Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những hoàng đế nổi tiếng sợ... vợ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Làm hoàng đế thì có quyền sinh quyền sát, ấy thế mà nhiều ông vua vẫn sợ vợ, thậm chí cả khi vợ lộng hành, làm những việc tày trời vẫn không dám hé môi.

KTĐT - Làm hoàng đế thì có quyền sinh quyền sát, ấy thế mà nhiều ông vua vẫn sợ vợ, thậm chí cả khi vợ lộng hành, làm những việc tày trời vẫn không dám hé môi.

Hậu cung có đầy gái đẹp nhưng Tùy Văn đế không bao giờ dám đụng đến, vì sợ sẽ rầy rà to với hoàng hậu Độc Cô.

 
Làm hoàng đế thì có quyền sinh quyền sát, ấy thế mà nhiều ông vua vẫn sợ vợ, thậm chí cả khi vợ lộng hành, làm những việc tày trời vẫn không dám hé môi.

Đầy gái đẹp xung quanh vẫn phải… nhịn

Như mọi ông vua phương Đông khác, Tùy Văn đế Dương Kiên cũng có một hậu cung đông đúc, nhưng suốt đời ông phải sống kiểu một vợ một chồng, trung thành với bà vợ từ thuở hàn vi là Độc Cô hoàng hậu.

Độc Cô hoàng hậu là người thông minh, giúp chồng rất nhiều trong sự nghiệp, lại biết thương dân, sống tiết kiệm… nên rất được chồng yêu kính. Vì thế đối với chồng, bà có một quyền lực rất lớn, đến nỗi bà ép nhà vua không được “quan hệ” với bất cứ người đẹp nào khác ngoài mình mà vua vẫn phải nghe. Các mỹ nhân trong cung chỉ biết nuốt hận, sống lạnh lẽo suốt đời. Ngay cả với quan lại, tôn thất, bà cũng muốn áp đặt chế độ một vợ một chồng. Biết người nào lấy thêm vợ, hay tỳ thiếp có mang, bà đều ép Văn đế trách phạt hoặc giáng chức, và vua phải nghe theo.

Dù rất yêu vợ nhưng Tùy Văn đế cũng có những lúc phải lòng các bóng hồng khác. Có lần biết chồng đang bí mật sủng ái một mỹ nữ, Độc Cô hoàng hậu lập tức cho người đi giết tình địch ngay. Văn đế vừa xót xa và uất ức nhưng không dám làm gì bà vợ, chỉ quất ngựa phi cuồng lên đến hết ngày, đến tối mới buồn bã về cung. Chỉ sau khi Độc Cô hoàng hậu qua đời, nhà vua mới thỏa sức "vui vẻ" với các cung phi, mỹ nữ.

Vì thế, ông vua khởi nghiệp nhà Tùy tuy rất tài năng, vũ dũng vẫn bị chê cười là sợ vợ. Tuy nhiên, kiểu sợ vợ của ông không phải do hèn yếu, mà bắt nguồn từ sự vì nể, kính trọng đối với vợ, người đồng sự, tri kỷ của ông. 

Trơ mắt nhìn vợ giết con, giết họ hàng

Vô địch về sợ vợ là Tấn Huệ đế Tư Mã Trung. Ông ta sợ vợ như sợ cọp, không dám có ý kiến phản đối gì.

Tư Mã Trung là người đần độn, hồi còn là thái tử bị gả cho người vợ xấu ma chê quỷ hờn là Giả Nam Phong, dáng người thấp lùn, ngũ quan lệch lạc, da đen, răng vẩu, chân to, lưng gù. Chưa hết, dưới hình hài xấu xí đó là một tâm địa hung hãn, độc ác vô song. Thế nhưng Tư Mã Trung chẳng những không chê bai gì mà còn nghe lời Giả Nam Phong răm rắp, cho dù vị thái tử này vốn đã có những tỳ thiếp xinh đẹp, dịu dàng. Kể cả khi ông ta đã lên ngôi vua cũng vậy.

Do không có con trai, Giả Nam Phong luôn tìm cách hãm hại những phi tần khác khi họ có mang. Có lần, lấy cớ hầu hạ kém, bà ta phóng thẳng ngọn kích vào một cung nữ được cho là sắp sinh con trai, làm cung nữ đó bị trụy thai. Trước tất cả những vụ việc ấy, không bao giờ Tấn Huệ đế dám có ý kiến. Ông ta bị Giả Nam Phong ngăn cản chuyện ái ân với các phi tần, nhưng vẫn phải làm ngơ việc bà ta thường xuyên đưa đàn ông bên ngoài vào cung để hành lạc.

Làm vua nhưng Huệ đế chỉ là bù nhìn, để vợ thao túng cả triều đình, giết hại đình thần. Khi Giả Nam Phong đưa ra bằng chứng giả là thái tử phản nghịch, Huệ đế cũng ngoan ngoãn truất ngôi thái tử, rồi để cho con trai bị giết chết. Khi Giả Nam Phong vu cáo thái hậu (mẹ kế và là dì của Huệ đế) làm phản, ông ta cũng ngồi giương mắt ếch nhìn vợ giết cả gia đình thái hậu, cũng là những họ hàng ruột thịt bên ngoại của nhà vua.

Nem nép trước bà vợ lẽ bằng tuổi mẹ

Đó là vua Minh Hiến tôn Chu Kiến Thâm, còn người đàn bà lợi hại là Vạn Trân Nhi, quý phi của vua. Vạn thị lớn hơn vua 17 tuổi, vốn là cung nữ hầu hạ khi Chu Kiến Thâm còn bé, dụ dỗ vị hoàng tử này chơi trò mây mưa, từ đó trói được Kiến Thâm. Đối với người đàn bà này, Kiến Thâm không chỉ có ham muốn tình dục mà còn nể sợ, bảo gì cũng nghe. Vì thế, khi ông ta lên ngôi, Vạn Trân Nhi đã bước vào tuổi trung niên và vẫn chưa có danh phận gì, nhưng bà ta đã lộng quyền, hống hách, thậm chí coi khinh cả hoàng hậu lẫn các quý phi.

Có lần, vì ngạo mạn, vô lễ, Vạn thị bị Ngô hoàng hậu vớ lấy cái gậy thái giám gõ cho mấy cái vào đầu. Bà ta liền về kể lể với vua, thêm mắm thêm muối, rồi khóc lóc, làm mình làm mẩy cho đến khi nhà vua hạ lệnh phế truất hoàng hậu.

Nhờ sinh con trai, Vạn thị được phong quý phi. Nhưng không may đứa con bị chết nên Vạn thị không chịu để phi tần, cung nữ nào có mang cả. Hễ biết ai thụ thai là bà ta ngang nhiên bắt uống “thuốc bổ” mà ai cũng hiểu là thuốc phá thai. Hiến tôn biết hết nhưng chẳng dám trách mắng gì, chỉ nhẹ nhàng khuyên giải dù biết bà ta chẳng nghe. Thế là nhà vua đành làm ngơ để bà vợ lẽ già cả diệt sạch máu mủ của mình. May có một hoàng tử vì được cả hoàng gia và đình thần bảo vệ nghiêm ngặt mà sống sót để sau này nối ngôi. Về vị hoàng tử này còn có cách kể khác: Khi đã có tuổi, Hiến tôn rầu rĩ vì không người nối dõi, may viên thái giám trung thành báo lại là có nuôi giấu được một hoàng tử. Vạn thị khi biết mình bị qua mặt đã nổi điên giết luôn người mẹ, còn viên thái giám kia sợ quá phải tự sát.

Đến năm Vạn Trân Nhi đã là một bà già 58 tuổi, béo phục phịch, Minh Hiến tôn vẫn vừa yêu vừa sợ bà ta. Và khi bà ta đứt hơi chết trong lúc hành hạ một cung nữ, nhà vua đau khổ như đứt từng khúc ruột, gào khóc rồi sinh bệnh. Cũng vì thương tiếc Vạn phi mà vài tháng sau, nhà vua qua đời ở tuổi 40.