Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những lời tự bào chữa của Trịnh Xuân Thanh cùng đồng phạm trước tòa

Thiên Bình - Đạt Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 13/1, trong phần tranh tụng tại phiên tòa xét xử đại án xảy ra tại PVN - PVC, bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm đã tự bào chữa trước tòa.

Ông Đinh La Thăng mong được hưởng sự khoan hồng
Mở đầu phần tự bào chữa, bị cáo Đinh La Thăng cho rằng trong suốt quá trình tố tụng, bị cáo đã khai báo, nhận trách nhiệm là người đứng đầu, nhận trách nhiệm chưa hoàn thành chức trách, nhiệm vụ với vai trò chủ tịch HĐTV; thiếu kiểm tra, thiếu giám sát, không phát hiện kịp thời vi phạm của cấp dưới, dẫn đến nhiều cá nhân đã vi phạm pháp luật và bị đưa ra xét xử.
Trong phần luận tội, đại diện VKS cho rằng bị cáo Đinh La Thăng phạm tội thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, gây tổn hại lớn về mặt kinh tế cũng như xã hội. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo mới chỉ nhận trách nhiệm của người đứng đầu mà chưa nghiêm túc nhận ra những việc làm trái pháp luật của mình. Do vậy, cần thiết phải xử lý nghiêm khắc đối với bị cáo. Xét về các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo, VKS thấy bị cáo có nhiều thành tích trong quá trình công tác, ít nhiều nhận một phần trách nhiệm về sai phạm trong việc chỉ đạo thực hiện dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 với tư cách là người đứng đầu nên có thể giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo.
Ông Đinh La Thăng tự bào chữa tại phiên tòa.
Không đổ lỗi cho cấp dưới, bị cáo Đinh La Thăng xin nhận trách nhiệm theo đúng trách nhiệm của mình và nhận trách nhiệm cho các bị cáo khác trong tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả kinh tế nghiêm trọng”. Theo bị cáo Thăng, các bị cáo nguyên là cấp dưới của mình không có động cơ cá nhân, vì trách nhiệm của mình, vì sự chỉ đạo quyết liệt có lúc nôn nóng nên đã dẫn đến vi phạm.
Bị cáo Đinh La Thăng cho biết nhận nhiệm vụ Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT PVN từ tháng 2/2006 trong bối cảnh PVN mất đoàn kết nghiêm trọng, các dự án trọng điểm đều bị chậm tiến độ. Tuy nhiên, bị cáo đã cùng với tập thể, cùng với HĐTV cố gắng hết mình xây dựng PVN trở thành tập đoàn kinh tế mạnh, trở thành đầu tàu kinh tế của Nhà nước.
Cũng theo bị cáo Thăng, trong bối cảnh hành lang pháp lý chưa đầy đủ, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vừa hoàn thiện nên sự năng động, quyết liệt của toàn thể tập đoàn với sự vi phạm là hết sức mong manh, rủi ro pháp lý rất lớn. Vì vậy, bị cáo mong HĐXX xem xét đánh giá công tâm, khách quan những kết quả PVN đã làm được với những tồn tại của dự án trong hàng trăm dự án đã triển khai.
Về việc chỉ định thầu cho PVC tại Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, bị cáo Thăng khẳng định đây không phải là sự “cao hứng” mà việc này đã được đặt ra từ năm 2006. Cáo trạng cho rằng, để cứu PVC mà PVN đã chỉ định PVC làm chủ thầu là phải xem lại. 
Về việc ký hợp đồng 33, bị cáo nói: “HĐTV PVN đã ủy quyền cho PVPower quyết định vấn đề này. Bản thân bị cáo cũng như các lãnh đạo khác không chỉ đạo việc ký hợp đồng 33, bị cáo không có ý đổ lỗi cho cấp dưới nhưng đây là trách nhiệm của chủ đầu tư, HĐTV của PV Power phải chịu trách nhiệm về vấn đề này. Trong khi PV Power chỉ bị xử phạt hành chính, thì những người chịu trách nhiệm đôn đốc lại bị khởi tố hay sao?”.
Trước tòa, bị cáo Đinh La Thăng nhiều lần khẳng định về việc nhận trách nhiệm của người đứng đầu. “Bị cáo thật sự đau xót, day dứt, trăn trở, thật sự có lỗi với Đảng và Nhân dân, có lỗi với anh Thực, anh Khánh. Nếu dành nhiều thời gian hơn cho công tác kiểm tra thì cũng không có phiên tòa như hôm nay”.
Bị cáo Đinh La Thăng mong HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho thuộc cấp, đặc biệt là giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Phùng Đình Thực - nguyên TGĐ PVN và bị cáo Nguyễn Quốc Khánh - nguyên Phó TGĐ PVN, 2 bị cáo đó không nhát thiết phải cách ly. Cũng theo bị cáo Thăng, ai vướng vào tội “Tham ô tài sản” thì phải chịu trách nhiệm.
Trịnh Xuân Thanh không nhận tội Tham ô
Đến lượt bị cáo Trịnh Xuân Thanh tự bào chữa, bị cáo Thanh có gần 20 phút tự bào chữa cho mình. “Tôi thấy mình có lỗi với anh Thăng, với các anh lãnh đạo của PVN”, bị cáo Thanh nói. 
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh trình bày, bị cáo không muốn đổ lỗi cho cấp dưới nhưng mong VKS chỉ ra bị cáo đã chỉ đạo cấp dưới làm sai bằng cách nào. Với cương vị của bị cáo không thể chỉ đạo miệng, mong HĐXX xem xét lại về hành vi chuyển tiền sai mục đích mà bị cáo đang bị cáo buộc. Thậm chí, sau khi biết việc chuyển tiền sai, bị cáo đã có văn bản chỉ đạo ghi rõ, nghiêm cấm sử dụng tiền sai, đồng thời gửi nhiều văn bản cho đơn vị yêu cầu không được sử dụng tiền sai.
Trịnh Xuân Thanh tại phiên tòa.
Về cách xác định giá trị thiệt hại trong vụ án, bị cáo Trịnh Xuân Thanh không đánh giá là sai hay đúng, nhưng khi giả định dòng tiền không chuyển tạm ứng thì thu được lãi suất, nhưng cũng phải giả định ngược lại, làm rõ nếu chuyển tiền, sử dụng sai mục đích thì như thế nào, vì thực tế tiền thu hồi sử dụng sai mục đích là làm lợi cho PVC. 
Trước tòa, với cáo buộc phạm tội Tham ô tài sản, bị cáo Trịnh Xuân Thanh đề nghị HĐXX và VKS xem xét các tình tiết mà luật sư bào chữa đã trình bày tại tòa. Trong phần tự bào chữa, Thanh cho rằng bản thân mình không tham ô. Nếu bị tuyên tội danh này bị cáo phải đối mặt với mức án cao, khó có thể được trở lại cuộc sống bình thường.
Tuy nhiên, cáo trạng xác định sau khi được PVN tạm ứng 6,6 triệu USD và 1.300 tỷ đồng cho PVC, bị can Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng hơn 1.100 tỷ sai mục đích. Nhóm cán bộ ngành dầu khí bị truy tố tội Cố ý làm trái do tham gia vào việc chỉ đạo PVC ký hợp đồng, tạm ứng và sử dụng tiền tạm ứng sai quy định. Riêng Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận và 8 người khác bị truy tố tội Tham ô tài sản do cấu kết lập hồ sơ khống để rút 13 tỷ đồng chia nhau sử dụng...