Những ngày ở nhà luyện thở phục hồi sau nhiễm Covid-19

Nguyễn Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau những ngày bị nhiễm SARS-CoV-2, tôi cũng không quá lo lắng, vì bản thân đã tiêm ngừa hai mũi vaccine và có sức khỏe khá tốt dù tuổi khá lớn trên 50. Tuy nhiên, virus quái ác này tấn công vào phổi nên gây ra nhiều hệ lụy với hệ hô hấp.

Những ngày tập thở

Khi đã xác dịnh bị nhiễm virus SARS-CoV-2, tôi được cho về nhà tự cách ly và tự điều trị, bởi sức khỏe của tôi khá ổn và tái lượng virus khá thấp (CT xấp xỉ 30). Tuy nhiên, tôi xác định được rằng để hồi phục sức khỏe không phải đơn giản. Điều đầu tiên là chú ý đến yếu tố tinh thần, phải lạc quan, phải tin rằng bên cạnh mình còn có chính quyền, có người thân sẵn sàng… giúp đỡ. Bên cạnh đó là chế độ ăn uống, nghỉ ngơi và tập luyện...

Trong tập luyện, tôi chú ý đến tập thở và đã chọn được một bài tập phù hợp. Đó là bài luyện thở với tư thế Ngồi hoa sen, được bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ (Giảng viên Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh) giới thiệu trên trang Facebook cá nhân.
 Các động tác trong bài tập thở, lần lượt từ trái qua là giữ hơi mở thanh quản; dao động thân qua lại 2-6 cái (hình giữa) và thở ra bằng cách vặn chéo thân mình ngó ra phía sau bên phải hoặc trái.
Lúc này sức khỏe của tôi không được tốt, đứng lên phải vịn vào thành giường, khi xoay trở không dám mạnh vì các cơ rất yếu; thở không dám thở mạnh vì thở mạnh bị ho. Tôi xác định chỉ tập thở khi sau 2 tuần đã xét nghiệm lại RT-PCR với CT >30 hay âm tính. Lúc này cơ thể đã ổn triệu chứng mới tập, chứ không tập ngay khi mới bị nhiễm và sức khỏe còn yếu với nhiều triệu chứng diễn biến phức tạp. Xin nói thêm, một số bác sĩ giàu kinh nghiệm và từng trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Covid cho biết những di chứng vẫn tiếp tục còn sau khi nhiễm Covid-19 là hiện tượng đang được các nhà khoa học nghiên cứu. Nhiều bệnh nhân Covid-19, dù nhẹ hay nặng, kể họ vẫn bị triệu chứng hành hạ nhiều tháng sau khi xét nghiệm âm tính với virus, bao gồm khó thở, cơ bắp yếu, tâm thần không ổn... Người bệnh cần thời gian và sự chăm sóc phù hợp để hồi phục bao gồm chế độ dinh dưỡng, vận động, dùng thuốc…

Bài tập tôi áp dụng

Như đã nói, đây là bài tập tôi áp dụng qua sự giới thiệu, hướng dẫn của bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ.

Động tác Ngồi hoa sen ở đây là tập trong tư thế ngồi, rất nhẹ nhàng, tư thế vững chắc, không sợ té ngã, phù hợp với khả năng hồi phục, không cần sử dụng thêm các dụng cụ tập gì. Bài này có các động tác phù hợp để luyện thở, làm tăng sức thở cho người mới tập; làm cột sống được thẳng, giãn ra là một điều kiện thuận lợi cho hô hấp. Ngoài ra, ngồi hoa sen là một tư thế giúp tập trung tinh thần (cho nên ngồi thiền hay ngồi ở tư thế này). Các khớp chi dưới cũng được giãn ra.

Khí huyết lưu thông làm ấm toàn bộ cột sống với mục đích: Hồi phục sức thở, tăng sức cơ, ổn định tâm thần. Bài tập Ngồi hoa sen tôi tập là động tác đơn giản nhất, dễ tập nhất trong chuỗi các động tác của Yoga khí công. Nếu sức khỏe cho phép và cảm thấy phù hợp, các bạn có thể tập thêm các động tác khác.

Trong tư thế ngồi hoa sen, toàn bộ cột sống được khí huyết lưu thông, ấm cả cột sống, thần kinh giao cảm và phó giao cảm hoạt động tốt, từ đó cải thiện được sức khỏe. Cách thực hiện: Xếp bằng kép hai bàn chân bắt chéo, lòng bàn chân ngửa lên trên. Nếu không ngồi được thì ngồi nửa hoa sen (xếp bằng đơn). Hai bàn tay để lên 2 đầu gối, lưng thẳng rồi bắt đầu thở. Hít vào tối đa, ưỡn lưng được càng tốt, giữ hơi mở thanh quản (bằng cách hít thêm), đồng thời dao động thân qua lại 2 - 6 lần, thở ra quay đầu qua bên trái, đuổi hết khí trọc trong phổi ra, rồi lại bắt đầu một hơi thở thứ hai thở ra và quay đầu qua phải sau đó làm tiếp tục; làm từ 2 - 4 lần; hoặc nhiều hơn tùy sức khỏe.

Bác Vũ cũng lưu ý cho người tập: Nên tập tư thế nằm nếu cơ thể yếu. Cần tập vừa sức. Nên cố gắng để tập đúng phần giữ hơi mở thanh quản vì đây là phần trọng tâm của động tác. Cần hít thở đúng để tăng cường hô hấp đưa không khí vào sâu tận đáy phổi. Giữ hơi mở thanh quản thì hõm cổ lõm, các cơ vùng ngực bụng luôn giữ được độ căng: Tập đúng. khi bắt đầu dao động thì bắt đầu hít vào luôn, trong quá trình dao động vẫn liên tục hít vào, khi kết thúc dao động mới thở ra. Như vậy là giữ được nguyên tắc thở "giữ hơi mở thanh quản". Nếu tập lâu ngày đã quen với cách thở, các cơ hô hấp vùng ngực bụng đã mạnh thì có thể hít vào trước rồi tiếp tục giữ hơi trong lúc dao động. Lưu ý thêm, để có tác dụng thì cần tập đều chứ không phải tập nhiều, và hít bằng mũi thở ra bằng mũi. Tập đều, 2 lần sáng chiều, mỗi lần 15 - 30 phút. Đây là điểm khó nhất của Khí công - Yoga, nó đòi hỏi tính kiên trì và kỷ luật cao thì thành quả đạt được rất ngọt ngào, xứng đáng cho người kiên nhẫn. Với tôi cũng vậy, qua tập nhiều ngày, sức khỏe bệnh nhân đã cải thiện, tương đối bình ổn, đã gần như hết các triệu chứng.

Chỉ chú ý là 2 tuần đầu để nghe cơ thể lên tiếng và điều chỉnh triệu chứng thích hợp; 2 tuần sau tập luyện nhẹ nhàng để ổn định cơ thể; các tuần tới tập tăng tiến để cơ thể hòa nhập cuộc sống hướng người bệnh về với bình thường.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần