Trong khi nhiều bà con nông dân tranh thủ ra đồng từ đêm hoặc sáng sớm, thì lực lượng công nhân ngành thủy lợi vẫn phải túc trực 24/24 giờ, vận hành tối đa hệ thống các công trình, lấy nước phục vụ gieo cấy lúa vụ Mùa. Trong khi đó, những chiến sĩ CSGT, công nhân môi trường đô thị… vẫn miệt mài với công việc, góp phần không nhỏ cho giao thông Thủ đô được thông thoáng và môi trường thêm sạch sẽ, văn minh.
Vừa chống nóng, vừa bảo đảm cho sản xuấtTrạm trưởng Trạm bơm Đồng Quan (huyện Sóc Sơn) Đỗ Bá Thắng cho biết, dù thời tiết nắng nóng, nhưng vào ca trực ban ngày, cán bộ, công nhân trạm bơm vẫn phải thường xuyên đi khảo sát dọc hệ thống kênh dẫn, sẵn sàng thực hiện việc nạo vét, khơi thông dòng chảy để bảo đảm nguồn nước đến được với ruộng đồng. Đến nay, trên 380ha canh tác lúa vụ Mùa thuộc các xã lân cận hồ Đồng Quan đang tiếp tục được bổ sung nguồn nước tưới dưỡng quan trọng…
|
Cảnh sát giao thông Hà Nội điều khiển giao thông giữa trời nắng tại nút giao Ô Chợ Dừa. Ảnh: Nguyễn Quý |
Còn trên toàn TP phần lớn trong tổng diện tích trên 91.000ha canh tác lúa vụ Mùa đã hoàn thành gieo cấy. Đây đang là giai đoạn cao điểm cấp nước phục vụ nhu cầu tưới dưỡng cho cây lúa. Nên “dù trời nắng nóng, nhưng không vì thế mà anh chị em nề hà gì, vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao, không để ruộng đồng thiếu nước…” - chị Nguyễn Phương Dung - công nhân trạm bơm Ấp Bắc (huyện Đông Anh) cho biết. Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội Chu Văn Tuấn, đến nay chưa ghi nhận bất cứ diện tích canh tác lúa vụ Mùa nào trên địa bàn TP bị khô hạn do thiếu nước sản xuất. Đơn vị vẫn đang đề nghị 5 DN thủy lợi tập trung cao độ cho việc vận hành hệ thống trạm bơm phục vụ lấy nước cho gieo cấy, đặc biệt là tưới dưỡng cho lúa Mùa. “Theo nhận định trong một vài ngày tới, thời tiết sẽ dịu mát và có mưa. Hy vọng điều này sẽ giúp “giải nhiệt” không chỉ cho đồng ruộng, mà còn cho cả đội ngũ cán bộ, công nhân ngành thủy lợi sau những ngày nắng nóng đỉnh điểm…” - ông Tuấn chia sẻ.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, chiều nay (6/7) có khả năng xuất hiện một vùng xoáy thấp trên khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa gây mưa dông với nguy cơ rất cao kèm dông sét, tố, lốc và gió giật mạnh. |
Trong khi đó, tại các DN cũng có nhiều giải pháp chống nóng để vừa bảo đảm sản xuất, vừa giữ sức khỏe cho người lao động. Giám đốc Công ty TNHH Trường Phúc Hưng Yên (thôn Phú Cốc, xã Quang Vinh, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) Nguyễn Đình Lập cho biết, Công ty được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2015 trên diện tích là 18.000m2, với 700 cán bộ công nhân viên.
Là công ty may sử dụng nhiều lao động nhưng do DN đã trang bị hệ thống làm mát dàn lạnh bằng nước hiện đại, có thể làm mát xưởng, luôn duy trì nhiệt độ thấp hơn bên ngoài khoảng 50C – 100C, tạo sự dễ chịu cho công nhân làm việc. Bên cạnh đó DN còn lắp đặt những máy nước cung cấp nước mát; áo bảo hộ mùa Hè, rộng rãi và thoải mái cho công nhân.
Những ngày nắng nóng, công ty thường làm thêm những món canh chua để công nhân dễ ăn hơn nhằm đảm bảo sức khỏe làm việc. Tất cả những vấn đề đó đều được lãnh đạo Công ty quan tâm với mục tiêu chăm sóc đến đời sống cán bộ, công nhân viên, để họ yên tâm làm việc và gắn bó lâu dài phát triển DN.
