Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những ngôi làng "mất ngủ" vì bệnh ghẻ

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Hàng trăm ca mắc ghẻ, người lớn có, trẻ con có khiến cuộc sống tại nhiều ngôi làng của người đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Ngãi bị đảo lộn.

Bỏ làng vào rừng trốn... ghẻ

Trưa nắng, chị Hồ Thị Hiền (35 tuổi, thôn Tang, xã Trà Bùi, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi) cố dỗ dành đứa con nhỏ mới 10 tháng tuổi đang khóc ngằn ngặt. Trên cơ thể bé nhỏ của con chị Hiền đầy những nốt ghẻ sần sùi, nốt mới xen nốt cũ.

Nốt ghẻ dày đặc trên cơ thể một em bé.
Nốt ghẻ dày đặc trên cơ thể một em bé.

"Cả làng nhà nào cũng bị ghẻ, nhà tôi 4 người thì cả 4 mắc bệnh. Người lớn còn gãi, còn tắm nước lá, chứ trẻ nhỏ chẳng biết làm sao. Buổi tối ngứa khủng khiếp nhất nhưng lại không dám gãi mạnh, nốt ghẻ vỡ ra thì vừa ngứa vừa rát"- chị Hiền thở dài.

Ngồi thẫn thờ trên chiếc ghế nhựa, anh Đinh Văn Sơn (30 tuổi) một tay ôm con, một tay liên tục gãi chân. Bên cạnh anh, nhiều đứa trẻ khác cũng đang ngồi lê lết dưới nền đất, gãi sồn sột vào tay, chân, bụng... của chính mình.

“Lẽ ra giờ này đang đi rẫy nhưng vợ ở nhà đang bị ghẻ nặng, không có thời gian chăm con. Mình cũng bị nhưng đỡ ngứa rồi nên phải ở nhà giúp vợ”- anh Thành nói.

Nằm lưng chừng núi Cà Đam – ngọn núi cao hơn 1.400m so với mực nước biển, thôn Tang chưa bao giờ bị bệnh ghẻ tấn công như hiện nay.

Những nốt ghẻ đã khô trên bàn tay người lớn.
Những nốt ghẻ đã khô trên bàn tay người lớn.

Thôn có 66 hộ dân với hơn 280 nhân khẩu thì đến phân nửa trong số đó mắc bệnh ghẻ. Theo tìm hiểu, bệnh ghẻ xuất hiện từ sau Tết Nguyên đán và lây lan nhanh, người dân trong làng từ lớn đến bé đều phải gãi cả ngày lẫn đêm vì ngứa. Đáng thương nhất là những đứa bé mới vài tháng tuổi. Giữa núi cao, tiếng trẻ con khóc cứ vang vọng trong không gian.

Bệnh ghẻ hoành hành, người dân ở thôn Tang ngoài dùng các loại thuốc chữa trị bệnh ghẻ do y tế cung cấp, họ còn hái các loại lá cây rừng như sim, ổi… nấu chín, để nguội rồi tắm, với hy vọng căn bệnh khó chịu này sớm qua đi.

Sợ bệnh ghẻ, một số người lại bỏ làng vào rừng, lập lán ở tạm để “trốn”, tiêu biểu là gia đình anh Hồ Văn Đậu (36 tuổi). Nhà anh Đậu có 6 người, trừ đứa con đầu đang học ở trung tâm xã không mắc bệnh thì cả 5 người còn lại "dính" ghẻ. Bệnh cứ lây qua lây lại mà không bớt hẳn. Quá mệt mỏi nên cả tuần nay, anh Đậu đưa gia đình vào rừng sống tạm. Khi nào có bác sĩ, nhân viên y tế đến làng, anh mới đưa cả nhà về để khám và nhận thuốc.

Trong khi bệnh ghẻ ở thôn Tang (xã Trà Bùi) vẫn chưa dứt hẳn thì vào đầu tháng 4/2023, xã Trà Thanh (huyện Trà Bồng) lại ghi nhận 19 trường hợp bệnh ghẻ ở 3/4 thôn gồm thôn Môn, thôn Cát, thôn Gỗ.

CDC Quảng Ngãi cấp thuốc điều trị bệnh ghẻ cho người dân xã Trà Thanh.
CDC Quảng Ngãi cấp thuốc điều trị bệnh ghẻ cho người dân xã Trà Thanh.

Sau đó, đoàn công tác của CDC tỉnh Quảng Ngãi tổ chức khám bệnh tại xã Trà Thanh và phát hiện, trong số hơn 200 người dân được khám thì có đến 170 người mắc bệnh ghẻ.

 Tập trung phòng chống dịch trong trường học

Trước những diễn biến phức tạp và có chiều hướng khó lường của bệnh ghẻ, ngành giáo dục huyện Trà Bồng chủ động thực hiện nhiều biện pháp để hạn chế bệnh lây lan.

Công tác phòng chống bệnh ghẻ trong trường học được chú trọng.
Công tác phòng chống bệnh ghẻ trong trường học được chú trọng.

Theo thầy giáo Trương Quang Kỳ - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc Tiểu học và THCS Trà Bùi, từ những ngày đầu tháng 3, trường cùng với y tế địa phương tổ chức khám, cấp phát thuốc cũng như hướng dẫn cách vệ sinh cho học sinh toàn trường.

"Ở bậc THCS, có 8 trường hợp phát hiện bị bệnh ghẻ. Nhà trường bố trí cho các em ăn ở phòng riêng, hướng dẫn cách vệ sinh và đảm bảo các em được cấp phát thuốc điều trị đầy đủ nên tình trạng bệnh của các em tiến triển tốt”- thầy Kỳ chia sẻ.

Còn tại điểm lẻ Trường Mẫu giáo Trà Bùi, trong số 19 trẻ là con em của người dân thôn Tang đang được chăm sóc tại đây thì có 2 trường hợp mắc bệnh. Nhờ thực hiện đầy đủ hướng dẫn của cấp trên và ngành y tế,  các em đã khỏi bệnh và đến lớp bình thường.

“Trường sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến cho giáo viên, phụ huynh thực hiện đầy đủ các hướng dẫn cũng như điều trị của cơ quan y tế, không lơ là trong thực hiện để đảm bảo duy trì việc dạy và chăm sóc các em”- cô Nguyễn Thị Tâm – Hiệu trường Trường Mẫu giáo Trà Bùi cho biết.

Theo bà Đinh Thị Thu Hương – Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trà Bồng, phòng quán triệt chung toàn ngành thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn của ngành y tế, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để thực hiện đồng bộ các biện pháp hạn chế tình trạng bệnh lây lan.

“Các trường phải ưu tiên thực hiện khâu đảm bảo vệ sinh trường lớp, nhất là các trường nội trú, bán trú. Theo dõi sát diễn biến của bệnh này, trường hợp bệnh có dấu hiệu xấu, ngành giáo dục huyện sẽ tham mưu kịp thời cho UBND huyện để có biện pháp xử lý”- bà Hương nói.

Nhiều khó khăn trong chống dịch

Xã Trà Bùi và xã Trà Thanh đều là những địa bàn xa xôi, cách trở với phần đông người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, nhận thức còn nhiều hạn chế… là những khó khăn đang gặp phải trong công tác phòng chống bệnh ghẻ.

Công tác phòng, chống bệnh ghẻ ở các vùng đặc biệt khó khăn gặp nhiều bất lợi.
Công tác phòng, chống bệnh ghẻ ở các vùng đặc biệt khó khăn gặp nhiều bất lợi.

Trong đó, thôn Tang (xã Trà Bùi) có địa hình phức tạp, đường núi dốc đứng, gồ ghề nên dù cách trung tâm xã Trà Bùi khoảng 13km nhưng phải mất đến 2 giờ liền đi xe máy mới đến nơi. Còn vào mùa mưa, thôn Tang gần như biệt lập, ra vào thôn mất cả buổi lội bộ băng rừng.

"Lên thôn Tang phụ nữ không tự lái xe được đâu, phải cánh đàn ông mới đi nổi. Mấy đoàn từ huyện, tỉnh về xử lý dịch ghẻ đều phải nhờ thanh niên địa phương chở đi" - ông Hồ Văn Ba- Chủ tịch UBND xã Trà Bùi cho biết.

Đường lên thôn Tang rất khó đi.
Đường lên thôn Tang rất khó đi.

Trà Thanh cũng là xã đặc biệt khó khăn của huyện Trà Bồng, cách Trung tâm Y tế huyện khoảng 20km. Trong xã gồm có 4 thôn với 523 hộ và 2.523 khẩu, trên 98% là người đồng bào dân tộc thiểu số. Với những đặc thù trên, công tác phòng chống bệnh ghẻ ở các địa phương này gặp nhiều khó khăn. Riêng tại thôn Tang, dù bệnh ghẻ được báo cáo từ ngày 8/3, nhưng mãi đến 14/3 Trạm y tế xã Trà Bùi mới cử được lực lượng lên nắm tình hình.

Sau đó, các đoàn y tế của huyện, xã và CDC Quảng Ngãi tổ chức kiểm tra, tổ chức khám, cấp phát thuốc điều trị bệnh. Đồng thời, hướng dẫn người dân thực hiện vệ sinh cá nhân, khử trùng quần áo vệ sinh nhà ở sạch sẽ, tránh tiếp xúc trực tiếp giữa da với da hoặc tiếp xúc với đồ dùng của những người bị ghẻ.

Dù không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng ghẻ là bệnh lý có khả năng lây rất nhanh từ người này sang người khác, dễ thành dịch trong cộng đồng. “Chủ động vệ sinh cá nhân, nhà ở sạch sẽ là biện pháp hữu hiệu để phòng chống bệnh ghẻ, vì sức khỏe và hạnh phúc của bản thân, gia đình và cộng đồng’’- Giám đốc Trung tâm y tế huyện Trà Bồng Hồ Văn Toàn cho hay.

Trước tình hình số ca mắc bệnh ghẻ tại các địa phương đặc biệt khó khăn gia tăng, UBND huyện Trà Bồng cũng chỉ đạo các cơ quan, chức năng tiếp tục theo dõi, tăng cường phòng chống bệnh ghẻ, nhất là trong thời điểm bệnh dễ phát sinh như hiện nay.

Xã Trà Bùi và xã Trà Thanh, cử cán bộ thường xuyên gieo dõi, giám sát, hỗ trợ, phối hợp trong công tác điều trị của ngành y tế tại địa phương. Trường hợp vượt quá khả năng kiểm soát thì báo cá o về UBND huyện để có hướng chỉ đạo.