Những ông chủ vườn sưa...

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Một cây sưa có lõi đường kính từ 8-12 cm, thương lái vào tận vườn mua 40-50 triệu đồng/cây. Nhiều người sau thời gian trồng sưa trong vườn nhà để che bóng mát cho loại cây khác hoặc chỉ để làm… ranh đất, đã thu về vài trăm triệu đến vài tỷ đồng.

Vì lợi ích 10 năm trồng cây

Ở ấp Thạch Màng (xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước), khi nói tới cây sưa, hầu như ai cũng biết người đầu tiên trồng loại cây này là ông Trần Đức Tiến (SN 1950).

Ông Trần Đức Tiến bên những cây sưa lớn còn lại trong vườn trồng từ năm 2005.
Ông Trần Đức Tiến bên những cây sưa lớn còn lại trong vườn trồng từ năm 2005.

Khoảng năm 2005, thời điểm này nạn cưa trộm cây sưa trong những cánh rừng ở Tây Nguyên và một số tỉnh phía Bắc diễn ra khá phức tạp. Thời điểm đó, việc cưa trộm sưa chủ yếu bán sang Trung Quốc với giá “khủng”, nhưng người Việt Nam cũng như nhiều nhà khoa học không biết người Trung Quốc mua cây sưa để làm gì. Tuy nhiên, với kinh nghiệm từng giữ hơn một nghìn ha rừng trong lâm phần thuộc Ban Quản lý rừng kinh tế Suối Nhung, ông Tiến nhận ra rằng nếu trồng sau 10 năm, cây sưa sẽ “sinh” ra tiền tỷ. Vì vậy, ông Tiến lặn lội ra tận Vĩnh Phúc mua 2.000 giống cây sưa đỏ (cây giống cao từ 15cm-20cm), giá 12.000 đồng/cây, thuê xe tải chở vào Bình Phước để trồng 800 cây trong vườn nhà, số còn lại ông chia cho các em của mình và người quen trồng làm ranh đất với hàng xóm trong rẫy...

Khi thấy ông Tiến cùng các em trồng sưa, ông Bùi Xuân Thủy nhà ở gần đấy cũng ra Vĩnh Phúc mua cả nghìn cây về trồng, hay ông Tô Văn Đỉnh có rẫy trong xã Tân Hưng (huyện Đồng Phú) cũng trồng vài nghìn cây.

Một trong nhiều cây sưa to ông Trần Đức Tiến để lại không bán.
Một trong nhiều cây sưa to ông Trần Đức Tiến để lại không bán.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Hạnh (SN 1981, ngụ TP Thủ Đức - TP Hồ Chí Minh), cũng nhận ra giá trị của sưa đỏ nên từ năm 2006, chị Hạnh mua và thuê người đào hố trồng rải rác 3.000 cây (tổng chi phí đầu tư khoảng 6 cây vàng) trong trang trại 30ha của gia đình tại huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Hay anh Nguyễn Tấn (SN 1973) cũng trồng 400 cây sưa để làm hàng rào bao quanh đất mình ở huyện Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng) từ năm 2006.

Ông Trần Đức Tiến chia sẻ, sưa có 2 loại trắng và đỏ, loại được lùng mua và có giá trị là sưa đỏ. Muốn cây sưa phát triển nhanh và đồng đều, nên trồng theo khoảng cách 4m x 5m. Khi cây cao khoảng 1,5m, nên chặt cành vừa mọc để cây vươn thẳng đứng, sau này thân cây tròn đều từ gốc đến ngọn. Để cây đứng thẳng phải đóng giá đỡ cho đến khi cây cứng cáp. Cây sưa trồng sau 3-5 năm, bắt đầu chảy nhựa báo hiệu đã có lõi, từ năm thứ 6 trở đi cây ra hoa kết trái và cho hạt. Sưa trồng từ 10-15 năm, nếu cây phát triển tốt, lõi sẽ lớn và bán được nhưng trồng càng lâu năm thì giá càng cao.

