70 năm giải phóng Thủ đô

Những lời hứa của ông Trump về đâu sau 4 năm tại Nhà Trắng?

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ Donald Trump được cho chưa thể thực hiện mọi lời hứa tranh cử vào năm 2016, nhưng những hứa hẹn mà ông đã giữ lời lại có tác động đáng kể đến quốc gia và thế giới.

Ứng viên Donald Trump tại một cuộc vận động tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016. 
"Tôi không lùi bước trước những lời hứa của mình. Tôi đã giữ mọi lời hứa", ông Trump nói trong một video được phát tại Hội nghị Quốc gia của đảng Cộng hòa hồi tháng 8 vừa qua.

Trên thực tế, tổ chức kiểm tra độc lập Politifact đã xem xét 100 lời hứa trong chiến dịch tranh cử của ông Trump từ năm 2016 và ước tính, Tổng thống đã thực hiện 44% trong số đó, bao gồm toàn bộ hoặc một phần - với 5% hiện đang bị đình trệ, và vẫn còn 49% chưa được thực hiện.

Tuy nhiên theo CBC, dù không thể thực hiện "mọi lời hứa", Tổng thống Mỹ đã giữ lời một số vấn đề, qua đó đủ để thay đổi cơ bản nước Mỹ, cả về chính sách đối nội và đối ngoại. Đối với những cử tri từng ủng hộ ông, điều đó có thể đủ để một lần nữa khiến họ bỏ phiếu cho ứng viên Cộng hòa, ngay cả giữa một đại dịch chết người đang hoành hành ở Mỹ.

Trước thềm Ngày bầu cử 3/11, cùng điểm lại những gì đã được giữ lời và cả những thất hứa của Tổng thống Trump trong 4 năm tại Nhà Trắng.

Thay đổi cơ quan tư pháp

Chỉ trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, Tổng thống Trump đã xác nhận thông qua 3 thẩm phán Tòa án Tối cao. Trong khi các Tổng thống Mỹ trước đó như Barack Obama, George W. Bush và Bill Clinton, mỗi người chỉ có 2 cơ hội để xác nhận các thẩm phán trong 8 năm cầm quyền.

Điều này một phần là do hoàn cảnh khách quan, với cái chết của Thẩm phán Ruth Bader Ginsberg vào ngày 18/9 vừa qua. Tuy nhiên xét đến cùng, đó cũng là kết quả của sự tính toán và lập kế hoạch của đảng Cộng hòa, mà cụ thể là Lãnh đạo Đa số Thượng viện Mitch McConnell.

Nếu ông McConnell "chơi" theo quy tắc của riêng mình và đợi cho đến sau cuộc bầu cử sắp tới mới thông qua người thay thế bà Ginsberg, Thẩm phán Amy Coney Barrett do ông Trump đề cử sẽ không thể có mặt tại Tòa án Tối cao lúc này, để đảm nhiệm một vị trí được cho có tầm ảnh hưởng với nước Mỹ trong 25 - 30 năm tới.
Bà Amy Coney Barrett tuyên thệ nhậm chức Thẩm phán Tòa án Tối cao hôm 26/10. 
Cắt giảm thuế

Tại một cuộc vận động cử tri ở Bullhead, Arizona vào ngày 28/10/2016, ông Trump đã nói với đám đông ủng hộ: "Một lá phiếu đối với tôi là một cuộc bỏ phiếu cho việc cắt giảm thuế lớn, cho tầng lớp trung lưu, cắt giảm các quy định và ủng hộ thương mại công bằng".

Một phần trong số này được cho đã thành hiện thực. Năm 2017, chính quyền Trump đã đại tu mã số thuế của Mỹ, giảm thuế suất cho các cá nhân và tập đoàn. Nhưng việc tầng lớp trung lưu có thực sự được hưởng lợi từ những đợt cắt giảm đó hay không hiện vẫn còn là tranh cãi.

Theo Nhà Trắng, kể từ năm 2018, một gia đình 4 người ở Mỹ thu nhập 73.000 USD/năm đã được giảm 2.000 USD tiền thuế. Tuy nhiên theo Ủy ban hỗn viện về thuế, đó chỉ là "những củ khoai tây nhỏ" so với những gì các tập đoàn đang được hưởng lợi từ chính sách thuế - ước tính khoảng 1,5 nghìn tỷ USD trong 10 năm. Do đó, phe Dân chủ chỉ trích việc cắt giảm thuế của Tổng thống chỉ mang lại lợi ích cho người giàu và làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng ở Mỹ.

Sự kết hợp giữa thất thu thuế, chi nhiều tiền hơn cho quốc phòng - một lời hứa khác của chiến dịch Trump năm 2016 - và thiệt hại do Covid-19 gây ra, đã đẩy nợ quốc gia của Mỹ lên hơn 27 nghìn tỷ USD - cao hơn khoảng 8 nghìn tỷ USD so với thời điểm ông Trump tiếp quản Nhà Trắng vào năm 2017 và đã hứa sẽ đưa về mức 0.

Điều này đã phản ánh một thực tế, rằng khi một người đắc cử Tổng thống thực hiện lời hứa, họ có thể không thực hiện tốt lời hứa khác được, bởi lời hứa tranh cử được đưa ra trong điều kiện hoàn toàn lý tưởng, khác với thực tế có thể mâu thuẫn, chồng chéo nhau.

Chẳng hạn như lời hứa bãi bỏ quy định, theo New York Times thống kê, 100 chính sách liên quan đến không khí, nước, động vật hoang dã và hóa chất độc hại đã được rút lại hoặc đảo ngược dưới thời Tổng thống Trump. Và việc làm suy yếu các quy định về khí thải từ xe cộ, nhà máy điện, cũng như loại bỏ các biện pháp bảo vệ các vùng đầm lầy đã tạo điều kiện cho nhiều ngành công nghiệp Mỹ mở rộng.

Nước Mỹ trên hết

Ứng viên Donald Trump năm 2016 được ủng hộ mạnh mẽ với lời hứa về một loại chính sách đối ngoại mới - America First (nước Mỹ trên hết). Và trong 4 năm qua, điều đó đồng nghĩa với việc rút lui khỏi loạt thể chế quốc tế đa phương, gây tranh cãi về vai trò lãnh đạo của nước Mỹ:

Mỹ rời khỏi Hiệp định Khí hậu Paris, Thỏa thuận hạt nhân Iran và Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, đồng thời đàm phán lại NAFTA với Canada và Mexico để hình thành thỏa thuận thương mại USMCA mới. Dù quân đội Mỹ vẫn duy trì hiện diện ở Iraq và Afghanistan, quân số của họ đang giảm, phản ánh cam kết của Tổng thống Trump trong việc chấm dứt các cuộc chiến tranh bất tận.

Thắt chặt nhập cư

Lời hứa về việc xây dựng một "bức tường lớn và đẹp" ở biên giới Mỹ - Mexico để chặn dòng người vượt biên nơi đây, nhưng là do Mexico trả tiền - được cho là nền tảng trong chiến dịch tranh cử năm 2016 của ông Trump.
Ông Trump trong chuyến công du đến bức tường biên giới ở San Luis, Arizona hồi tháng 6/2020.
Vào năm 2020, Tổng thống Trump đã nói với đám đông tại các cuộc vận động tranh cử của mình rằng bức tường "gần như đã hoàn thành". Lời hứa ban đầu là hơn 1.600km rào chắn bằng bê-tông, nhưng hiện mới khoảng 500km được gia cố các hàng rào hiện có, và chưa đến 7km tường là được xây mới ở nơi không có hàng rào nào trước đây.

Trên thực tế, Mexico đã không trả tiền cho bất kỳ khoản nào trong số đó. Chi phí của dự án - ước tính lên tới 11 tỷ USD - do Mỹ chi trả, được lấy từ ngân sách của Lầu Năm Góc để trang trải.

Trong khi đó, nhập cư Mỹ thật sự thắt chặt dưới thời Tổng thống Trump. Chính quyền Washington hạn chế việc đi lại từ một số quốc gia đa số theo đạo Hồi, và ban hành loạt quy định để chấm dứt khá nhiều hệ thống tị nạn ở biên giới phía Tây Nam, cũng như giảm lượng người tị nạn vào Mỹ nói chung.

Năm 2021, chính quyền Trump có kế hoạch giới hạn số lượng người tị nạn được phép vào Mỹ ở mức 15.000 người/năm, giảm so với mức giới hạn hiện tại là 18.000 người và ít hơn nhiều so với mức 85.000 người trong năm cuối cùng của chính quyền Obama.

Những lời hứa còn dở dang

Đạo luật Chăm sóc Giá cả phải chăng, còn được gọi là Obamacare, vẫn được duy trì bất chấp lời hứa của ứng viên Donald Trump rằng sẽ bãi bỏ và thay thế bằng một luật chăm sóc sức khỏe khác nếu đắc cử.
Tòa án Tối cao dự kiến ​​sẽ ra phán quyết đối với Obamacare vào tháng 11 và chính quyền Trump ủng hộ việc loại bỏ hoàn toàn, dù Tổng thống đến nay vẫn chưa giải thích cách thức ông sẽ thay thế điều đó.

Khai thác than của Mỹ được cho cũng chưa trở lại như những gì ông Trump đã hứa. Trong khi đại dịch Covid-19 xuất hiện và dai dẳng tại Mỹ, khiến thành quả trong giảm tỷ lệ thất nghiệp, thúc đẩy nền kinh tế, tiêu tan. Chiến dịch Trump 2020 cố gắng lập luận rằng Tổng thống đã làm tốt trước khi thiên tai ập đến.

Cuối cùng, vấn đề quan trọng lúc này vẫn là cách cử tri Mỹ nhìn nhận những thay đổi của nước Mỹ trong 4 năm qua, khi mà những lý tưởng được ứng viên Donald Trump vạch ra đã được trải nghiệm thực tế và cho thấy kết quả - có thể tích cực với nhóm người này và tiêu cực với nhóm người kia.