“Đội nắng” bảo đảm ATGTSáng 5/7, trên nút giao thông Ô Chợ Dừa – Nguyễn Lương Bằng đã ken đặc người và xe. Dù mới hơn 10 giờ sáng, nhưng trời đã nóng như đổ lửa. Tiếng còi xe, tiếng máy nổ... càng khiến cho bầu không khí trở nên ngột ngạt, oi bức. Cầm bộ đàm trên tay, Thượng úy Nguyễn Thanh Bình – cán bộ Đội CSGT số 3 (thuộc Phòng CSGT – CATP Hà Nội) sau khi quan sát thấy tình trạng giao thông lộn xộn bắt đầu xuất hiện, nhanh chóng tiến ra giữa nút giao thông để thực hiện việc phân luồng. Nhìn chiến sĩ CSGT đang làm nhiệm vụ giữa đường với cái nóng hơn 400C không hiểu vì sao Thượng úy Bình có thể chịu đựng được? Thường thì khi ra đường vào trời nắng nóng như thế này mọi người sẽ mặc đồ chống nắng, đeo kính dâm và đeo khẩu trang để tránh tiếp xúc trực tiếp với nắng và bụi bẩn.
|
Công nhân trạm bơm Ấp Bắc vận hành hệ thống cấp nước. Ảnh: Trọng Tùng |
“Tuy nhiên, CSGT chúng tôi khi làm nhiệm vụ bắt buộc phải mặc cảnh phục, không được đeo khẩu trang, đeo kính dâm hay bất cứ phương tiện chống nắng nào khác” - Thượng úy Bình chia sẻ. Ngoài điều kiện thời tiết khắc nghiệt, một trong những khó khăn nữa mà những chiến sĩ CSGT là tâm lý và ý thức của những người tham gia giao thông. Trời nắng nóng, mọi người cũng trở nên vội vã và liều lĩnh hơn. Những trường hợp vi phạm luật giao thông như vượt đèn đỏ, đi sai làn, chen lấn nhau cũng xuất hiện nhiều hơn. “Nhiều lúc cũng rất mệt mỏi nhưng xét cho cùng thì đó cũng là tâm lý dễ hiểu của mọi người. Chúng tôi phải tăng cường tuyên truyền, giải thích để mọi người hiểu hơn và chấp hành tốt hơn” - Thượng úy Bình cho hay.
Cần mẫn làm sạch từng con phốTrên đường Ô Chợ Dừa cũng là nơi làm việc của chị Nguyễn Thị Lâm (SN 1989, công nhân của Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO). Dưới trời nóng như đổ lửa, bóng dáng người nữ công nhân môi trường như càng trở nên nhỏ bé, khiêm nhường hơn. Một mình với chiếc xe chuyên dụng và dụng cụ lao động, chị Lâm cần mẫn di chuyển bên lề đường, vừa quét vừa gom rác đổ vào xe chiếc xe chuyên dụng đi cùng. Theo chị Lâm, công việc của công nhân môi trường như chị bắt đầu từ 5 giờ sáng và kết thúc vào 4 giờ chiều mỗi ngày. Khoảng thời gian ấy chia làm hai ca, ca 1 từ 5 - 11 giờ và ca 2 từ 13 - 16 giờ. Xen giữa 2 ca là 2 tiếng nghỉ. “Bình thường công việc của công nhân môi trường đã vất vả rồi, trong điều kiện nắng nóng như này thì còn vất vả gấp bội lần. Làm việc ngoài đường trời nóng tới hơn 400C như này chẳng bao giờ dễ dàng. Muốn tránh nắng thì phải mặc đồ bảo hộ, đồ chống nắng nhưng khi làm việc, mồ hôi túa ra ướt áo, ướt cả đồ bảo hộ cảm giác rất khó chịu” - chị Lâm nói.
|
Chị Nguyễn Thị Lâm làm việc trên đường Ô Chơ Dừa. Ảnh Nguyễn Quý01 |
Được biết, để động viên tinh thần và đảm bảo sức khỏe cho cán bộ, công nhân viên Công ty trong đợt nắng nóng này, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội đã quyết định cấp phát đột xuất cho 1.650 công nhân lao động trực tiếp và đội ngũ điều hành sản xuất đang làm việc 7 chi nhánh của Công ty bao gồm: Quà (hộp sâm chống nắng Mebiomin Ginseng) và tiền mặt là 200.000 đồng/người. Việc cấp phát này được thực hiện ngay trong ngày 4/7 đến tay từng công nhân của Công ty để kịp thời động viên tinh thần làm việc của người lao động. Ngoài đợt cấp phát đột xuất này, hàng năm Công ty đều có chế độ cấp phát đường chống nóng và vitamin C cho tất cả người lao động của Công ty trong các tháng hè để đảm bảo sức khỏe làm việc. Bên cạnh đó, các chi nhánh của Công ty URENCO đã chủ động điều chỉnh lịch trình sản xuất theo hướng giảm thiểu thời gian làm việc ngoài trời vào những giờ nắng nóng cao điểm và tăng cường thu gom rác vào ca đêm. Từ năm 2016 tới nay, URENCO đã đưa vào sử dụng hơn 50 xe quét đường và đổi mới thu gom, vận chuyển rác trên 4 quận trung tâm chủ yếu bằng cơ giới hóa, điều này ngoài tăng hiệu quả công việc thì còn giúp người lao động có môi trường làm việc tốt hơn.