Trồng sưa làm hàng rào, thu tiền tỷ

Ông Trần Đức Tiến cho biết, kể từ năm 2017, khi vườn sưa nhà ông có nhiều cây có lõi với đường kính trung bình từ 10-14 cm/cây, thì thương lái từ Bắc Ninh, Vĩnh Phúc vào mua, nhưng họ chỉ chọn mua 15-20 cây, với giá từ 35-45 triệu đồng/cây (tùy theo lõi) chứ không mua hết vì cây trong vườn lớn không đều. Dù bị ép giá, nhưng mỗi năm ông Tiến cũng thu về khoảng 600-800 triệu đồng từ tiền bán sưa.

“Tuy nhiên, kể từ sau đại dịch Covid-19, đời sống kinh tế của đại bộ phận người dân gặp nhiều khó khăn, thương lái nhân cơ hội này… đại hạ giá cây sưa. Trong nhà tôi còn nhiều cây rất lớn, nhưng họ chỉ trả giá 6 triệu đồng/cây. Vì vậy tôi quyết định bỏ vườn sưa để trồng sầu riêng. Những cây thân nhỏ, tôi cho người thân bứng về trồng, chỉ giữ lại những cây to, nếu không ai mua thì thuê thợ mộc cưa, xẻ đóng những bộ bàn ghế hay tủ cho gia đình sử dụng”, ông Tiến nói.

Một trong nhiều cây sưa có gốc "khủng" tại vườn nhà ông Tấn ở tỉnh Bình Phước.
Một trong nhiều cây sưa có gốc "khủng" tại vườn nhà ông Tấn ở tỉnh Bình Phước.

Còn chị Nguyễn Thị Hạnh bộc bạch, sau khi trồng được hơn chục năm, do bận việc không có thời gian chăm sóc, hàng loạt cây sưa trong trang trại của chị bị chết không rõ lý do. “Năm 2019, khi tôi đào ao thả cá, trồng rau sạch, dựng Homestay để làm khu du lịch xanh cho các cháu học sinh trải nghiệm. Lúc đó nhân viên đi kiểm đếm vẫn còn gần 400 cây sưa khá to, tôi bán mão được hơn 10 tỷ đồng, tính ra vẫn lời rất nhiều”, chị Hạnh chia sẻ.

Mỗi năm ông Trần Đức Tiến bán từ 10-15 cây sưa, thu được từ 600-800 triệu đồng.
Mỗi năm ông Trần Đức Tiến bán từ 10-15 cây sưa, thu được từ 600-800 triệu đồng.

Trường hợp anh Nguyễn Tấn, kể lại: “Năm 2006, thấy một số hộ trong vùng trồng sưa để che bóng mát cho cây cà phê, tiêu… Bản thân tôi lúc đó muốn phân định ranh đất, nên mua 400 cây về trồng làm hàng rào. Cây sưa có đặc điểm rất lạ, trồng cùng thời điểm trên một khu rẫy, nhưng có những cây to “đột biến” với đường kính của gốc lên tới 80cm, có nhiều cây dù trồng hơn 10 năm nhưng thân chỉ to bằng chai nước ngọt (loại 1,25 lít). Năm 2019, có một số người đi xe biển số 88 vào vườn xin khoan cây sưa, sau đó họ liên hệ mua 4 cây (loại đường kính 80cm), tôi bán 1,2 tỷ đồng”.

Cũng theo ông Tấn, ông không biết đường kính lõi của 4 cây sưa ông đã bán là bao nhiêu cm, vì khi mua thương lái moi luôn cả bộ rễ chở đi. Ông chỉ được nhìn thấy mùn màu đỏ au bám trên đường xoắn ốc của mũi khoan, người thợ không tiết lộ độ dày của lõi, họ chỉ khẳng định là sưa đỏ.

 

Từng xảy ra trộm sưa trong vườn của dân

Bị hại trong vụ trộm sưa là anh Trần Văn Toản (SN 1983, cháu ruột ông Tiến). Anh Toản kể lại: “Tôi trồng trong vườn gần 200 cây sưa đỏ. Đầu tháng 9/2015, có người đến hỏi mua với giá 14 triệu đồng/cây (lõi 10cm), tôi không bán vì giá quá thấp, đến giữa tháng 9/2013, nhân một tối trời mưa tầm tã, bọn trộm vào vườn sưa cưa hạ 3 cây, nhưng chỉ kịp chở đi 1 cây và không để lại bất cứ dấu vết nào. Ngay sáng hôm sau tôi trình báo, Công an huyện Đồng Phú (tỉnh Bình Phước) vào lập biên bản hiện trường để điều tra nhưng đến nay không thể tìm được thủ phạm vì nhóm trộm quá tinh vi”.

