Những người hồi hương quá giờ “đóng cửa”

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Ngay trước thời điểm Quảng Ngãi ngưng đón công dân trở về từ vùng có dịch, vẫn còn những chiếc xe tăng tốc, xuyên màn đêm để kịp giờ hồi hương.

Vừa tỉnh giấc sau giấc ngủ mê man vì kiệt sức bởi chặng đường dài từ TP Hồ Chí Minh về Quảng Ngãi, 2 anh em Võ Văn Công và Phạm Ngọc Thuận (cùng ngụ thôn 3 xã Nghĩa Dõng, TP Quảng Ngãi) thở phào nhẹ nhõm: "Cuối cùng đã đặt chân lên mảnh đất quê hương!". Mắt của các chàng thanh niên ngoài đôi mươi vẫn còn đỏ và sưng húp vì nắng nóng, vì gió bụi đường xa.
 Võ Văn Công và Phạm Ngọc Thuận đang chờ được đưa đi cách ly tập trung.
Công và Thuận rời quê vào TP Hồ Chí Minh mưu sinh ngót nghét đã 2 năm. Rồi dịch ập tới, xưởng cơ khí đóng cửa, mất chỗ làm việc lẫn chỗ ở, 2 anh em ráng bám trụ lại nhưng mỗi lúc một khó khăn, tiền dành dụm cứ vơi dần.
“Tụi mình không phải anh em ruột nhưng cùng quê, rồi vào Sài Gòn làm ở xưởng gần nhau. Lần khần mãi chuyện về quê nhưng nghe thông tin tỉnh ngừng đón công dân từ 1/8 nên quyết định đi làm xét nghiệm Covid-19. Tới 10 giờ ngày 31/7 thì khởi hành, đi ghép cùng với đoàn xe máy tỉnh Bình Thuận chạy ra khỏi địa phận TP Hồ Chí Minh”, Võ Văn Công kể lại.
Dọc đường đi, 2 anh em luân phiên đổi người lái để đỡ mệt. Nhưng rồi xe chạy gần tới khu vực Đèo Cả, tỉnh Phú Yên thì bị xịt lốp. Hàng quán xung quanh chẳng có, 2 anh trơ trọi giữa đường với nỗi lo không về kịp giờ mỗi lúc một lớn dần. “Loay hoay một lúc lâu thì có người cũng chạy xe máy về quê dừng lại vá giúp. Vội quá nên không kịp hỏi tên xem bạn ấy tên gì, cùng nhau sửa cho xong rồi lại lên đường”, Phạm Ngọc Thuận chia sẻ.
Cố chạy nhanh hết khả năng, Công và Thuận về tới chốt kiểm dịch Bình Đê lúc đồng hồ đã điểm 0 giờ 15 phút ngày 1/8. “Lực lượng kiểm dịch nghiêm mặt nói với tụi em là có biết quá giờ rồi không? Thật ra tụi em đã cố hết sức rồi nhưng vẫn về trễ 15 phút, nếu xe không hư giữa đường thì tụi em không trễ đâu. Năn nỉ mãi rồi cũng được cho vào khu vực chờ đưa đi cách ly”, Võ Văn Công vẫn không giấu được sự hồi hộp, kể lại.
 Khu vực nhà chờ để đưa đi cách ly tập trung ở chốt kiểm dịch Bình Đê.
Khu vực chờ đi cách ly tập trung tại chốt kiểm dịch đèo Bình Đê (xã Phổ Châu, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) sáng 1/8 rất thưa vắng, khác hẳn tình trạng đông đúc, quá tải như những ngày trước. Ở một góc trại được căng bạt để che nắng mưa, đại gia đình 9 thành viên gồm 4 trẻ nhỏ, 5 người lớn trở về từ tỉnh Bình Dương cũng vừa kết thúc chuyến đi “lịch sử”. Người nằm lăn ra ghế để nghỉ ngơi, người tranh thủ đút cho tụi nhỏ vài thìa cháo cho lại sức.
 Người nhà anh Nguyễn Thanh Hầu mệt mỏi sau chặng đường dài.
“Cùng nhà nhưng thực chất là 2 gia đình nhỏ, anh em của nhau. Cả nhà đi vào phường Tân Uyên, thị xã Uyên Hưng, tỉnh Bình Dương bán hủ tiếu 6 năm rồi. Dịch bùng dữ quá nên không bán buôn, làm ăn gì được. Suốt ngày ở yên trong phòng trọ, không được ra ngoài, muốn đi chợ phải có chủ nhà đưa cho cái thẻ mới được đi. Ở lâu hết tiền nên cả nhà gồm 9 người, già trẻ lớn bé phải chở nhau về quê”, anh Nguyễn Thanh Hầu (41 tuổi, thị trấn Trà Xuân, huyện Trà Bồng) cho biết.
Chuyến hành trình của đại gia đình 9 người trên 3 xe máy gặp nhiều khó khăn và tốn thời gian gấp đôi so với những trường hợp khác. Có trẻ em, người già nên cứ đi một lúc là dừng lại nghỉ. Có lúc, tưởng như mẹ của anh Hầu là bà Ngô Thị Diệp (81 tuổi), không chịu đựng nổi.
 Bà Ngô Thị Diệp (81 tuổi) được con cháu chở từ Bình Dương về Quảng Ngãi bằng xe máy
“Tính ra là đi mất hết 3 ngày. Sáng 30/7 đi test Covid-19, trưa đó là về luôn. Cả nhà ít tiếp cận với thông tin nên cũng không biết là tỉnh Quảng Ngãi sẽ ngưng tiếp công dân từ ngày 1/8. Chừng đi tới giữa đường thì người thân gọi báo, nhưng lúc đó quay đầu cũng không được nữa. Dọc đường đi không có hàng quán nào bán đồ ăn thức uống. May mắn có nhiều trạm tiếp tế nên ghé vào nhận, sau đó tìm bóng cây, ăn uống, nghỉ ngơi rồi đi tiếp. Về tới chốt này đã gần 6 rưỡi sáng ngày 1/8”, chị Võ Thị Thương – vợ anh Hầu kể lại.
Tạm yên tâm khi về tới quê hương, chị Thương vẫn trông ngóng ngày trở lại Bình Dương: “Mong cho hết dịch rồi cả nhà lại vào, mình đi bán hủ tiếu, mấy đứa con đi học. Mấy đứa nó học trong đó từ nhỏ giờ, đứa lớn đã học lớp 5, đứa nhỏ lớp 2”, chị Thương bùi ngùi.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Võ Phiên, từ ngày 1/8, tỉnh ngưng tiếp nhận công dân người Quảng Ngãi về từ các tỉnh, TP đang có dịch Covid-19 theo bản đồ dịch tễ của Bộ Y tế. Tuy nhiên, một số trường hợp đặc biệt, lỡ chuyến thì vẫn được tiếp nhận, đưa đi cách ly tập trung. Trong sáng 1/8, tỉnh đã xử lý khoảng 20 trường hợp như thế.
“Hiện tại các chốt kiểm soát không còn tiếp nhận công dân Quảng Ngãi về từ vùng dịch nữa. Ngoài ra, thực hiện Công điện số 1063/CĐ-TTg ngày 31/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19, các tỉnh, thành đang giãn cách theo Chỉ thị 16 cũng tập trung kiểm soát “ai ở đâu ở đấy”, tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi tỉnh, thành phố nơi cư trú từ sau ngày 31/ 7 cho khi hết giãn cách nên có lẽ sẽ không còn trường hợp nào nữa”, ông Phiên thông tin.