Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những kịch bản cho thị trường chứng khoán Việt Nam

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam vừa trải qua quý 3 đầy biến động bởi sự trở lại của đại dịch Covid-19. Dù vậy, nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh cũng như nhờ dòng tiền của nhà đầu tư mới, đến nay, TTCK đã lấy lại được gần như những gì đã mất.

Thăng hoa
TTCK Việt Nam kết thúc quý III và tháng 9 bất ngờ huy hoàng với việc cả 3 chỉ số VN-Index, HNX-Index và UPCoM-Index đều tăng điểm, tương ứng tăng gần 3% so với tháng 8. Với diễn biến này, TTCK Việt Nam đứng thứ 4 trong top 10 thị trường tăng điểm mạnh nhất tháng 9 chỉ sau Mông Cổ (4,27%), Thổ Nhĩ Kỳ (4,06%) và Đan Mạch (3,48%).

Theo dữ liệu của thị trường, trong tháng 8, VN-Index thậm chí còn tăng mạnh nhất thế giới với mức tăng gần 10,5% và là một trong 10 chỉ số tăng mạnh nhất quý 3 và cả 6 tháng vừa qua. Trong quý III, VN-Index tăng đến 9,71% và đứng ở vị trí thứ 6. Điều đáng mừng hơn nữa là nhiều cổ phiếu thậm chí còn vượt qua được cả mức giá trước đại dịch.
 Khách hàng theo dõi thông tin chỉ số tại một sàn chứng khoán ở Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Về nguyên nhân khiến TTCK “thăng hoa” suốt giai đoạn vừa qua, ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam cho rằng, dòng tiền mới hay còn gọi là nhà đầu tư "F0" (thậm chí là F0-1) là nguyên nhân chính giúp các thị trường liên tục tăng mạnh.

Chỉ tính riêng sàn HoSE, tính từ tháng 4 đến tháng 9, thanh khoản tăng vọt so với 6 tháng trước với khối lượng giao dịch bình quân ở mức gần 320 triệu cổ phiếu/ phiên, tương ứng tăng hơn 50%. Giá trị giao dịch cũng tăng 34,5% lên mức trung bình gần 5,5 nghìn tỷ đồng/ phiên. “Trái ngược với xu hướng mua vàng, trái phiếu chính phủ của các nhà đầu tư lớn, hiện các nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ toàn cầu đang chiến thắng nhà đầu tư lớn trong mùa dịch năm nay khi họ góp phần làm nên làn sóng nhà đầu tư cá nhân tham gia TTCK trong đại dịch. Họ cũng là những người buồn chán khi phải ở nhà do lệnh phong tỏa, mất việc đã tìm tới TTCK thử vận may trên sàn giao dịch chứng khoán vốn ngày càng tiện lợi, thậm chí còn được miễn phí giao dịch” - ông Phan Dũng Khánh phân tích.

Cũng theo ý kiến của nhiều chuyên gia, mặt bằng lãi suất tiền gửi đã giảm tổng cộng 1 - 2,5 điểm % từ đầu năm đến nay ở hầu hết các ngân hàng thương mại thương mại vì nhu cầu tín dụng yếu (tăng trưởng đến ngày 16/9 chỉ đạt 4,81%, trong khi mục tiêu cả năm 2020 là 14%). Đây cũng là yếu tố tác động đến thị trường. Chính vì vậy, TTCK đang trở nên hấp dẫn hơn so với các kênh đầu tư khác như vàng hay bất động sản bởi yêu cầu vốn thấp và tính thanh khoản cao.

Số liệu cập nhật gần nhất cho thấy, số lượng tài khoản môi giới mở mới trong tháng 8 tăng 4,8% so với tháng trước (lên 28.300 tài khoản) và là mức cao nhất kể từ năm 2019 (15.000 - 20.000 tài khoản/tháng). Ngoài ra, đã có những tín hiệu cho thấy, dư nợ cho vay ký quỹ bắt đầu tăng mạnh kể từ cuối tháng 7/2020.

Chờ đợi “vaccine” cho thị trường

Theo Báo cáo triển vọng TTCK Việt Nam quý IV/2020, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng các yếu tố hỗ trợ cho thị trường trong các tháng cuối năm sẽ được duy trì. Trong khi đó, rủi ro chính của giai đoạn này đến từ các yếu tố như: Làn sóng Covid-19 mạnh lên làm trì hoãn kế hoạch mở cửa của các nước; thị trường đã tăng mạnh và rơi vào vùng định giá không còn quá hấp dẫn; hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có thể phục hồi chậm hơn so với kỳ vọng, đi kèm sự gia tăng nợ xấu ngân hàng; bầu cử Mỹ…

Bên cạnh đó, diễn biến dịch Covid-19 và tiến trình vaccine vẫn là yếu tố đươc TTCK thế giới và TTCK Việt Nam theo sát trong những tháng cuối năm 2020. Với Việt Nam, KBSV cho rằng, thị trường đã xây dựng được một tâm lý vững vàng trước bệnh dịch. Diễn biến bán tháo khi làn sóng Covid-19 thứ 2 quay lại đã chỉ xuất hiện ngắn hạn và thị trường đã hồi phục ngay sau đó.

Chính phủ cũng đã nhanh chóng đặt hàng mua vaccine với số lượng lớn phần nào giúp ổn định tâm lý người dân. Việc các đường bay quốc tế dần được mở cửa trong tháng 9 có thể khiến Việt Nam gia tăng rủi ro xuất hiện các ca nhiễm cộng đồng mới. Dù vậy, tương tự như giai đoạn xuất hiện ca nhiễm mới tại Đà Nẵng tháng 7 vừa qua, hy vọng phản ứng của thị trường sẽ không quá tiêu cực. KBSV kỳ vọng, TTCK Việt Nam có thể tiếp tục đà hồi phục lên mức quanh 960 điểm vào những tháng cuối năm 2020.

Đáng chú ý, theo nhiều chuyên gia, thị trường tháng 10 hàng năm có thể xem là tháng chuyển giao quan trọng khi nhà đầu tư hướng sự quan tâm đến mùa kinh doanh quý IV, thậm chí là kế hoạch kinh doanh năm sau. Báo cáo hoạt động năm nay nhiều khả năng sẽ không bằng năm trước nhưng trong giai đoạn khó khăn chung vẫn có những DN tận dụng được lợi thế và duy trì tăng trưởng.

"Những ngành được hưởng lợi từ đầu tư công như xây dựng hạ tầng giao thông, đá xây dựng, xi măng, sắt thép và những ngành được hưởng lợi từ thương mại phục hồi như cảng biển, logistic sẽ có kết quả kinh doanh tích cực trong nửa cuối năm 2020. Trong khi đó, một số ngành có thể vẫn khó khăn trong 6 tháng cuối năm như dầu khí, du lịch, hàng không. Đối với 2 nhóm ngành quan trọng là ngân hàng và bất động sản, ông duy trì đánh giá trung tính do có những yếu tố tác động tích cực và tiêu cực đan xen." - Ông Đinh Quang Hinh - Công ty Chứng khoán VNDirect


"Kết quả kinh doanh của các DN niêm yết trong quý III sẽ khả quan hơn so với quý trước do thành công trong việc đẩy lùi làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 2. Kinh tế vĩ mô Việt Nam cũng đã có những dấu hiệu phục hồi với GDP quý III tăng 2,62% so với cùng kỳ, cao hơn so với mức tăng trưởng chỉ 0,36% của quý II… Đó là các yếu tố hỗ trợ thị trường những tháng cuối năm." - Báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán VNDirect