Cũng theo anh Toản, do cây sưa lớn không đều, và hiện nay có nhiều gia đình trồng 5-7 ha, nên sau đại dịch Covid-19, anh Toản bán mão cả vườn để chuyển sang trồng sầu riêng”.

Gỗ sưa chỉ phục vụ cho tâm linh?

Về lý do phải khoan vào thân cây sưa, theo ông Tiến giải thích vì thương lái cần biết đường kính lõi bao nhiêu cm, là sưa đỏ hay sưa trắng, có đạt yêu cầu khách đặt hàng hay không. Khi biết lõi sưa đã đủ (để mua bán) họ đưa ra giá, nếu mình thấy hợp lý thì bán. Ngoài ra, việc khoan cây còn tránh bị mua hớ, vì có những cây hoành rất to, nhưng khi khoan vào chỉ thấy toàn rác (không có lõi), loại này thương lái không mua.

Cây sưa trong vườn ông Tấn, thân có đường kính hơn 70cm.
Cây sưa trong vườn ông Tấn, thân có đường kính hơn 70cm.

“Thương lái chỉ mua cây sưa có lõi từ 8cm trở lên. Còn làm sao đo được lõi bao nhiêu cm, khi khoan chạm vào lõi cây (lõi sưa rất cứng, thường làm gãy mũi khoan), rút mũi khoan ra sẽ thấy trong những đường xoắn ốc của mũi khoan có 2 màu đỏ au và trắng. Màu đỏ chính là sưa đỏ, còn màu trắng là rác. Thợ chỉ cần trừ số cm trên mũi khoan sẽ cho ra đường kính của lõi. Ví như hoành của cây từ 60cm, khoan vào 20 cm đụng lõi thì trừ đi 2 bên (20cm x 2 = 40cm), lõi sưa là 20cm; nếu hoành 20cm có 4 cm rác, lõi sẽ là 12cm”, ông Trần Đức Tiến nói.

Một hộ dân ở xã Tân Phước, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước trồng sưa... làm hàng rào.
Một hộ dân ở xã Tân Phước, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước trồng sưa... làm hàng rào.

Cũng theo ông Tiến, những người mua gỗ sưa đa số là người ở Bắc Ninh, Bắc Giang. Khi trò chuyện với họ, ông Tiến cũng hỏi mua để làm gì? Thương lái chỉ nói mua bán sang Trung Quốc để kiếm lời, còn bên Trung Quốc mua để làm gì, thương lái cho rằng làm những vật chất thiên về tâm linh (trừ tà ma, âm binh…), chế tác những bức tượng để thờ cúng, đồ mỹ nghệ…

Đối với một số thông tin cho rằng sưa là loại gỗ cấm mua bán vì mục đích thương mại? Ông Trần Đức Tiến khẳng định: “Pháp luật chỉ cấm mua bán đối với cây sưa trong rừng, bị khai thác trái phép. Còn đây là cây sưa trồng trong vườn nhà, do đó chỉ cần làm tờ đơn đem ra UBND xã (nơi có vườn trồng sưa) đề nghị xác nhận vào đơn là số cây sưa đó trồng trong vườn nhà mình chứ không phải cây rừng, số lượng cây bán, ngày tháng bán…, thì địa phương sẽ xác nhận miễn phí. Việc cần tờ xác nhận của địa phương chủ yếu để người mua cây sưa vận chuyển trên đường, không bị kiếm cớ gây khó dễ”.

 

Ông Trần Đức Tiến chia sẻ thêm, thương lái mua sưa tại vườn tính giá theo từng cây, nhưng khi đem về chế tác họ bán theo từng kg. Theo đó, thương lái thuê thợ đẽo, xẻ rất công phu, bóc hết lớp bì trong thân cây để lấy lõi sưa nhưng vẫn giữ nguyên bộ rễ cây. Tiếp đó họ dùng băng keo (loại trong) quấn lõi sưa để không bị khô, nhưng người mua vẫn nhìn thấy màu sắc của lõi như: đỏ hay đỏ thâm; nếu lõi đỏ rất có giá, còn đỏ thâm giá thấp hơn vì nó như cây gỗ cẩm.