Chỉ một sơ suất nhỏ, chỉ một phút giây thôi, tai nạn giao thông sẽ gây ra đau thương mất mát cho gia đình ai đó và từng ngày, từng giờ những tai nạn giao thông vẫn đang cướp đi sinh mệnh của bao người, gây thương tích, tàn phế và đem đến nỗi đau tinh thần không gì bù đắp được cho hàng ngàn người thân của họ.
Đáng tiếc nhất đó là những tai nạn giao thông do chính những người đi bộ gây ra. Mặc dù Nhà nước đã quan tâm xây dựng nhiều công trình cho người đi bộ sang đường như cầu vượt, hầm đường bộ… nhưng nhiều người vẫn không đi đúng phần đường của mình. Vậy người đi bộ khi tham gia giao thông phải tuân thủ những quy định nào?
Về nội dung người đi bộ tham gia giao thông đường bộ và đi bộ qua đường hiện nay theo pháp luật nước ta tại điều 32 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định cụ thể như sau:
Điều 32. Người đi bộ
1. Người đi bộ phải đi trên hè phố, lề đường; trường hợp đường không có hè phố, lề đường thì người đi bộ phải đi sát mép đường.
2. Người đi bộ chỉ được qua đường ở những nơi có đèn tín hiệu, có vạch kẻ đường hoặc có cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ và phải tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn.
3. Trường hợp không có đèn tín hiệu, không có vạch kẻ đường, cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ thì người đi bộ phải quan sát các xe đang đi tới, chỉ qua đường khi bảo đảm an toàn và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn khi qua đường.
4. Người đi bộ không được vượt qua dải phân cách, không đu bám vào phương tiện giao thông đang chạy; khi mang vác vật cồng kềnh phải bảo đảm an toàn và không gây trở ngại cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Tại những đoạn đường, vị trí không có đèn tín hiệu, vạch kẻ đường, cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ thì người đi bộ qua đường theo nguyên tắc nhường đường sau:
Tại khoản 3 điều 32 Luật giao thông đường bộ quy định: Trường hợp không có đèn tín hiệu, không có vạch kẻ đường, cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ thì người đi bộ phải quan sát các xe đang đi tới, chỉ qua đường khi bảo đảm an toàn và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn khi qua đường.
Người đi bộ qua đường không đúng vạch kẻ đường dành cho người đi bộ có vi phạm không? có 02 trường hợp xảy ra như sau:
Trường hợp 1: Nếu đoạn đường có bố trí vạch kẻ đường cho người đi bộ qua đường như trước các trường học, bệnh viện hoặc tại các chốt đèn tín hiệu giao thông mà người đi bộ không đi qua đường trên các vị trí này thì đã vi phạm Luật giao thông đường bộ.
Trường hợp 2: Nếu đoạn đường không bố trí vạch kẻ đường cho người đi bộ qua đường thì trong trường hợp này người đi bộ qua đường phải có trách nhiệm quan sát và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn khi qua đường mà không vi phạm Luật giao thông đường bộ.
Các trường hợp phải nhường đường cho người đi bộ được quy định tại khoản 4, điều 11 của Luật giao thông đường bộ theo nguyên tắc:
Tại nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, giảm tốc độ và nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường.
Những nơi không có vạch kẻ đường cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, nếu thấy người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang qua đường thì phải giảm tốc độ, nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường bảo đảm an toàn.
Người đi bộ vi phạm khi không thực hiện nguyên tắc chung là đi bộ trên lề đường, hè phố hoặc đi sát mép đường khi không có lề đường và hè phố.
Người đi bộ không qua đường khi không có nơi bố trí qua đường; hay đi qua đường nơi không có vị trí qua đường mà không quan sát nhường đường đảm bảo an toàn khi đi qua đường.
Nếu người đi bộ vi phạm thì bị áp dụng chế tài giống như người điều khiển phương tiện giao thông khác. Nếu tạo chướng ngại vật gây TNGT nghiêm trọng trở lên thì bị áp dụng chế tài hình sự phạt tù, bồi thường thiệt hại. Vi phạm hành chính thì bị xử lý theo quy định tại Điều 9 nghị định số 100/2019/NĐ-CP, ngày 30/12/2019 như sau:
1. Phạt tiền từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng đối với người đi bộ thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không đi đúng phần đường quy định; vượt qua dải phân cách; đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không bảo đảm an toàn;
b) Không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, trừ hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này;
c) Không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông;
d) Mang, vác vật cồng kềnh gây cản trở giao thông;
đ) Đu, bám vào phương tiện giao thông đang chạy.
2. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người đi bộ đi vào đường cao tốc, trừ người phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc.
Trẻ em qua đường qua đường phải thực hiện theo quy định tại khoản 5, Điều 32 Luật giao thông đường bộ đó là:
Trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường đô thị, đường thường xuyên có xe cơ giới qua lại phải có người lớn dắt; mọi người có trách nhiệm giúp đỡ trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường.
Hiện nay theo thống kê các nguyên nhân gây TNGT đường bộ thì nguyên nhân do người đi bộ chiếm tỉ lệ khá cao trong các nguyên nhân TNGT đường bộ.
Hành vi đi bộ bất cẩn không dùng phần đường dành riêng cho người đi bộ, hay sang đường không nhường đường chính là tạo chướng ngại vật gây TNGT cho các phương tiện đang đi đúng phần đường, làn đường theo chiều đi bên phải của họ, tạo chướng ngại vật bất ngờ cho các loại phương tiện đang đi đúng chiều làm xảy ra TNGT nên đa phần lỗi trong các vụ TNGT này thuộc người đi bộ tham gia giao thông dù họ không điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.
Là người tham gia giao thông chúng ta cần phải có trách nhiệm trong việc bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông trên đường. Mọi người cần nêu cao ý thức chấp hành Luật giao thông đường bộ, tích cực tham gia xây dựng văn hóa giao thông không chỉ bằng những lời nói mà hãy chứng minh bằng hành động cụ thể, thiết thực của mình để góp phần làm giảm thiểu những thiệt hại do TNGT gây nên.