Những mô hình sinh kế hay, giúp người khuyết tật thay đổi cuộc sống

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Những người khuyết tật (NKT) từ chỗ không việc làm nhưng sau khi tham gia Dự án “Thúc đẩy phát triển hòa nhập của NKT và xây dựng cộng đồng thích ứng với thiên tai và biến đổi khí hậu tại huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình” đã có công việc, thu nhập, ổn định cuộc sống.

Người khuyết tật được hỗ trợ phát triển kinh tế

Đối tượng NKT có sức khỏe yếu, thiếu kỹ năng làm kinh tế, thiếu vốn...lại bị ảnh hưởng kép bởi thiên tai, biến đổi khí hậu nên cuộc sống của họ và gia đình gặp khó khăn. Với mục tiêu giúp NKT và gia đình nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, từng bước ổn định cuộc sống, với sự tài trợ của Tổ chức Phát triển quốc tế - CBM và Tổ chức ActionAid Việt Nam (AAV), Quỹ Hỗ trợ chương trình dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) đã triển khai dự án “Thúc đẩy phát triển hòa nhập của NKT và xây dựng cộng đồng thích ứng với thiên tai và biến đổi khí hậu tại huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình”. Dự án được thực hiện với 3 mô hình: Sinh kế theo chuỗi giá trị do NKT làm chủ; Nhà tránh trú đảm bảo tiếp cận cho NKT; Ban phòng chống thiên tai có sự tham gia của thành viên là NKT.

Dự án “Thúc đẩy phát triển hòa nhập của NKT và xây dựng cộng đồng thích ứng với thiên tai và biến đổi khí hậu tại huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình” giúp người khuyết tật và gia đình nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, từng bước ổn định cuộc sống.
Dự án “Thúc đẩy phát triển hòa nhập của NKT và xây dựng cộng đồng thích ứng với thiên tai và biến đổi khí hậu tại huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình” giúp người khuyết tật và gia đình nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, từng bước ổn định cuộc sống.

Mô hình sinh kế theo chuỗi giá trị do NKT làm chủ được thực hiện tại các xã của huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình theo chuỗi giá trị đảm bảo thị trường đầu ra ổn định, với những bước đi phù hợp. Dự án phối hợp với địa phương và đại diện chi hội NKT Nho Quan và những người có nhu cầu tham gia và thực hiện mô hình để tiến hành khảo sát thị trường nhằm lựa chọn mô hình phù hợp với sức khỏe của NKT. Bước tiếp theo là NKT chủ động xây dựng các tổ nhóm thực hiện mô hình. Về phía dự án hỗ trợ đào tạo nghề cho NKT và người nhà của NKT; hỗ trợ nguồn lực để NKT thực hiện mô hình sinh kế; xây dựng nhãn hiệu sản phẩm; hỗ trợ thành lập các hợp tác xã (HTX) và đào tạo nâng cao năng lực quản lý, vận hành, marketing sản phẩm, sử dụng mạng xã hội và các trang thương mại điện tử để quảng bá cũng như bán sản phấm.

Khi tham gia Dự án, những NKT còn được tiếp cận thị trường, đàm phán với các công ty về cách thức phối hợp trong sản xuất, nguồn nguyên liệu, giá sản phẩm. Sau khi ký kết hợp đồng, các HTX có NKT và người nhà của họ sản xuất hàng hóa theo đơn đặt hàng đã được ký kết với bên thu mua và cung cấp sản phẩm; bao gồm cả đơn hàng cho các công ty và khách lẻ.

Kết quả không chỉ dừng lại trong dự án

Dự án án “Thúc đẩy phát triển hòa nhập của NKT và xây dựng cộng đồng thích ứng với thiên tai và biến đổi khí hậu tại huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình”, sau 4 năm triển khai (2018 – 2021), đến nay đã có 3 mô hình sinh kế được duy trì: HTX Đan bèo bồng xuất khẩu, HTX Nuôi ong lấy mật, HTX May mặc, với tổng kinh phí 1,5 tỷ đồng để xây dựng và phát triển. Bên cạnh đó, Dự án có nhiều hỗ trợ bằng tiền, tập huấn, kết nối thị trường, trang thiết bị sản xuất, để sau ba năm thành lập, 133 thành viên của HTX đi từ không đến có thu nhập 800.000 đồng - 3 triệu đồng/người/tháng. Trong đó, HTX May mặc mang đến thu nhập bình quân 80.000 - 100.000 đồng/người/ngày; cao nhất khoảng 150.000 đồng – 180.000 đồng/người/ngày. HTX Thủ công mỹ nghệ bèo bồng tạo ra thu nhập bình quân từ 1,8 triệu đến 2,5 triệu đồng/người/tháng. Các thành viên HTX Nuôi ong lấy mật đã có thu nhập thêm từ 500.000 đồng – 800.000 đồng/người/tháng.

Khi tham gia vào các Hợp tác xã May mặc, Thủ công mỹ nghệ bèo bồng, Nuôi ong lấy mật, những người khuyết tật có thu nhập 800.000 đồng - 3 triệu đồng/người/tháng.
Khi tham gia vào các Hợp tác xã May mặc, Thủ công mỹ nghệ bèo bồng, Nuôi ong lấy mật, những người khuyết tật có thu nhập 800.000 đồng - 3 triệu đồng/người/tháng.

HTX May mặc với 3 xưởng may đặt tại 2 xã Thạch Bình, Cúc Phương được đánh giá là mô hình sinh kế nổi bật giúp nhiều chị em NKT có công ăn việc làm ổn định, thu nhập đều đặn để chủ động kinh tế cho mình và gia đình. Chị Đinh Thị Yến – Giám đốc HTX May mặc Cúc Phương chia sẻ: Trước khi thành lập HTX, tôi không có công việc ổn định, chị em khuyết tật không làm được việc gì. Lúc mới vào làm nghề may, tay nghề của chị em còn yếu nên sản phẩm làm ra không được đối tác chấp nhận. Nhưng sau đó, Ban dự án hỗ trợ đào tạo 3 tháng, bây giờ tay nghề của chị em được nâng lên, may được nhiều mặt hàng khó. Với mức thu nhập 80.000 – 100.000 đồng/người/ngày, chị em khuyết tật vừa kiếm được tiền, chăm lo cho con cái nên tinh thần thoải mái, phấn khởi.

Khi HTX May mặc phát triển đã thu hút được số lượng tham gia ngày càng nhiều hơn. Từ lúc mới thành lập, HTX May mặc Cúc Phương chỉ có 14 hội viên là NKT và người nhà của NKT, đến thời điểm này đã tăng thành 26 người. “Bản thân tôi hy vọng có nhiều dự án hay trong tương lai để những NKT trong cả nước được tham gia và tỏa sáng hơn nữa, có công ăn việc làm nuôi được bản thân và giảm bớt gánh nặng trong gia đình” – chị Đinh Thị Yến mong muốn.

Chia sẻ về 4 kết quả lớn mà Dự án đạt được, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Chương trình dự án an sinh xã hội Việt Nam Tạ Việt Anh khẳng định: Tạo sinh kế cho NKT là sự phát triển mang tính bền vững. Những kết quả này không chỉ dừng lại trong khuôn khổ Dự án đã kết thúc mà nó tiếp tục phát triển và có tác động rất lâu dài đến cuộc sống của NKT, phụ nữ khuyết tật, người dân tộc thiểu số cũng như người dân địa phương. Đây là dấu mốc rất quan trọng trong quá trình phát triển của AFV và mở ra những hướng đi mới cho hoạt động của chúng tôi.