Diện mạo nông thôn đổi mớiNằm ven hồ Đồng Sương, tiếp giáp với tỉnh Hòa Bình, xã Trần Phú (huyện Chương Mỹ) là một trong 14 địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn của Hà Nội. Kể từ khi hợp nhất về Thủ đô, được thụ hưởng chính sách phát triển của TP, đặc biệt là Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, diện mạo nơi đây đã có nhiều đổi thay tích cực.Thống kê từ năm 2010 đến nay, TP đã hỗ trợ đầu tư hàng chục dự án điện - đường - trường - trạm với tổng mức đầu tư gần 200 tỷ đồng. Cơ sở hạ tầng được nâng cấp ngày một đồng bộ góp phần phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của vùng đất tứ bề núi đá. Nhờ sự quan tâm lớn của TP, xã Trần Phú đã trở thành địa phương đầu tiên thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Thủ đô về đích nông thôn mới. Không chỉ riêng tại xã Trần Phú, việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trong 10 năm qua đã góp phần thay đổi căn bản diện mạo khu vực nông thôn của Hà Nội. Đường làng, ngõ xóm được kiên cố hóa. Giao thông, thủy lợi nội đồng được đầu tư xây dựng đồng bộ. Hệ thống lưới điện từng bước được hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân… Y tế, văn hóa, giáo dục tiếp tục được quan tâm, đầu tư. Đến nay, 100% các xã đã đạt tiêu chí Quốc gia về y tế, có bác sĩ làm việc tại trạm y tế xã. Thiết chế văn hóa, thể thao từng bước được đổi mới. Toàn TP hiện đã có 2.330/2.528 thôn, làng có nhà văn hóa (đạt tỷ lệ 92,2%). Cơ sở vật chất trường học ngày một được hoàn thiện, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở tất cả các cấp học…Thống kê của Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội cho thấy, tính riêng từ năm 2016 đến tháng 9/2020, TP đã huy động được 56.513 tỷ đồng cho mục tiêu nông thôn mới. Sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cấp, ban, ngành, địa phương và các tầng lớp Nhân dân đã giúp khu vực ngoại thành của Hà Nội thực sự “thay da đổi thịt”, trở thành những miền quê đáng sống giữa lòng Thủ đô.
Tích cực chuyển dịch kinh tế nông thôn5 năm trước, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của UBND xã Minh Châu (huyện Ba Vì), ông Nguyễn Bá Lợi ở thôn Chu Châu bắt tay vào chăn nuôi bò. Nhờ được cán bộ chăn nuôi – thú y xã hướng dẫn chăm sóc, đàn bò của gia đình ông sinh trưởng, phát triển tốt. Mỗi năm bò sinh sản một lứa. Giá bê phụ thuộc thị trường nhưng vẫn dao động từ 18 - 25 triệu đồng/con (từ 4 - 6 tháng tuổi). Nhờ chăn nuôi bò, kinh tế của gia đình ông Lợi dần ổn định.Không chỉ gia đình ông Lợi, có đến 90% tổng số hộ dân tại xã Minh Châu hiện tham gia chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt và bò sữa. Chủ tịch UBND xã Minh Châu Nguyễn Danh Đạt cho biết, tổng đàn bò trên địa bàn hiện khoảng 3.969 con. Sự phát triển của đàn bò giúp giá trị mang lại từ lĩnh vực chăn nuôi năm 2019 của xã Minh Châu đạt khoảng 146 tỷ đồng, bằng 77% cơ cấu kinh tế nội ngành. Quan trọng hơn, nhờ chăn nuôi bò, thu nhập bình quân đầu người dân nơi xã đảo xa xôi của huyện Ba Vì đã đạt hơn 45 triệu đồng/năm, góp phần đưa địa phương hoàn thành tiêu chí rất khó là thu nhập trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đổi thay trong đời sống kinh tế của xã Minh Châu chỉ là một lát cắt trong sự phát triển chung của khu vực ngoại thành Hà Nội. Điều đó đến từ chủ trương phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn đúng đắn, kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm của Hà Nội.
Một tuyến đường hoa xanh, sạch, đẹp qua xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn. Ảnh: Trọng Tùng |
Tính đến tháng 9/2020, Hà Nội đã có 6 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận Huyện nông thôn mới; 355/382 xã về đích nông thôn mới (đạt 92,9% tổng số xã) và 13 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. TP phấn đấu đến cuối năm 2020 có thêm ít nhất 4 đơn vị hành chính cấp huyện được công nhận hoàn thành Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, có thêm 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 10 xã về đích nông thôn mới nâng cao.