Trách nhiệm chuyển đổi số
Cách đây đúng 10 năm (2012), một công ty công nghệ có tên Rikkeisoft được thành lập bởi các cựu nhân viên của FPT Software, DN phần mềm số 1 Việt Nam tại thời điểm bấy giờ. Tới hiện tại, Rikkeisoft đang là một trong 10 DN công nghệ thông tin hàng đầu của Việt Nam về gia công xuất khẩu phần mềm và cung cấp dịch vụ, giải pháp chuyển đổi số.
Với tổng nhân sự lên đến 1.500 nhân viên cùng doanh thu dự kiến năm 2022 là khoảng 800 tỷ đồng, Rikkeisoft đang là DN công nghệ thông tin đứng thứ 3 Việt Nam về quy mô. Ở phương diện quốc tế, đây cũng là DN Việt Nam đầu tiên lọt vào Top 100 Best Venture Japan, danh sách ghi nhận 100 DN có sự tăng trưởng về doanh thu và quy mô đột phá nhất tại quốc gia này.
Bên cạnh lĩnh vực cốt lõi là gia công phần mềm, Rikkeisoft còn đang nắm trong tay nhiều lĩnh vực công nghệ cao như AI, Robotics, Blockchain, IoT… Đây là nền tảng vững chắc giúp DN này tham gia lĩnh vực chuyển đổi số. Việc cung cấp các giải pháp toàn diện về chuyển đổi số cho các đơn vị bán lẻ, tài chính, du lịch ở Việt Nam và Nhật Bản đã giúp Rikkeisoft kiếm về 1 triệu USD/năm.
Câu chuyện thành công của Rikkeisoft chính là một ví dụ điển hình về việc một DN công nghệ Việt vươn lên từ số 0 và khi có đủ “lực” đã quay trở lại để giải quyết bài toán mang tính quốc gia là hỗ trợ chuyển đổi số. Với hơn 67.000 DN, đây chính là lực lượng nòng cốt được xác định sẽ dẫn dắt quá trình chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam.
Nói về quá trình chuyển đổi số đang diễn ra tại Việt Nam, Giám đốc chuyển đổi số Rikkeisoft Ngô Minh Quân cho rằng chúng ta không hề tụt hậu so với thế giới. Tuy nhiên, điều quan trọng là Việt Nam có tự chủ được công nghệ hay chỉ là thị trường để DN ngoại đến kiếm tiền. Thay vì chọn đối tác ngoại, quá trình chuyển đổi số nên trao cho DN Việt bởi các giải pháp sẽ tiện lợi hơn do am hiểu thị trường cũng như chi phí rẻ hơn nhiều.
Thị trường chuyển đổi số ở Việt Nam đủ rộng cho tất cả, từ các DN công nghệ lớn cho đến nhỏ và cả các startup. Bởi chuyển đổi số là một bài toán lớn, từ phần mềm cho tới phần cứng, hạ tầng, bảo mật và các dịch vụ đi kèm nên rất khó để một bên nào cung cấp toàn bộ. Nếu các DN công nghệ Việt cùng hợp tác để phát huy thế mạnh riêng của mình thì việc chuyển đổi số cho các thành phần khác trong xã hội sẽ trở nên dễ dàng hơn, ông Ngô Minh Quân chia sẻ.
Có cùng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin (VINASA) Nguyễn Văn Khoa cho rằng, các DN công nghệ số Việt Nam đang gánh vác sứ mệnh tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia khi trở thành đối tác chuyển đổi số cho các cơ quan, tổ chức, các DN trong nước và quốc tế. Do đó, để đảm bảo chuyển đổi số toàn diện thì ưu tiên lớn nhất là xây dựng cộng đồng DN công nghệ thông tin mạnh, sẵn sàng cạnh tranh với các tập đoàn lớn trên thế giới.
Tuy nhiên, hiện khoảng cách giữa DN công nghệ lớn và DN mới gia nhập thị trường là khá lớn. Vì vậy DN lớn cần thể hiện trách nhiệm xã hội của mình để dẫn dắt DN nhỏ đi cùng nhằm chinh phục thị trường chuyển đổi số trong nước và có thể là cả tiến ra thị trường quốc tế, ông Nguyễn Văn Khoa nói.
Doanh nghiệp Việt giải bài toán Việt
Không phải tự nhiên mà DN số được coi là hạt nhân cũng như nòng cốt để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia. Theo nhiều chuyên gia, DN công nghệ trong nước hoàn toàn đủ khả năng để cung cấp các giải pháp chuyển đổi số tương đương với DN ngoại nhưng tính địa phương cao hơn và mức giá rẻ hơn nhiều lần.
Năng lực nói trên có thể thấy rõ qua việc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) đang là đối tác chính trong việc tư vấn, triển khai chuyển đổi số cho khoảng 80 cơ quan Đảng, Chính phủ, bộ, ngành, tổ chức, DN, cũng như các tỉnh, TP... trên toàn quốc.
Trong quá trình phối hợp chuyển đổi số cho các bộ, ngành, Viettel đã xây dựng được một nền tảng cơ sở dữ liệu tập trung theo nguyên tắc "đúng, đủ, sạch, sống". Từ đó, ứng dụng các công nghệ 4.0 hỗ trợ người sử dụng ra quyết định nhanh nhất, chính xác nhất trong công tác quản lý, điều hành và khai thác thông tin. Đây được xem là điều gần như “bất khả thi” đối với DN chuyển đổi số ngoại.
Thành công của Viettel được nhìn nhận qua việc một trong những đối tác chuyển đổi số của Tập đoàn là tỉnh Thừa Thiên Huế hiện đang xếp thứ 2 toàn quốc về chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh năm 2021. Trong đó, ứng dụng đô thị thông minh Hue S với 800.000 lượt tải và thời gian sử dụng trung bình 35 phút/người/ngày đang đóng vai trò hạt nhân trong chuyển đổi số của tỉnh này.
Bên cạnh đó cũng phải kể đến hàng loạt các tên tuổi lớn khác đang có vai trò dẫn đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số trong nước như VNPT, FPT, CMC… Thông qua Chương trình Thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia, những DN này đã cung cấp 182 nền tảng số, trong đó có 35 nền tảng số quốc gia.
Được biết, những nền tảng số nói trên đã giúp tăng tốc đáng kể quá trình chuyển đổi số không chỉ ở cấp chính quyền mà còn cho cả cộng đồng DN và người dân. Tính đến tháng 6/2022, đã có tới hơn 47.000 DN nhỏ và vừa được chuyển đổi số qua các nền tảng số thuần Việt này.
Các DN công nghệ thông tin đã khẳng định được thương hiệu cần đảm nhận các sứ mệnh tiên phong nghiên cứu, phát triển các nền tảng số. Hãy bắt tay vào giải quyết các bài toán của Việt Nam bằng công nghệ số, bằng các mô hình vận hành đột phá, rồi từ Việt Nam đi ra thế giới. Tinh thần doanh nhân công nghệ số lan tỏa trong toàn dân là động lực thúc đẩy sự tham gia của mọi thành phần trong xã hội vào công cuộc chuyển đổi số.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng