Trên cơ sở chủ trương lớn của Thành uỷ, sự chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, 12 quận nội thành đã tích cực hỗ trợ kinh phí để hoàn thiện thiết chế hạ tầng văn hoá cho các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô. Không chỉ góp phần nâng cao đời sống văn hoá cho đồng bào các dân tộc, hỗ trợ của các quận còn giúp củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn Thủ đô.
Chiều dần buông ở nhà văn hoá thôn Gò Đá Chẹ (xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì). Trên khuôn viên rộng gần 200m2, hàng chục đồng bào dân tộc Mường tụ tập chơi bóng chuyền hơi. Mấy cháu nhỏ ngồi trên ghế đá xem ông bà, bố mẹ, anh chị luyện tập thể thao. Tiếng nói cười rôm rả xua tan nắng nóng ngày Hè…
Nhà văn hoá thôn Gò Đá Chẹ là công trình có tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng, do UBND quận Thanh Xuân hỗ trợ huyện Ba Vì xây dựng vào năm 2019. Một năm sau, nhà văn hoá thôn Sơn Hà (xã Khánh Thượng) cũng được hoàn thành từ 4 tỷ đồng kinh phí hỗ trợ của quận Thanh Xuân.
“Từ khi có nhà văn hoá mới, bà con trong các thôn không phải sinh hoạt trong những nhà văn hoá cũ; nóng nực vào mùa Hè, thấm dột mỗi khi mưa lớn. Người dân còn họp bàn, mua sơn ve về kẻ vẽ sân bóng chuyền, cầu lông để rèn luyện thể dục, thể thao. Có điểm vui chơi, rèn luyện sức khoẻ mỗi ngày, đồng bào dân tộc phấn khởi lắm…” - Chủ tịch UBND xã Khánh Thượng Hoàng Văn Trìu chia sẻ.
Tại thôn Cửa Khâu, xã Đông Xuân (huyện Quốc Oai), một công trình nhà văn hoá mới cũng được xây dựng, đưa vào sử dụng trong nhiều năm qua bằng nguồn vốn hỗ trợ hơn 2 tỷ đồng từ quận Tây Hồ. Trên khuôn viên nhà văn hoá khang trang, rộng đẹp, đám trẻ mang bóng ra vui đùa vào mỗi buổi chiều. Ông bà, bố mẹ ngồi dưới mái hiên chuyện trò, ngắm nhìn đám trẻ vui vẻ nô đùa…
Bà Đinh Thị Phu, sống tại thôn Cửa Khâu, cho biết bản thân đã sống đến nay ngoài tuổi “lục tuần”, nhưng chưa khi nào thấy một nhà văn hoá to lớn, rộng rãi như nhà văn hoá mới được xây dựng. “Từ khi có nhà văn hoá, với đầy đủ trang thiết bị, đồng bào cũng có điều kiện tốt hơn để tổ chức các buổi sinh hoạt cộng đồng, văn hoá, văn nghệ, tập luyện và tổ chức các hội thi cồng Chiêng vào dịp lễ tết truyền thống của đồng bào dân tộc Mường…” - bà Phu cho hay.
Bên cạnh các nhà văn hoá tại xã Khánh Thượng, Đông Xuân, thống kê đến nay, đã có ít nhất 50 nhà văn hoá tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô, được xây dựng, hoàn thành và đưa vào sử dụng nhờ nguồn kinh phí hỗ trợ lên tới hơn 100 tỷ đồng từ chính quyền và Nhân dân các quận nội thành. Sẻ chia của các quận góp phần hoàn thiện thiết chế hạ tầng, mang lại luồng sinh khí mới trong đời sống văn hoá của đồng bào các dân tộc trên địa bàn Hà Nội.
Từ năm 2016, người dân thôn Bình Sơn, xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất) vui mừng đón nhận công trình nhà văn hoá mới do quận Hoàn Kiếm hỗ trợ gần 1,9 tỷ đồng để xây dựng. Từ khi có nhà văn hoá mới, người dân không còn phải hội họp trong căn nhà mái bằng cũ kỹ, thấm dột khi trời mưa, nóng nực vào những ngày Hè.
Chủ tịch UBND xã Tiến Xuân Đinh Công Long cho biết sau nhà văn hoá thôn Bình Sơn, địa phương tiếp tục nhận được nguồn lực hỗ trợ của các quận để xây dựng nhà văn hoá tại hai thôn Chùa và Bãi Dài. Nhờ nguồn lực của các quận, thiết chế hạ tầng văn hoá của xã vùng dân tộc miền núi Tiến Xuân dần được hoàn thiện; giúp địa phương tiến thêm một bước đến mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Tương tự tại xã Ba Trại (huyện Ba Vì), 11/12 nhà văn hoá thôn cũng được hoàn thành nhờ nguồn lực hỗ trợ của các quận nội thành. Chủ tịch UBND xã Ba Trại Hoàng Văn Chuyển cho biết, hỗ trợ của các quận đã giúp địa phương hoàn thiện thiết chế hạ tầng văn hoá, qua đó đủ điều kiện về đích nông thôn mới năm 2017.
Theo Phó Chánh Thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí, vào những năm 2008, 100% các thôn, xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô chưa đạt tiêu chí về cơ sở vật chất văn hoá, do các nhà văn hoá đều được xây dựng từ những năm 1995 - 2008. Diện tích trung bình nhỏ hẹp và điều kiện sinh hoạt cộng đồng hết sức khó khăn.
Nhờ nguồn lực hỗ trợ của các quận, đến nay, 14/14 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc 5 huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức và Chương Mỹ, đã hoàn thiện tiêu chí cơ sở vật chất văn hoá. 100% số xã được Chủ tịch UBND TP Hà Nội công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Qua đó góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu Chương trình số 02-CTr/TU của Thành uỷ khoá XV, XVI và Chương trình số 04-CTr/TU của Thành uỷ khoá XVII về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Trong số 5 huyện vùng đồng bào dân tộc và miền núi, huyện Ba Vì được hỗ trợ nhiều nhà văn hoá nhất, với hơn 40 công trình. Theo Trưởng phòng Văn hoá - thông tin huyện Ba Vì Lê Khắc Nhu, các công trình nhà văn hoá không chỉ giúp hoàn thiện điều kiện về cơ sở hạ tầng, mà qua đó còn đóng góp tích cực vào việc hoàn thành nhóm chỉ tiêu thuộc Chương trình số 06-CTr/TU của Thành uỷ Hà Nội khoá XVII về phát triển văn hoá.
“Kể từ khi có nhà văn hoá, đời sống sinh hoạt cộng đồng được cải thiện. 7 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của huyện Ba Vì còn nhiều khó khăn cũng có điều kiện để nâng cao ‘tỷ lệ thôn, làng có nhà văn hoá’ và ‘tỷ lệ thôn, làng được công nhận là làng văn hoá’. Đây là những nội dung quan trọng được đề cập tới trong mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình số 06-CTr/TU do Thành uỷ Hà Nội khoá XVII ban hành…” - ông Lê Khắc Nhu cho biết thêm.
Theo Trưởng Ban Dân tộc TP Hà Nội Nguyễn Tất Vinh, công tác giám sát hiệu quả đầu tư những công trình nhà văn hoá thôn do các quận hỗ trợ được đơn vị phối hợp với chính quyền các cấp thực hiện nghiêm túc. Nhìn chung, nguồn lực hỗ trợ của các quận đã được các huyện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả.
Trong số 12 quận, Thanh Xuân là địa phương có hỗ trợ nguồn lực lớn nhất cho các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để giúp các địa phương hoàn thiện thiết chế hạ tầng văn hoá. Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Võ Đăng Dũng cho biết, lãnh đạo địa phương nhận thức sâu sắc rằng nguồn lực hỗ trợ dành cho các huyện không chỉ là sự tương trợ nghĩa tình nhằm san sẻ khó khăn với các địa phương vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc miền núi, mà còn là trách nhiệm lớn đối với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội chung của TP Hà Nội.
Cùng với quận Thanh Xuân, các quận khác cũng rất chủ động, tích cực trong việc hỗ trợ các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi xây dựng, hoàn thiện thiết chế hạ tầng văn hoá. Bên cạnh giúp các địa phương hoàn thiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, phát triển đời sống văn hoá khu dân cư, tương trợ nghĩa tình này còn mang một ý nghĩa đặc biệt khác, đó là tăng cường khối đại đoàn kết giữa các dân tộc trên địa bàn Thủ đô.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn cho biết, những năm qua, với sự quan tâm lớn của Hà Nội, diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô đã có nhiều đổi thay tích cực. Kinh tế ngày một phát triển. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được nâng cao. Nếp sống văn hoá mới được hình thành, phát triển; bản sắc truyền thống được gìn giữ, bảo tồn và phát huy.
Ông Lê Hồng Sơn đánh giá cao sự hỗ trợ của các quận thời gian qua dành cho các huyện còn nhiều khó khăn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong giai đoạn 2021 - 2025, với tinh thần sẻ chia và trách nhiệm, TP mong muốn các quận tiếp tục quan tâm, cân đối nguồn lực ngân sách để hỗ trợ các huyện vùng dân tộc miền núi có điều kiện phát triển cơ sở hạ tầng nói chung, tiến tới kéo giảm khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, đồng bằng với vùng sâu, vùng xa.
14:31 02/08/2022