Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những góc khuất trong vụ án VN Pharma

Bài, ảnh: Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - TAND TP Hồ Chí Minh vừa tuyên án 12 bị cáo trong vụ án “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” xảy ra tại Công ty Cổ phần VN Pharma (VN Pharma – PV).

Hai bị cáo chủ mưu là Võ Mạnh Cường lĩnh 20 năm tù, Nguyễn Minh Hùng 17 năm. Phiên tòa sơ thẩm đã khép lại, nhưng vẫn còn những góc khuất chưa thể giải đáp ngay tại phiên tòa này.

Có thể điều tra Raymundo theo kiến nghị của tòa?

Ngoài mức án dành cho các bị cáo, HĐXX cũng kiến nghị Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Bộ Công an và Viện KSND Tối cao nhanh chóng điều tra những phần đã tách ra vụ án từ trước.

Tại tòa bị cáo Cường và Phạm Quỳnh Trang khẳng định đã cung cấp hình ảnh, số tài khoản, thông tin trên e-mail, những lần Raymundo Y. Mararac (quốc tịch Philippines) xuất nhập cảnh vào Việt Nam, địa chỉ cụ thể của đối tượng cho Cơ quan ANĐT. Vì vậy HĐXX kiến nghị cần nhanh chóng điều tra về Raymundo, vì đây là đối tượng mấu chốt đã cung cấp hồ sơ, giấy tờ giả cho Cường.

 Bị cáo Nguyễn Minh Hùng và Võ Mạnh Cường bị xử 17 và 20 năm tù.

Tuy nhiên dư luận băn khoăn giữa Việt Nam và Philippines chưa ký Hiệp định dẫn độ, vậy điều tra thế nào? Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Quốc Doanh thuộc Công ty Luật TNHH Hình luật (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh), phân tích: “Hiện nay giữa Việt Nam và Philippines đã ký hiệp định tương trợ tư pháp (TTTP), trong đó có 2 vế: TTTP về dân sự và TTTP về hình sự (tương trợ, hợp tác trong vấn đề thu nhập chứng cứ, tống đạt giấy tờ, thủ tục xác minh, phong tỏa, thu giữ tài sản do phạm tội mà có). Nhưng hiệp định này không áp dụng đối với vấn đề dẫn độ tội phạm, chuyển giao người bị kết án, chuyển giao bản án hình sự, công nhận và cho thi hành bản án hình sự”.

“Mặc dù Việt Nam với Philippines chưa ký điều ước về dẫn độ tội phạm, chuyển giao người bị kết án, chuyển giao bản án hình sự, công nhận và cho thi hành bản án hình sự nhưng dựa trên nguyên tắc có đi có lại thì vẫn có thể áp dụng để dẫn độ tội phạm khi có hành vi vi phạm xảy ra” - luật sư Doanh nói.

Sẽ khởi tố thêm vụ án hình sự khác?

Tại tòa, HĐXX cũng chuyển kiến nghị của Viện KSND TP Hồ Chí Minh đến Cơ quan ANĐT Bộ Công an để điều tra, làm rõ các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về bảo vệ bí mật Nhà nước (BMNN) liên quan đến các tài liệu “mật” của Bộ Y tế trong vụ án này có dấu hiệu làm lộ.

Bởi từ ngày 27/4/2018 đến 20/9/2019, tài liệu của Bộ Y tế chưa được giải “mật”, nhưng ngày 14/6/2018, ông Ngô Nhật Phương (SN 1960, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, ngụ TP Hồ Chí Minh) đã trực tiếp giao nộp cho Cơ quan ANĐT 10 tài liệu đã hợp pháp hóa lãnh sự. Ngay sau khi Viện KSND kiến nghị, ông Phương cũng nộp đơn gửi nhiều cơ quan với khẳng định ông không trực tiếp nộp tài liệu “mật”. Phía nộp là những người Ấn Độ và thư ký của ông đi theo phiên dịch. Những tài liệu đó, ông có trước Bộ Y tế, hoàn toàn không có dấu “mật”.

Với kiến nghị của Viện KSND, liệu sẽ có thêm một vụ án hình sự sẽ được khởi tố? Luật sư Nguyễn Quốc Doanh, cho biết theo quy định tại điều 143 về căn cứ khởi tố vụ án hình sự. Theo đó chỉ được khởi tố vụ án khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm.

Việc xác định dấu hiệu tội phạm dựa trên những căn cứ: Tố giác của cá nhân; Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân; Tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng; Kiến nghị khởi tố của cơ quan Nhà nước; Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm; Người phạm tội tự thú.

“Như vậy, trong vụ án VN Pharma, đại diện Viện KSND và HĐXX kiến nghị Cơ quan ANĐT Bộ Công an điều tra, xác minh làm và xử lý theo quy định hành vi lộ BMNN. Do đó, sau khi điều tra, Cơ quan ANĐT có khởi tố vụ án hình sự, thì cũng không đồng nghĩa với việc phải khởi tố bị can (trừ trường hợp phạm tội quả tang).

Sau khi đã có quyết định khởi tố vụ án, sẽ tiến hành điều tra. Nếu có đủ căn cứ xác định một người hoặc pháp nhân đã thực hiện hành vi tội phạm, lúc đó Cơ quan ANĐT ra quyết định khởi tố bị can và phải được sự phê chuẩn của Viện KSND cùng cấp. Trường hợp, trong quá trình điều tra nhưng không phát hiện hành vi vi phạm, thì phải ra quyết định đình chỉ vụ án” - luật sư Doanh phân tích.

Quá nhiều câu hỏi chưa được trả lời

Tại phiên tòa vẫn còn nhiều câu hỏi của đại diện Viện KSND TP Hồ Chí Minh, nhưng chưa được giải đáp. Đó là Đoàn công tác Bộ Y tế đi xác minh nguồn gốc lô thuốc H-Capita 500mg Caplet sản xuất tại nhà máy Affy Parenterals (Ấn Độ) gồm những ai?

Liệu chỉ trong 4 ngày (từ 13/11/2017 - 17/11/2017) có thể hoàn tất các hồ sơ, tài liệu xác minh và được 4 cơ quan quản lý Nhà nước của Ấn Độ, đại sứ quán Việt Nam hợp pháp hóa lãnh sự? Bộ Y tế nhận tài liệu từ lúc nào? Ai là người nhận? Tính hợp pháp khi giao tài liệu? Gửi tài liệu cho Bộ Công an do ai phân công?

Đặc biệt, câu hỏi về việc VN Pharma trước khi bị phát hiện bán thuốc chữa ung thư giả, đã bán bao nhiêu lô thuốc cho những bệnh viện nào? Câu hỏi này được chính bị cáo Nguyễn Minh Hùng (SN 1978, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc VN Pharma) trả lời… không nhớ! Hoặc số tiền chi hoa hồng hơn 6,8 tỷ đồng (có được từ việc nâng khống giá mua thuốc, nguyên liệu làm thuốc) trong khoảng thời gian từ tháng 10/2014 - 5/2015, theo chủ trương của Nguyễn Minh Hùng cho trình dược viên, bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế tại các bệnh viện mà Công ty VN Pharma đã bán thuốc cũng không được làm rõ.