Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ nhất

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 24/11/1946, Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ nhất khai mạc tại Nhà hát TP Hà Nội. Tại Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều ý kiến căn dặn với hơn 200 nhà hoạt động văn hoá, đại diện cho phong trào văn hóa toàn quốc.

Văn hóa lấy hạnh phúc của đồng bào làm cơ sở

Ngày 24/11/1946, Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ nhất khai mạc tại Nhà hát TP Hà Nội. Đây là dấu mốc vô cùng quan trọng thể hiện tầm nhìn chiến lược, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với lĩnh vực văn hoá nói chung, nhân sĩ trí thức và văn nghệ sĩ nói riêng.

Hơn 200 nhà hoạt động văn hoá đại diện cho phong trào văn hoá toàn quốc và đại diện Chính phủ, Ủy ban Thường trực Quốc hội đã đến dự lễ khai mạc Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ nhất.
   Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm lớp học của công nhân Nhà máy 1/5 (Hà Nội), lá cờ đầu của phong trào bổ túc văn hoá ngành công nghiệp, ngày 19/12/1963. Ảnh tư liệu.

Theo “Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử” của NXB Chính trị quốc gia Sự thật (Hà Nội, 2016, tập 3, trang 32), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới tham dự và phát biểu tại Lễ Khai mạc Hội nghị. Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc diễn văn khai mạc trong 40 phút. Trong diễn văn, Người nêu đã nêu lên mong muốn “Nền văn hóa mới của nước nhà lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Văn hóa Việt Nam là ảnh hưởng lẫn nhau của văn hóa Đông phương và Tây phương mà chung đúc lại. Vì thế, để tạo ra nền văn hóa Việt Nam, cần phải “lấy kinh nghiệm tốt của văn hóa xưa và văn hóa nay, trau dồi cho văn hóa Việt Nam thật có tinh thần thuần túy Việt Nam để hợp với tinh thần dân chủ” – Theo ấn phẩm “Văn hóa văn nghệ cũng là một mặt trận”, NXB Văn hóa (Hà Nội, 1981, trang 516).

Người nói thêm rằng: “Văn hóa có liên lạc với chính trị rất mật thiết, vì thế cần phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý của quốc dân, nghĩa là văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ. Tâm lý của ta lại còn muốn lấy tự do, độc lập làm gốc. Văn hóa phải làm thế nào cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập, tự do. Đồng thời văn hóa phải làm thế nào cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích mình”. Với xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Văn hóa phải làm thế nào cho mỗi người dân Việt Nam từ giả đến trẻ, cả đàn ông và đàn bà, ai cũng hiểu cái nhiệm vụ của mình và biết hưởng cái hạnh phúc của mình nên được hưởng, văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi” – Theo Báo Cứu Quốc, số 416, ngày 25/11/1946.

Một vấn đề khác mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh tại Hội nghị, đó là vấn đề về nhi đồng. Người nói: “Nhi đồng Việt Nam đã tiến bộ nhiều về văn hóa. Cứ xem khi có công việc gì thích hợp để làm, các em đã làm rất tài tình. Ví dụ như cần tuyên truyền Đời sống mới, cần chống nạn mù chữ, các em diễn được ngay những vở kịch ngắn, vui mà khéo biết bao!”, vì thế, thay mặt toàn thể thiếu nhi Việt Nam, Người “kêu gọi các nhà văn hóa Việt Nam hãy chú ý đặc biệt đến nhi đồng” – Theo “Hồ Chí Minh: Toàn tập”, NXB Chính trị quốc gia Sự thật (Hà Nội, 2011, tập 4, trang 513).

Tiếp theo, đại diện của Ủy ban vận động văn hóa toàn quốc đọc báo cáo nêu bật những thành tích, hoạt động của các nhà văn hóa Việt Nam trong thời gian qua, đồng thời nêu lên sự cần thiết phải đoàn kết cộng tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa các nhà hoạt động văn hóa của cả nước trong tình hình mới. Hội nghị đã bầu ra Ủy ban văn hóa toàn quốc gồm 15 ủy viên chính thức và 5 ủy viên dự khuyết.

Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với văn hoá

Nhận định về bối cảnh của Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, PGS. TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, bối cảnh lịch sử rất quan trọng để giải thích sự ra đời của Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất.
  Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm diễn viên Đoàn Văn công Nhân dân T.Ư sau buổi biểu diễn tại Phủ Chủ tịch, ngày 31/12/1956.

Hội nghị này là nỗ lực của lãnh đạo Đảng và Nhà nước cùng những người yêu văn hóa Việt Nam nhằm huy động mọi đề xuất, sáng kiến chấn hưng văn hóa nước nhà, lấy kinh nghiệm của giới hoạt động văn hóa châu Âu, trước hết là giới văn nghệ sĩ trí thức Pháp, sau khi Chiến tranh Thế giới lần thứ 2 kết thúc.

Dù đây không phải là thời kỳ thuận lợi do không khí chiến sự căng thẳng tại Hải Phòng và Hà Nội, nhưng chính nỗ lực tổ chức hội nghị đã minh chứng cho sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với văn hóa, cũng như chính vai trò của văn hóa trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước.

Những thông điệp quan trọng của Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ nhất về văn hoá soi đường cho quốc dân đi đã truyền cảm hứng cho những người làm việc trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật phấn đấu hết mình cho sự nghiệp cách mạng. Không thể phủ nhận rằng, những tư tưởng và thông điệp đó đã tạo nên sức mạnh tinh thần vô cùng to lớn để đội ngũ văn nghệ sĩ làm ra những ca khúc, bộ phim, vở kịch, bài thơ, tiểu thuyết truyền cảm hứng, hình thành nên sức mạnh Việt Nam trong nhiều hoàn cảnh khó khăn.

75 năm đã trôi qua, thực tế lịch sử đã chứng minh, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc xây dựng và phát triển văn hóa được phát biểu tại Hội nghị đã thực sự trở thành kim chỉ nam xuyên suốt mọi hoạt động của ngành văn hóa. Để xây dựng được một nền văn hóa, một đất nước Việt Nam hòa bình, độc lập, tự lực, tự cường, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Chính phủ đã thực hiện chiến dịch tiêu diệt “giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”, cổ vũ và động viên nhân dân xây dựng “đời sống mới”, xây dựng và phát triển những thuần phong, mỹ tục mới trong nhân dân, từng bước nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân... Từng bước đưa văn hóa đi sâu vào quần chúng, dùng văn hóa như một sức mạnh vật chất, góp phần biến đổi các hủ tục, cải tạo con người.

Có thể nói, dưới sự lãnh đạo của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh, Nhân dân ta đã kế thừa, phát triển và phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, không ngừng sáng tạo những giá trị văn hóa mới thấm đẫm tinh thần yêu nước và lý tưởng xã hội chủ nghĩa phù hợp với đất nước và tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, đưa đất nước Việt Nam vững bước trong xu thế phát triển của nhân loại tiến bộ.