Những ngân hàng triền miên không cổ tức

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong nhiều năm qua, một số ngân hàng thương mại cổ phần đã khiến cổ đông phiền lòng khi triền miên không cổ tức. Mùa ĐHCĐ 2015 điều này lại tiếp tục diễn ra.

Cuối tuần qua, Ngân hàng Phát triển TP HCM (HDBank) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2015. Cũng như tại các ngân hàng khác, một nội dung mà cổ đông quan tâm là chính sách cổ tức.

HDBank dự kiến chia cổ tức 5% bằng cổ phiếu. Một số cổ đông có nguyện vọng được nhận bằng tiền mặt, còn bằng cổ phiếu thì “thiệt thòi”, khi tỷ lệ nhận được thấp hơn nhiều so với lãi gửi tiết kiệm. Dù vậy, 5% cũng là một kết quả đáng kể cho năm đầu tiên HDBank tập trung kiện toàn bộ máy và hoạt động sau khi sáp nhập Ngân hàng Đại Á.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Tại Ngân hàng Nam Á (Nam A Bank), sau khi Ngân hàng Nhà nước xem xét, tỷ lệ cổ tức chi trả chỉ được ở mức 4%, dù Hội đồng Quản trị có ý muốn cao hơn, tới 9% cho các cổ đông nhỏ lẻ…

Chỉ 4%, nhưng mức chi trả của Nam A Bank đã đứng thứ hai nhóm ngân hàng có trụ sở ở TP HCM trả cổ tức bằng tiền mặt, tính đến cuối tuần qua. Một số trường hợp đã được Ngân hàng Nhà nước xét cho chi trả chỉ 1,5%, 3,5%, hay chỉ 2,4% ngân hàng ở địa bàn khác…

Về tổng thể, ước tính có khoảng 50% ngân hàng thương mại cổ phần không thể trả cổ tức cho cổ đông hoặc có tỷ lệ cực thấp như trên. Theo đó, đây là năm kém cỏi nhất của hệ thống kể từ kỳ khó khăn bộc lộ suốt năm 2012 đến nay, trong việc đáp ứng mong mỏi của cổ đông.

Dĩ nhiên, cũng có một số thành viên được chi trả cổ tức cao hơn lãi suất tiết kiệm, từ 8% - 10%, nhưng chủ yếu có ở các “ông lớn” quốc doanh như VietinBank, Vietcombank, BIDV hay một số ngân hàng cổ phần có kết quả kinh doanh khá và ổn định như MB, Sacombank, VIB…

Kết quả mùa chi trả cổ tức năm nay của các ngân hàng có tác động lớn từ sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước. Đây là năm đầu tiên nhà điều hành trực tiếp khống chế và xét duyệt các mức chi trả cụ thể của từng thành viên, mà một lý do chính là dự phòng nguồn để nâng cao năng lực tài chính và xử lý nợ xấu.

Nhưng, nguyên nhân chính vẫn là khó khăn trong hoạt động nói chung. Điều này thể hiện rõ ở một loạt ngân hàng có kết quả kinh doanh hạn chế năm qua hoặc đang trong quá trình tái cơ cấu như Eximbank, SeABank, PG Bank, Southern Bank, GP.Bank, OceanBank…

Mặc dù năm 2014, một số thành viên đã nỗ lực trở lại ở chỉ tiêu lợi nhuận, như Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank) và Ngân hàng Tiên Phong (TPBank), nhưng đây cũng chính là những trường hợp triền miên không có cổ tức trong nhiều năm qua.

Tương tự, cổ đông của Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank) cũng đã 4 năm liền không được biết đến cổ tức. Hay tại những thành viên trẻ như VietBank, Baoviet Bank, chính sách cổ tức tốt hơn vẫn chờ đợi ở tương lai…

Tương lai gần nhất là năm 2015. Tại phần lớn các ngân hàng nói trên, dự kiến sẽ tiếp tục nối dài chuỗi không cổ tức. Một phần do có thể “hòa tan” vào ngân hàng khác theo kế hoạch sáp nhập; một phần do chỉ tiêu cổ tức vẫn vắng mặt trong báo cáo trình đại hội đồng cổ đông; hoặc vẫn phải chờ chính sách xét duyệt của Ngân hàng Nhà nước.

Nói cách khác, nhiều cổ đông ngạch ngân hàng có thể sẽ phải tiếp tục kéo dài chuỗi những năm không có thu từ đồng vốn đã đầu tư, hoặc chỉ nhận được những mức “bọt bèo”./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần