Nơi sinh tử mong manh như sợi tóc
Trái ngược với tiếng ồn ào ở các phòng bệnh thông thường, tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc chỉ có tiếng tít tít phát ra từ những chiếc máy thở và tiếng bước chân vội vàng của đội ngũ y bác sĩ. Mỗi phút giây trôi qua, tại đây như một cuộc chiến cam go giữa các y bác sĩ và tử thần, dù còn một chút hi vọng, các bác sĩ vẫn quyết tâm giành về sự sống cho bệnh nhân.
BS CKII Dương Thiện Phước, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết: Phòng hồi sức tích cực là nơi tiếp nhận chữa trị cho các bệnh nhân nặng hoặc những người cần được chăm sóc đặc biệt. Bệnh nhân vào phòng này, 8 phần cửa tử, 2 phần sống; sự sống và cái chết ở khoa hồi sức mong manh như sợi tóc.
Hiện nhân lực của khoa có 48 cán bộ nhân viên, trong đó có 17 bác sĩ và 31 điều dưỡng túc trực ngày đêm để điều trị và chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân. Vì bệnh viện đa khoa khu vực tỉnh được quy định là tuyến Trung ương nên Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc không chỉ tiếp nhận điều trị bệnh nhân nặng của các chuyên khoa khác trong bệnh viện, mà còn tiếp nhận những trường hợp bệnh nhân có bệnh lý phức tạp đến từ các cơ sở y tế khác trong khu vực. Chính vì thế các y bác sĩ phải cố gắng hết sức để có thể đáp ứng được công tác điều trị thường xuyên quá tải do lượng bệnh nhân ngày càng tăng.
Để thực hiện việc cứu người, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc đã ứng dụng tất cả kỹ thuật hiện đại cho bệnh nhân như: Máy trợ thở kỹ thuật cao, máy theo dõi huyết động xâm lấn, máy lọc máu liên tục, hệ thống ECMO...
“Vì là nơi tiếp nhận những bệnh nhân có tình trạng bệnh nặng và nguy kịch nên các bác sĩ của khoa luôn chịu áp lực rất lớn; đòi hỏi bác sĩ cần có chuyên môn cao, bất kỳ sự sai sót nhỏ nào cũng khiến bệnh nhân, tử vong”, bác sĩ Phước nói.
Một bác sĩ trong Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc chia sẻ: Dù áp lực công việc rất lớn, nhưng các bác sĩ trong khoa vẫn chiến đấu tới cùng với tử thần, để giành về sự sống cho bệnh nhân. Ngay cả khi bệnh nhân và gia đình từ bỏ, thì các bác sĩ vẫn quyết tâm “còn nước còn tát”.
Điển hình như một trường hợp bệnh nhân (23 tuổi, tại Vĩnh Long) nhập viện cấp cứu do tai nạn giao thông, gãy xương cẳng chân trái. Tuy nhiên, sau 15 giờ nhập viện, bệnh nhân bị suy hô hấp nặng hơn kèm ho ra máu, tiên lượng rất nặng nên lại chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc để điều trị chuyên sâu. Trong 10 ngày tiếp theo, bệnh nhân được điều trị tích cực nhưng tình trạng bệnh nhân không cải thiện hơn, vẫn sốt cao.
“Gia đình bệnh nhân nghĩ hết hi vọng rồi nên quyết định xin ngừng điều trị, để đưa bệnh nhân về. Tuy nhiên, chúng tôi đã động viên gia đình nên để bệnh nhân tiếp tục điều trị với tinh thần chiến đấu tới cùng, “còn nước còn tát”, vị bác sĩ này chia sẻ.
Kết quả, đến ngày điều trị thứ 23, các bác sĩ cùng gia đình đã vỡ òa trong niềm vui và hạnh phúc khi nhận thấy sự tiến triển tích cực của bệnh nhân.
Cuộc chiến cam go với tử thần
Trong cuộc chiến khốc liệt với đại dịch Covid-19 vừa qua, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ được chỉ đạo thành lập Trung tâm Hồi sức tích cực Quốc gia Covid-19. Lúc này, chịu trách nhiệm chính của Trung tâm là các bác sĩ của Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc. Những chiến binh của khoa đã không ngại khó khăn, dũng cảm vào tâm dịch và sẵn sàng chiến đấu.
Là người trực tiếp tham gia vào công tác điều trị bệnh nhân, Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Hoàng Du - Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc chia sẻ: Lúc đỉnh điểm của dịch, tại khu điều trị của trung tâm luôn chật kín bệnh nhân nguy kịch, các máy móc, phương pháp điều trị kỹ thuật cao như máy lọc máu liên tục, kỹ thuật ECMO được thực hiện với cường độ cao, có lúc quá tải. Các bác sĩ tại khoa luôn phải túc trực 24/24 ở bệnh viện, trong tâm thế luôn sẵn sàng, vì bệnh nhân tại khoa lúc nào cũng có nguy cơ tử vong.
“Thời điểm đó, con trai tôi đang bị gãy chân phải, bó bột và bị Covid-19, nhưng gia đình vẫn động viên để tôi yên tâm hỗ trợ chống dịch ở tỉnh Đồng Tháp”, bác sĩ Du nói.
Chia sẻ về kỷ niệm đáng nhớ nhất trong những lần “canh cửa tử”, bác sĩ Du cho biết: Hơn 10 năm công tác trong nghề, mặc dù đối diện thường xuyên với chuyện sinh tử của bệnh nhân nhưng đây là lần đầu tôi cảm nhận được sự lo lắng, bất an của bản thân khi tiếp nhận, điều trị cho một thai phụ đang ở 3 tháng cuối thai kỳ, bị nhiễm Covid-19. Bệnh nhân được chuyển từ Bệnh Viện Đa Khoa Sa Đéc sang Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ trong tình trạng suy hô hấp nặng, tiên lượng nguy cơ tử vong cao cả mẹ và con.
Bác sĩ Du kể: “Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh thai phụ trẻ xin các bác sĩ cố gắng cứu con mình. Đây là ca nhiễm Covid -19 đầu tiên trung tâm tiếp nhận khiến tôi và đồng nghiệp rất lo lắng nên sau khi tiến hành hội chẩn trực tuyến với các chuyên gia đầu ngành của Bệnh viện Chợ Rẫy, ê kip đã quyết định mổ cấp cứu để cứu cháu bé; đồng thời, đặt ECMO cho người mẹ. May mắn, sau 10 ngày điều trị tích cực, hai mẹ con đã được xuất viện khỏe mạnh.
"Những lần giành được sự sống cho bệnh nhân chính là niềm vui, nguồn động viên để tôi cùng đồng nghiệp tiếp tục cống hiến cho ngành y”, bác sĩ Nguyễn Hoàng Du nói.
Đại diện Ban Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết: Ban Giám đốc bệnh viện luôn ghi nhận và động viên các bác sĩ, điều dưỡng của Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc vì họ luôn âm thầm làm việc và cống hiến với tinh thần kiên cường để cứu sống bệnh nhân nặng, nguy kịch. Sự nhiệt huyết của bác sĩ, điều dưỡng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc là nguồn động lực để các thầy thuốc tiếp tục nâng cao năng lực chuyên môn, thực hiện tốt sứ mệnh chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.