70 năm giải phóng Thủ đô

Những thực phẩm quen thuộc chứa chất độc tự nhiên, bạn nên biết

Lan Anh TH
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực phẩm là nguồn cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể, giúp tăng cường sức khỏe. Tuy nhiên, một số loại thực phẩm tự nhiên cũng có chứa chất độc phổ biến hay gặp như: nấm, thịt cóc, cá nóc, cá trắm, cua mặt quỷ…,ngộ độc, thực phẩm, thực phẩm chứa chất độc tự nhiên, củ sắn,...

Mật cá trắm

Với lời đồn truyền miệng rằng uống sống sẽ tăng cường sức khỏe, thế là có người uống, và đã có nhiều trường hợp phải đưa đi cấp cứu. Trong mật cá có một chất alcol steroid là 5-acyprinol, chất này khi vào dạ dày, được hấp thu vào máu đi tới gan, thận, gây ra suy gan và suy thận cấp.

Những thực phẩm quen thuộc chứa chất độc tự nhiên, bạn nên biết - Ảnh 1

Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)

Củ sắn (khoai mì)

Trong lớp vỏ có chứa chất độc xyanua. Khi luộc với số lượng lớn, chất này sẽ đóng váng trên bề mặt nước. Ăn phải chất này với hàm lượng cao sẽ bị ngộ độc. Cách tốt nhất để loại bỏ chất xyanua trong sắn là lột vỏ, ngâm trong nước lạnh nhiều giờ trước khi luộc. Trong lúc luộc, nên mở nắp nồi để chất xyanua bay đi, lượng độc chất sẽ giảm đáng kể.

Mộc nhĩ tươi chứa độc

Mộc nhĩ tươi chứa chất nhạy cảm với ánh sáng – chất Porphyrin. Sau khi ăn, với sự chiếu rọi của ánh nắng mặt trời rất dễ bị viêm da, xuất hiện trạng thái ngứa, chứng phù thũng, đau nhức; có người bị phù nề thanh quản sẽ gây nên tình trạng khó thở. Vì vậy chỉ nên ăn mộc nhĩ khô, ngâm trong nước nấu chín kỹ thì mới an toàn.

Khoai tây mọc mầm

Khoai tây để lâu ngày hoặc để chúng tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, nhất là khoai tây đã mọc mầm hay khi vỏ khoai đã chuyển sang màu xanh thì hàm lượng chất độc solanin trong khoai tăng lên rất cao. Triệu chứng ngộ độc là đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, khó thở.

Hạt táo

Hạt táo có chứa chất amygdalin, chất này sẽ chuyển hóa thành hydrogen cyanide, dẫn tới nôn mửa, chóng mặt khi ăn ít và suy thận, hôn mê khi hấp thu một lượng lớn.

Tuy nhiên, bạn không nên quá lo lắng vì cơ thể có thể xử lý một lượng nhỏ. Điều này tương tự với những loại quả: mận, đào, anh đào, lê và mơ. Cơ quan Tiêu chuẩn thực phẩm vương quốc Anh khuyến cáo người dân không ăn nhiều hơn hai hạt mơ mỗi ngày. Với trẻ em, chỉ nuốt vài hạt có thể gây bệnh và trong một số trường hợp có thể gây tử vong.

Vỏ củ cải

Củ cải trắng chứa độc tố furocoumarins. Chất độc này thường cao nhất trong lớp vỏ, có thể gây đau dạ dày hoặc phản ứng rát bỏng trên da khi tiếp xúc. Do đó, khi chế biến món ăn, bạn cần gọt bỏ sạch vỏ và phần hư hỏng trên củ để tránh độc. Khi được làm chín ở nhiệt độ cao, củ cải sẽ mất đi độc tố.

Độc tố từ nấm

Nấm có đủ mũ, phiến nấm, cuống, vòng cuống và bao gốc thường là nấm độc; bên trong thân cây nấm màu hồng nhạt, mũ nấm màu đỏ có vẩy trắng, sợi nấm phát sáng trong đêm là nấm độc; bộ phận độc nằm trong toàn bộ thể quả nấm (mũ, phiến, vòng, cuống, bao gốc nấm), độc tố thay đổi theo mùa, trong quá trình sinh trưởng của nấm, trong môi trường đất đai, khí hậu phù hợp, nhất là vào mùa xuân thời tiết ấm rất phù hợp cho các loại nấm độc sinh trưởng, phát triển… Người ăn phải nấm độc thường có các biểu hiện: Người bị ngộ độc có triệu chứng buồn nôn, nôn, tiêu chảy, co giật cơ, đau cơ, ảo giác… nếu như không được phát hiện và cứu chữa kịp thời người bệnh có nguy cơ tử vong.

Thịt cóc

Gan và buồng trứng cóc có chứa chất cực độc bufotoxine, nếu ăn phải có thể gây chết người trong thời gian rất ngắn. Những người bị ngộ độc gan và trứng cóc có thể có các biểu hiện như bị chướng bụng, đau bụng trên rốn, nôn mửa, tiêu chảy, hồi hộp, tim đập nhanh.

Nếu không được chữa trị kịp thời, nạn nhân có thể rơi vào tình trạng truỵ tim mạch, rối loạn cảm giác, chóng mặt, ảo giác, vã mồ hôi lạnh, khó thở, ngừng thở, ngừng tim… Do đó, chuyên gia khuyến cáo tuyệt đối không ăn gan và trứng cóc. Ngoài ra, trong quá trình làm thịt, nếu để những bộ phận này vướng vào thịt cóc cũng rất nguy hiểm.

Để đảm bảo phòng ngừa, ngăn chặn các vụ ngộ độc do độc tố tự nhiên

Người dân cần tuyệt đối không ăn, chế biến các loại rau, củ, quả rừng lạ… và tuyên truyền cho mọi người dân cùng biết để tránh ra các loại củ, quả có chứa độc tố (đặc biệt là trẻ em). Đồng thời, nêu cao cảnh giác, tuyệt đối không sử dụng các loại cây, con vật lạ để ngâm rượu, ăn sống…

Để tránh ngộ độc khoai tây, không nên mua hoặc chế biến thức ăn từ những củ khoai đã mọc mầm hay những củ có vỏ đã chuyển sang màu xanh, những củ đã đào khỏi mặt đất quá lâu… Phơi khô, bảo quản tốt, tránh để các loại hạt ẩm mốc; không ăn những hạt lạc đã bị mốc, thâm đen.

Đối với nhà sản xuất, để tránh các độc tố tự nhiên xâm nhập vào trong chuỗi thực phẩm, cần xây dựng và áp dụng hệ thống phân tích mối nguy nhằm xác định, đánh giá, kiểm soát đầy đủ các độc tố này trong nguyên vật liệu đầu vào.