận, tin tưởng của hội viên, phụ nữ. Xây dựng cơ chế đánh giá, kiểm tra, giám sát nội bộ của của cơ quan chuyên trách và cán bộ trong hệ thống Hội.

Đồng thời, Đề xuất Giải thưởng Nguyễn Thị Định là Giải thưởng dành cho cán bộ Hội xuất sắc. Xây dựng Chiến lược nghiên cứu về phụ nữ và bình đẳng giới của Hội LHPN Việt Nam.