Những hàng hóa, dịch vụ nào được giảm 2% thuế giá trị gia tăng?

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kể từ ngày 1/2 đến 31/12/2022, nhiều nhóm hàng hóa, dịch vụ sẽ được giảm 2% thuế giá trị gia tăng (GTGT) nhằm hỗ trợ người dân, DN gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19.

Tại tiết a điểm 1.1 khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội quy định: “Giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: Viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng, không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt”.

Nhiều mặt hàng được giảm thuế GTGT từ ngày 1/2.
Nhiều mặt hàng được giảm thuế GTGT từ ngày 1/2.

Liên quan đến chính sách giảm thuế GTGT, thời gian qua, căn cứ quy định tại Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 ngày 19/10/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ DN, người dân chịu tác động của dịch Covid-19 (trong đó tại khoản 3 Điều 1 Nghị quyết này có quy định chính sách giảm thuế GTGT đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ), Chính phủ đã ban hành Nghị định số 92/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 để hướng dẫn cụ thể việc thực hiện.

Để đảm bảo việc giảm thuế đúng quy định và chính sách giảm thuế đến đúng đối tượng thụ hưởng là người mua hàng hóa, dịch vụ, cơ sở kinh doanh áp dụng phương pháp kê khai sẽ giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trực tiếp trên hóa đơn. Còn cơ sở kinh doanh gồm cả hộ và cá nhân kinh doanh... áp dụng phương pháp khoán sẽ giảm 20% mức tỉ lệ để tính thuế trên hóa đơn.

Trường hợp người bán lập hóa đơn mà chưa giảm thuế suất giá trị gia tăng cho hàng hóa, dịch vụ thì người bán và người mua phải lập biên bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản ghi rõ sai sót. Đồng thời, người bán phải lập hóa đơn điều chỉnh sai sót và giao hóa đơn có giảm thuế cho người mua.

Về tác động ngân sách, Bộ Tài chính dự kiến chính sách nêu trên ước giảm thu ngân sách nhà nước của năm 2022 khoảng 49.400 tỷ đồng. Số tiền thuế được hỗ trợ này sẽ góp phần giúp doanh nghiệp, tổ chức và người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, đồng thời có tác dụng kích thích tiêu dùng, đầu tư, qua đó đóng góp vào kết quả khôi phục lại nền kinh tế của đất nước sau dịch bệnh và góp phần thực hiện an sinh xã hội.

Sở dĩ có chính sách nêu trên, Bộ Tài chính lý giải, trong năm 2020 - 2021, do tác động của dịch Covid-19, tăng trưởng kinh tế liên tiếp giảm ở mức thấp, ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng bình quân 5 năm 2021 - 2025. Hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, chị phí đầu vào gia tăng; chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa bị đứt gãy; nảy sinh các vấn đề về lao động, việc làm, an sinh, an ninh và trật tự an toàn xã hội…

Do vậy, tại kỳ họp bất thường của Quốc hội vừa diễn ra đầu tháng này, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có quy định giảm thuế giá trị gia tăng; cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội, Chính phủ đã khẩn trương ban hành Nghị định 15 quy định áp dụng giảm thuế giá trị gia tăng đối với tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng 10%.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần