Những đối tượng lao động tự do nào sẽ được hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ đồng?

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Nghị quyết 68/NQ-CP quy định 12 chính sách hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Trong đó có đối tượng lao động tự do nhưng không nói rõ làm những công việc gì khiến nhiều người băn khoăn.

Lao động tự do chật vật mưu sinh mùa Covid-19
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 về Một số chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Các chuyên gia lao động nhận định, Nghị quyết 68 được ban hành trên cơ sở quán triệt chủ trương, chỉ đạo của Bộ Chính trị là rất kịp thời, đúng đối tượng và phù hợp với tình hình thực tế diễn biến của dịch bệnh Covid-19.
Nội dung Nghị quyết 68 quy định 12 chính sách hỗ trợ NLĐ và chủ sử dụng lao động. Trong đó, đối với NLĐ không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác: Căn cứ vào điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của địa phương, các tỉnh, thành phố xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ. Nhưng mức hỗ trợ không thấp hơn 1.500.000 đồng/người/lần hoặc 50.000 đồng/người/ngày căn cứ theo thực tế số ngày tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của địa phương.
 Dịch Covid-19 nhưng các shipper vẫn đi làm việc và thực hiện phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: Thời Nguyễn.
Đón nhận thông tin về chính sách hỗ trợ, đồng nghĩa với gói 26.000 tỷ đồng được triển khai, không chỉ các công nhân, mà nhiều lao động tự do rất phấn khởi và mong chờ. Bởi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát đến nay, nhiều NLĐ làm nghề bán hàng nước vỉa hè, bán hàng ăn nhỏ, lái xe Grab,... đã phải đóng cửa, nghỉ ở nhà để phòng chống dịch Covid-19. Chị Mai Loan làm nghề bán hàng ăn uống trong ngõ phố Nguyễn Thái Học (phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: Thực hiện công điện của  Chủ tịch UBND TP Hà Nội về việc tạm dừng các quán ăn đường phố, trà đá, cà phê vỉa hè, tôi đã nghỉ bán hàng. Gia đình có 4 người (2 con trai tuổi ăn học) chỉ trông chờ vào thu nhập của chồng làm cơ khí, lúc có việc, lúc không nên nhiều khi rất túng thiếu. Đợt dịch Covid-19 năm 2020, gia đình tôi được phường xét duyệt hỗ trợ 1.000.000 đồng; lần này chúng tôi cũng mong được hỗ trợ để có thêm khoản chi phí, giảm bớt khó khăn trong cuộc sống.
Vừa đi xe ôm về nhà nấu bữa ăn trưa cho cả gia đình 5 người, anh Nguyễn Sỹ Đức (phố Vũ Tông Phan, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân) bộc bạch: Trước đây làm nghề bán hàng nước vỉa hè nhưng gần hai tháng nay, do thực hiện phòng chống Covid-19, nên nghỉ bán. Một mình phải chăm nuôi vợ bị mù, ba con nhỏ trong đó cháu lớn bị tâm thần phân liệt mỗi tháng mua thuốc uống hết 3 triệu đồng. Cuộc sống trước đây đã khó khăn, khi dịch bệnh tới càng vất vả hơn nhiều. Để lo cho 5 miệng ăn, tôi phải chuyển sang làm nghề xe ôm nhưng khách rất ít, có ngày được vài chục ngàn, hôm một trăm ngàn đồng. Chúng tôi rất mong muốn trong lúc khó khăn này được Nhà nước và các cấp lãnh đạo quan tâm hỗ trợ thì quý hóa quá. 
Mong Bộ LĐTB&XH sớm có văn bản quy định lao động tự do
So với Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020, các chính sách hỗ trợ trong Nghị quyết 68 được mở rộng thêm đối tượng NLĐ và tăng mức hỗ trợ so với là một cố gắng lớn của Chính phủ, mặc dù mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu để khắc phục khó khăn của NLĐ và chủ sử dụng lao động cũng là rất hữu ích.
“Tuy nhiên, việc tổ chức triển khai Nghị quyết 68 như thế nào để đến đúng mục tiêu, đối tượng và hiệu quả vẫn là vấn đề đặt ra cần đặc biệt quan tâm của các nhà quản lý. Tôi cho rằng, khúc mắc nhất là thủ tục giải ngân. Cần phải phân tích tại sao gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng vừa qua chỉ giải ngân được 22%, nhất là các món vay của doanh nghiệp qua hệ thống ngân hàng. Đối với NLĐ, có lẽ vướng nhất vẫn là thủ tục xác nhận đúng đối tượng lao động tự do vì họ không có đăng ký, nơi làm việc không xác định…” – TS Nguyễn Hữu Dũng – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học – Lao động và Xã hội, Bộ LĐTB&XH nêu ý kiến.
 Người lao động mưu sinh giữa trời nắng nóng, trong mùa dịch Covid-19. Ảnh: Phạm Hùng.
Một nội dung được nhiều người quan tâm trong Nghị quyết 68, đó là chính sách  hỗ trợ đối tượng lao động tự do và một số đối tượng lao động đặc thù khác; nhưng không nói rõ làm các  công việc gì. Có những ý kiến đề xuất, lao động tự do được hỗ trợ là những người bán trà đá, cà phê vỉa hè, hàng ăn, phải dừng bán theo công điện của Chủ tịch UBND TP Hà Nội và các tỉnh thành. Nhưng cũng có những ý kiến bổ sung đối tượng lao động tự do là những người buôn bán hàng ở chợ, lái xe công nghệ, vận chuyển hàng thuê ở chợ đầu mối, giao hàng, giúp việc gia đình, bán hàng rong, thu mua ve chai...
Trước những băn khoăn này, từ thực tiễn triển khai Nghị quyết 42, các cán bộ LĐTB&XH cấp quận/huyện, phường/xã rất mong Bộ LĐTB&XH có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc xác định rõ đối tượng được thụ hưởng chính sách, quy trình, thủ tục đơn giản...để các tỉnh, thành phố căn cứ vào đó triển khai cho đồng bộ, tránh thiếu sót.
Và muốn việc được triển khai thống nhất, nhanh, đúng đối tượng, các tỉnh, thành phố nên tổ chức cuộc họp trực tuyến để tập huấn cho các trưởng phòng LĐTB&XH và chuyên viên giúp việc thực hiện Nghị quyết 68, để sau đó triển khai các chính sách kịp thời hỗ trợ cho NLĐ và chủ sử dụng lao động.
Theo TS Nguyễn Hữu Dũng, kinh nghiệm quý báu nhất của 2 đợt trợ giúp trước là có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là cấp cơ sở (chi bộ, tổ dân phố...) và của các tổ chức xã hội sát với doanh nghiệp (Công đoàn), với người lao động (Hội phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên…) cần phát huy hơn nữa trong đợt trợ giúp này. Đối với các món vay của doanh nghiệp thì có sự tham gia của ngân hàng rà soát, hướng dẫn thủ tục vay thật đơn giản để giải ngân nhanh nhất gói 26.000 tỷ đồng lần này.
 
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần