Đường biên giới trải dài cả trên biển, đảo, đất liền khiến cho công tác tuần tra, kiểm soát các hoạt động buôn lậu xăng dầu, thuốc lá, vận chuyển trái phép ma túy… của bộ đội biên phòng các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng với sự mưu trí, bản lĩnh, các chiến sĩ bộ đội biên phòng nơi đây đã triệt phá thành công nhiều vụ buôn lậu, được Nhân dân đánh giá cao.
14 giờ chiều, cái nắng phương Nam trong những ngày Hè đổ xuống hầm hập, oi bức đến khó chịu nhưng trung úy Danh Thành Huy – Đội trưởng Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Phú Mỹ, tỉnh Kiên Giang cùng các đồng đội vẫn thực hiện tuần tra biên giới khu vực chốt phụ trách theo kế hoạch, từ mốc 305 đến mốc 305/6. Gió táp bỏng rát, gương mặt đầm đìa mồ hôi nhưng cả đội đều tập trung cao độ thực hiện nhiệm vụ, không một chút lơi là. Từng vệt cỏ, từng dải đất biên cương in dấu chân can trường của các anh và thấm biết bao nhiêu giọt mồ hôi mặt chát đổ xuống.
Bầu trời xanh ngắt bình yên đến lạ kỳ nhưng trung úy Danh Thành Huy cùng đồng đội luôn nhắc nhở nhau rằng, bất cứ lúc nào “mắt bão” cũng có thể ập đến bởi hiện nay tội phạm buôn lậu hoạt động rất tinh vi và manh động.
Biên khu Phú Mỹ nằm bên kênh Vĩnh Tế nối vào sông Giang Thành đổ ra cửa biển Hà Tiên, đối diện bên kia biên giới là nước bạn Campuchia. Hiện nay, dù dịch Covid-19 đã được kiểm soát, song Đồn Biên phòng Phú Mỹ vẫn duy trì các chốt trực, kiểm soát chặt chẽ người ra vào khu vực biên giới, nhất là các đường mòn, lối mở trên tuyến biên giới do đồn quản lý.
“Quá trình tuần tra biên phòng, đơn vị gặp một số vấn đề khó khăn do địa hình phức tạp, kênh rạch chằng chịt. Hơn nữa, khi gặp lực lượng biên phòng, các đối tượng buôn lậu thường manh động, sẵn sàng sử dụng vũ khí nóng và hung khí nguy hiểm để chống lại lực lượng của ta. Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã bắt giữ 1 vụ buôn lậu thuốc lá, tang vật thu giữ trên 1.000 bao thuốc” - trung úy Danh Thành Huy chia sẻ.
Lán trại giao ban rút kinh nghiệm ca trực cũng là nơi tránh nắng nóng của chốt được dựng sơ sài bằng những thân gỗ, cây tre, lợp lá dừa khô. Trung úy Danh Thành Huy chia sẻ, trước khó khăn về cơ sở vật chất và phải đối phó với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, táo tợn của các đối tượng buôn lậu, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Phú Mỹ thường xuyên quán triệt, giao nhiệm vụ tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát khu vực biên giới, giáo dục cán bộ chiến sĩ chấp hành nghiêm kỷ luật. Quá trình tuần tra, xử lý các vụ việc theo đúng quy định của pháp luật.
“Để công tác phối hợp chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển chất cấm qua biên giới đạt hiệu quả hơn, chúng tôi cũng thường xuyên trao đổi với các đơn vị bạn ở bên kia biên giới. Cùng với đó các tổ, chốt thường xuyên làm tốt công tác trao đổi nắm tình hình, kịp thời chi viện cho nhau khi xử lý các vụ việc xảy ra trên biên giới, bảo đảm xử lý triệt để các đối tượng, không để chúng chống trả lại” - trung úy Danh Thành Huy cho biết thêm.
Tương tự, tại Đồn Biên phòng Đất Mũi, quản lý địa bàn 2 xã Đất Mũi và Viên An thuộc huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau với bờ biển dài 45,9km, vùng biển rộng, nên công tác tuần tra, kiểm soát được Ban Chỉ huy Đồn quán triệt nghiêm túc, sâu sắc. Chia sẻ với phóng viên, thượng tá Lê Hoàng Phúc – Chính trị viên Đồn Biên phòng Đất Mũi cho biết, trong quá trình bảo vệ chủ quyền biên giới, cán bộ chiến sĩ của Đồn gặp rất nhiều khó khăn vì đây là khu vực bãi bồi, sình lầy, phương tiện lớn đi lại khó khăn. “Để tuần tra, kiểm soát phải sử dụng phương tiện nhỏ như vỏ lãi nhưng chúng tôi luôn động viên cán bộ, chiến sĩ vượt qua khó khăn, làm tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền đất nước” – thượng tá Lê Hoàng Phúc nói.
Biên giới Tây Nam nhiều năm qua luôn trở thành điểm nóng về nạn buôn lậu, gây thất đối với ngân sách Nhà nước cũng như hệ lụy không nhỏ tới nền kinh tế và quyền lợi người tiêu dùng. Theo nhận định của cơ quan chức năng, hàng hóa vận chuyển trái phép qua biên giới chủ yếu là đường, xăng dầu, thuốc lá, hàng tiêu dùng như sữa, bia, mỹ phẩm, vàng, tiền tệ, hàng cấm… Các đối tượng buôn lậu thường lợi dụng địa hình đường biên giới nhiều kênh rạch, dòng sông chung, sử dụng xuồng máy gắn động cơ công suất lớn chạy tốc độ cao, né chốt kiểm tra, đưa hàng vào nội địa.
Đặc biệt, nhiều đối tượng lợi dụng chênh lệch giá xăng dầu nội địa với một số nước trong khu vực như Campuchia, Malaysia, Indonesia… để buôn lậu kiếm lời bất chính. Hầu hết đối tượng đầu nậu sử dụng thủ đoạn tinh vi, điều hành từ xa, thường xuyên thay đổi phương thức, tuyến đường vận chuyển, thời gian, điểm tập kết hàng trên tuyến biên giới, gây áp lực không nhỏ cho lực lượng chức năng. Tuy nhiên, với sự vào cuộc sát sao, bộ đội biên phòng đã lật tẩy nhiều chiêu trò tinh vi của các đối tượng buôn lậu.
Điển hình, vào tối 20/3/2023, trong khi tuần tra bảo vệ chủ quyền vùng biển, khi đến khu vực cách cửa biển Sông Đốc khoảng 30 hải lý về hướng Tây Nam, lực lượng tuần tra của Đồn Biên phòng Sông Đốc, tỉnh Cà Mau đã phát hiện tàu đánh cá TG 91987 TS có nhiều dấu hiệu nghi vấn nên thực hiện kiểm tra. Qua đó phát hiện trên tàu có 47.000 lít dầu DO không có chứng từ mua bán, hóa đơn cùng nhiều dụng cụ dùng bơm hút dầu như máy bơm, đồng hồ đo số lượng, ống nhựa loại lớn dùng để bơm hút dầu.
Được biết, đây vụ thứ 3 liên tiếp từ đầu năm 2023, Đồn Biên phòng Sông Đốc đã phát hiện các tàu đánh cá của ngư dân vận chuyển dầu lậu trên biển. Tổng số dầu đã tịch thu đến thời điểm cuối tháng 3/2023 lên tới 200.000 lít.
Hay mới đây, ngày 13/4, Hải đội Biên phòng tuần tra, kiểm soát trên biển tại khu vực vùng biển cách đảo Hòn Khoai khoảng 7 hải lý về hướng Đông Nam thì phát hiện 2 tàu đánh cá có nhiều nghi vấn đó là tàu số BT 99795 TS do ông Phạm Văn Đổi, làm thuyền trưởng và tàu TG 91414 TS do ông Trần Văn Cường làm thuyền trưởng. Qua kiểm tra trên tàu phát hiện có nhiều thùng phuy, bồn chứa trong hầm máy có chứa chất lỏng mùi dầu. Cả hai thuyền trưởng đều cho biết, chất lỏng nói trên là dầu DO.
Qua điều tra, cả hai tàu cá do bà Lê Thị Hiền Hòa, 45 tuổi, ngụ xã Bình Thắng, huyện Bình Đại, Bến Tre làm chủ, đăng ký hành nghề lưới kéo, vùng hoạt động là vùng khơi. Kết thúc điều tra, ngày 22/4, cơ quan nghiệp vụ đề nghị Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau quyết định tịch thu toàn bộ 25.000 lít dầu tang vật vi phạm; đồng thời xử lý vi phạm hành chính đối với hai thuyền trưởng với tổng số tiền 62.500.000 đồng về hành vi mua bán hàng hóa không có giấy tờ chứng minh tính hợp pháp và không có văn bằng hoặc chứng chỉ theo quy định.
Chia sẻ với Kinh tế & Đô thị về thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu dầu, trung tá Bùi Khắc Dương – Đồn trưởng Đồn Biên phòng Tây Yên, tỉnh Kiên Giang cho biết, tình trạng mua bán dầu lậu trên biển diễn ra rất phức tạp. Nhiều tàu cá sử dụng thủ đoạn cải hoán các hầm chứa, vẽ số tàu giả để hoạt động mua dầu lậu, bán lại cho các tàu đánh bắt trên biển. Đặc biệt, khi giá dầu ở khu vực Malaysia, Indonesia, Campuchia thấp hơn Việt Nam, nhiều chủ tàu đã hoán cải tàu cá, gia cố ngăn chứa hải sản bằng các thùng phuy hoặc làm bằng composite, sau đó đậy kín lại giống như khoang chở thủy sản nhưng thực chất bên dưới chứa dầu.
“Thường các loại phương tiện này có hệ thống bơm nên trong quá trình kiểm tra nếu tinh ý có thể phát hiện. Bên cạnh đó, dầu nước ngoài có chỉ số octan khác dầu trong nước, khi kiểm tra có nghi vấn, mang dầu đi kiểm định sẽ phát hiện được” – trung tá Bùi Khắc Dương cho biết thêm.
Trước tình hình buôn lậu dầu trên khu vực biển Tây Nam rất phức tạp, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Tây Yên đã thường xuyên tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là lực lượng biên phòng tuần tra nắm được thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu. Nhờ đó quá trình tuần tra, kiểm soát đã phát hiện, không để lọt vi phạm. Trong năm 2022, Đồn Biên phòng Tây Yên đã bắt 2 vụ buôn lậu dầu với tang vật thu giữ hơn 16.000 lít dầu.
Cuối tháng 11/2022, những clip lan truyền trên mạng xã ghi lại hình ảnh một người đàn ông bị một số người khác hành hạ trên tàu cá ở ngoài vùng biển Cà Mau đã gây rúng động dư luận. Nạn nhân bị hai người đàn ông dùng kìm bấm vào môi, ngón tay… kêu la trong đau đớn. Ngay sau đó, Công an huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau đã vào cuộc điều tra, ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can… song vụ việc này cũng để lại nỗi trăn trở cho các cơ quan, lực lượng chức năng, trong đó có bộ đội biên phòng, làm sao để bảo đảm trật tự an toàn trên vùng biển quê hương?
Chia sẻ về vấn nạn này, đại tá Nguyễn Văn Ngọc – Phó Chỉ huy trưởng Nghiệp vụ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau cho biết, đây là vấn đề đang nổi lên ở biên giới tỉnh Cà Mau với hình thức, chiêu trò là tung tin trên mạng tìm lao động việc nhẹ lương cao, dụ dỗ những người thiếu hiểu biết, đưa lên các tàu ra biển hoạt động.
Trong những tháng đầu năm 2023, qua nắm tình hình và qua nguồn tin của quần chúng Nhân dân, lực lượng bộ đội biên phòng tỉnh Cà Mau phát hiện có rất nhiều đối tượng làm nghề môi giới hay còn gọi là “cò mồi” tung thông tin lên các trang mạng xã hội như Facebook, để tìm kiếm những người có nhu cầu việc làm, việc nhẹ lương cao. Tại khu vực TP Hồ Chí Minh, “cò mồi” thường hoạt động tại các Bến xe Miền Đông, Miền Tây, khi gặp những người lang thang, chưa có việc làm thì sẽ tiếp cận, đưa ra chiêu giới thiệu công việc trên tàu cá. Khi các lao động này đồng ý, các đối tượng “cò mồi” sẽ mua vé xe, hỗ trợ tiền ăn ở, đi đường, cho địa chỉ để những người này xuống địa bàn tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang.
“Khi đến bến xe ở các tỉnh sẽ có các đối tượng môi giới đón, tập trung gom về một nơi, ứng tiền cho ăn, ngủ, thậm chí là cho nhậu và sau đó bắt ký giấy tờ, hứa khi lên tàu ra biển sẽ chuyển tiền qua tài khoản về cho người thân của những lao động này với mức 20 – 30 triệu đồng cho một chuyến đi trong vòng 30 ngày” - đại tá Nguyễn Văn Ngọc cho biết.
Bằng những chiêu trò tinh vi, lời đường mật có cánh của “cò mồi”, thời gian qua, nhiều người nhẹ dạ cả tin ở các địa phương như Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Bình Dương, Bình Phước, Tiền Giang, An Giang, Sóc Trăng… đã bị sập bẫy. Khi lên tàu ra biển, họ chỉ được cho ứng tiền để mua mỳ tôm, thuốc lá, các đồ dùng phục vụ trong đánh bắt hải sản mà không được trả khoản lương hậu hĩnh như đã hứa. Đáng nói, nhiều lao động vốn không có tay nghề, lại gặp thời tiết sóng to gió lớn nên không thể làm việc, từ đó dẫn tới mâu thuẫn với thuyền trưởng, quản lý trên tàu. Một số lao động bị thuyền trưởng đánh đập, hành hạ. Năm 2022 lực lượng biên phòng tỉnh Cà Mau đã phối hợp với lực lượng công an giải cứu nhiều trường hợp lao động bị hành hung trên biển và đưa vào bờ.
Kể đến đây, đại tá Nguyễn Văn Ngọc trầm ngâm xúc động, bởi có những trường hợp rất đau lòng, lao động sợ bị thuyền trưởng đánh đập đã lợi dụng đêm tối, dùng can nhựa, bọc quần áo vào áo mưa nhảy xuống biển trốn chạy. Tuy nhiên, xung quanh không có tàu cá hoạt động, gặp sóng to gió lớn là bị đuối sức, có những trường hợp tử vong trên biển và trôi dạt vào bờ. Có những trường hợp may mắn hơn được các tàu cá đánh bắt ở gần đó phát hiện và cứu vớt, đưa lên giao cho các trạm kiểm soát của bộ đội biên phòng.
“Từ vấn nạn đó, chúng tôi quyết tâm chỉ đạo các đơn vị, đặc biệt là lực lượng trinh sát, lực lượng đấu tranh phòng chống ma túy tội phạm của các đồn biên phòng nắm tình hình và điều tra xác minh, truy xét. Cuối tháng 4, đầu tháng 5 vừa qua, chúng tôi phối hợp với lực lượng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm – Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phá thành công chuyên án CM423 bắt giữ 4 đối tượng môi giới, tổ chức môi giới với 4 nạn nhân trên biển. Qua đó góp phần giảm số vụ tuyển mộ lao động, môi giới việc làm, cò mồi đưa các lao động lên tàu cá làm việc. Đây là thành công lớn và được Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, chính quyền địa phương, cơ quan đoàn thể, dư luận Nhân dân đánh giá rất cao, góp phần vào công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ vững an ninh trật tự địa bàn ven biển” - đại tá Nguyễn Văn Ngọc cho biết.
(còn nữa)
07:52 16/06/2023