Tại một cuộc họp hoạch định sách lược kinh tế diễn ra vào cuối tháng 12/2021, các nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc đã cảnh báo rằng tăng trưởng kinh tế của nước này đang đối mặt "áp lực gấp 3" từ nhu cầu tiêu dùng suy giảm, cú sốc nguồn cung và dự báo suy yếu.
"Vấn đề cốt lõi của những "áp lực gấp 3" này cơ bản vẫn là dự báo suy yếu hoặc cung không đủ cầu. Nếu nhu cầu được cải thiện thì kỳ vọng sẽ được cải thiện" - Wang Jun, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Zhongyuan, nói với CNBC.
Theo ông Wang, nguyên nhân chính khiến tăng trưởng kinh tế Trung Quốc không thể duy trì là nhu cầu suy yếu trong bối cảnh đại dịch tác động tiêu cực đến thu nhập của người dân.
Ngoài ra, một nguyên nhân khác là chính quyền địa phương cắt giảm chi tiêu cho các dự án hạ tầng. Nhìn chung, thu nhập và việc làm thiếu ổn định khiến người dân không còn sẵn sàng chi tiêu như trước.
"Việc tiêu dùng phục hồi thế nào trong năm nay sẽ có tác động rất lớn đến nền kinh tế Trung Quốc" - Nhà kinh tế trưởng Jianguang Shen của Công ty thương mại điện tử JD.com nhận định.
Theo ông, nhà chức trách có thể thúc đẩy tiêu dùng bằng cách phát phiếu mua hàng như đặc khu hành chính Hong Kong đã làm. Cách làm này đã mang lại hiệu quả khi gắn chi tiêu của người tiêu dùng vào doanh nghiệp cụ thể.
Trong khi đó, theo các chuyên gia phân tích tại Goldman Sachs, xét theo lĩnh vực thì người tiêu dùng Trung Quốc đã tăng chi tiêu cho thực phẩm và quần áo hơn cho các dịch vụ như giáo dục và giải trí.
Goldman Sachs dự đoán sự phân hóa giữa hàng hóa và dịch vụ sẽ giảm nhẹ trong năm 2022. Tuy nhiên, ngay cả khi chi tiêu thực của các hộ gia đình Trung Quốc tăng 7% trong năm 2022 thì đến cuối năm nó vẫn sẽ "thấp hơn mức trước đại dịch Covid-19".
Các chuyên gia cũng chỉ ra những hạn chế từ chính sách "zero Covid" và việc ứng phó sự suy thoái trong lĩnh vực bất động sản của Chính phủ Bắc Kinh. Theo Goldman Sachs, dự kiến GDP của Trung Quốc sẽ tăng trưởng chậm lại ở mức 4,8% trong năm 2022, giảm so với mức 7,8% dự kiến trong năm 2021.
Một thách thức cho các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc là giảm mức nợ liên quan bất động sản trong khi đảm bảo thị trường địa ốc không suy thoái nghiêm trọng.
Theo các chuyên gia, cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản tại Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tồi tệ hơn trong năm 2022, khi các công ty đối mặt các khoản thanh toán nợ trong năm mới cao gấp đôi so với những tháng cuối năm 2021.
"Đây có thể sẽ trở thành một cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống đối với nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu" - The Guardian bình luận.