Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những điểm nhấn của ngành giáo dục Thủ đô

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Với quyết tâm phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ năm học, tiếp tục thực hiện đổi mới, kiên trì mục tiêu chất lượng, các bậc học, cấp học của ngành Giáo dục Thủ đô đã và đang nỗ lực với những điểm nhấn nổi bật.

Hà Nội là địa phương có quy mô mạng lưới giáo dục lớn nhất cả nước với hơn 2.800 trường học
Hà Nội là địa phương có quy mô mạng lưới giáo dục lớn nhất cả nước

Quy mô giáo dục Hà Nội tiếp tục được ổn định và có bước phát triển mạnh. Hà Nội đã hoàn thành công tác rà soát toàn bộ mạng lưới trường học trên địa bàn TP đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

Hà Nội cũng là địa phương có quy mô mạng lưới giáo dục lớn nhất cả nước với hơn 2.800 trường học, 29 trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên với hơn 65.000 lớp, 2,2 triệu học sinh; gần 139.000 giáo viên. Các trường đại học, cao đẳng thuộc các Bộ, ngành trên địa bàn TP có khoảng 120 trường với gần 1.000.000 sinh viên, học viên. TP có 298 đơn vị đang có hoạt động giáo dục nghề nghiệp (61 trường cao đẳng, 58 trường trung cấp, 54 trung tâm Giáo dục nghề nghiệp/dạy nghề và 125 doanh nghiệp, loại hình khác). Số học viên hiện đang có mặt tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP là 192.590 người.

Công tác đầu tư cơ sở vật chất được quan tâm. Năm học trước, khối các trường trực thuộc Sở đã được TP quan tâm. Hà Nội xây mới, thành lập mới 6 trường học các cấp; cải tạo, sửa chữa 45 trường. Các quận, huyện, thị xã đã xây mới, thành lập mới 45 trường học các cấp học; cải tạo, sửa chữa được 560 trường học các cấp học.

Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia và trường chất lượng cao được tập trung thực hiện. Năm qua, Hà Nội đã công nhận đạt chuẩn quốc gia cho 22 trường; công nhận kiểm định chất lượng giáo dục, hoàn thành các thủ tục để trình UBND TP công nhận đạt chuẩn quốc gia cho 7 trường, công nhận lại 5 trường; đang thực hiện Đánh giá ngoài theo quy trình cho: Công nhận mới: 43 trường; công nhận lại: 109 trường.

Đến thời điểm này, toàn TP đã công nhận được 23 trường chất lượng cao, trong đó có 17 trường công lập (có 7 trường mầm non, 3 trường tiểu học, 05 trường THCS và 2 trường THPT) và 6 trường ngoài công lập. Triển khai công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng 7 trường liên cấp tiên tiến, hiện đại có diện tích 5 ha trở lên trên địa bàn TP.

Chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục được nâng lên; 100% cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học của Hà Nội đạt chuẩn và trên chuẩn đào tạo theo Luật Giáo dục 2005. 92% cán bộ quản lý, giáo viên Mầm non, 91,7% cán bộ quản lý, giáo viên Tiểu học; 94,5% cán bộ quản lý, giáo viên trung học cơ sở và 100% cán bộ quản lý, giáo viên cấp THPT đạt chuẩn và trên chuẩn đào tạo theo Luật Giáo dục 2019.

Tổ chức lớp “Bồi dưỡng, nâng cao phương pháp dạy học, công nghệ thông tin ở nước ngoài cho giáo viên đạt điểm IELTS từ cao xuống thấp” tại nước Úc cho 200 giáo viên.

Học sinh Thủ đô đã khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước trong các kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia, Quốc tế với 125 học sinh đạt giải tại các Kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia và 82 huy chương, giải thưởng quốc tế; đạt giải Nhất toàn đoàn Hội thi “Giai điệu tuổi hồng toàn quốc lần thứ XII-2022”.

Ngoài ra, giáo dục Hà Nội còn gây ấn tượng mạnh với giáo dục cả nước khi đã chủ trì tham mưu, trình UBND TP ban hành 4 Nghị quyết với 5 chính sách quan trọng trong lĩnh vực GD&ĐT; Phối hợp các Sở, ngành tham mưu UBND TP trình HĐND TP Nghị quyết số 02/NQ-HĐND ngày 08/4/2022 của HĐND TP về bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025.

Hà Nội là một trong 4 tỉnh, thành phố đầu tiên trong cả nước được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở (THCS) mức độ 3 tại thời điểm tháng 12/2021.

Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực GD&ĐT của Hà Nội có sự tiến bộ vượt bậc. Ngành GD&ĐT Thủ đô đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập phù hợp với tình hình thực tế; Tổ chức triển khai trung tâm Điều hành giáo dục thông minh (IOC) phục vụ công tác quản trị, điều hành các hoạt động giáo dục trên toàn TP....

Luôn được đánh giá là địa phương có nhiều sáng kiến đi đầu, tiên phong, tiêu biểu trong công tác GD&ĐT cả nước, ngành Giáo dục Thủ đô luôn đặt mục tiêu phát triển giáo dục toàn diện gồm cả giáo dục mũi nhọn và giáo dục đại trà; đồng thời thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao, cải thiện chất lượng giáo dục, trong đó có phong trào ”nhà trường cùng chung tay phát triển, thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm” sẽ được đẩy mạnh triển khai trong thời gian tới.