Những thương cảng xưa và cảng Bến Thủy thời Pháp thuộc

Vĩnh Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cảng Bến Thủy chính thức được người Pháp xây dựng từ 1888, trở thành cảng lớn nhất ở khu vực Bắc Trung kỳ.

Nhưng trước đó, từ đầu thế kỷ XIX, đây là một bến cảng khá sầm uất gắn liền với tỉnh lỵ Nghệ An (gồm cả Hà Tĩnh ngày nay) thay thế cho hệ thống thương cảng ở hạ lưu sông Lam như Hội Thống, đền Huyện, Triều Khẩu, Phù Thạch thời trung đại.

Cảng Bến Thủy nhìn về hướng nhà máy điện của Công ty Rừng và Diêm Đông Dương (SIFA) xưa kia. Ảnh tư liệu  
Cảng Bến Thủy nhìn về hướng nhà máy điện của Công ty Rừng và Diêm Đông Dương (SIFA) xưa kia. Ảnh tư liệu  

Những thương cảng xưa bên bờ sông Lam

Sông Lam đổ ra biển qua Cửa Hội. Trong lịch sử đã từng có nhiều thương cảng hai bờ hạ lưu sông Lam trước khi hình thành Bến Thủy.

Nếu tính từ cửa biển đi vào, Hội Thống và Đền Huyện là hai thương cảng ở bờ nam vùng cửa sông, cánh nhau 7km: Thương cảng Hội Thống nằm trên địa bàn xã Xuân Hội; Đền Huyện nằm trên địa bàn xã Xuân Giang cùng thuộc Nghi Xuân (Hà Tĩnh).

Từ thế kỷ XI - XV, Hội Thống là nơi diễn ra hoạt động thương mại khá sôi động. Từ đây thuyền thông thương ra Bắc, đến Hưng Yên, Thăng Long. Hồi đó “Phủ Tinh Hoa, tức châu Hoan đời Đường cách thành Giao Châu hơn hai trăm dặm, thuyền bè các nước ngoài đến tụ họp ở đây, mở chợ ngay trên thuyền, cảnh buôn bán thật là thịnh vượng” (Trần Phu - An Nam tức sự).

Thế kỷ XVI - XVIII, Hội Thống là điểm đến của thương nhân Nhật Bản, Trung Quốc, phương Tây, Đàng Ngoài. Thế kỷ XIX, Hội Thống vẫn tấp nập, là cảng biển trung tâm ở Bắc Trung Bộ, là điểm dừng chân đầu tiên của tàu thuyền trước khi vào các thương cảng Đền Huyện, Triều Khẩu, Phù Thạch.

Thương cảng Đền Huyện có lịch sử phát triển tương ứng và phụ thuộc vào Hội Thống, ra đời muộn nhất vào thế kỷ XI và suy tàn đầu thế kỷ XIX.

Từ Đền Huyện ngược dòng khoảng 5km là thương cảng Triều Khẩu ở bờ Bắc sông Lam, phía Đông lỵ sở Nghệ An xưa đặt tại núi Lam Thành (nay thuộc xã Hưng Khánh, huyện Hưng Nguyên). Thương cảng Triều Khẩu, gồm cả chợ Tràng, gắn với lỵ sở nên có mối giao thương rộng mở.

Vào cuối thế kỷ XVI và thế kỷ XVII, Triều Khẩu là một thương cảng có vị trí khá quan trọng trong mạng lưới giao thương quốc tế của Đàng Ngoài; Tàu buôn Nhật Bản, Trung Hoa và phương Tây đã vượt qua cửa Hội tiến vào Triều Khẩu - chợ Tràng. Lúc này, chợ Tràng quanh năm mua bán tấp nập, lều quán san sát chiếm khoảng 3 mẫu, hàng hóa vào ra trên bộ dưới thuyền.

Thương cảng Phù Thạch nằm ở bờ nam sông Lam, trên đất làng Vĩnh Đại (nay là xã Đức Vịnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh), đối diện với Triều Khẩu. Từ cuối thế kỷ XIV, đây là nơi buôn bán nổi tiếng của xứ Nghệ.

Từ giữa thế kỷ XVII, Phù Thạch có bước phát triển vượt trội khi làn sóng người Hoa chạy đến đây buôn bán, lập nghiệp. Phù Thạch trở thành một phố thị của người Hoa với những thương gia giàu có. “Ở đầu bến có người Tàu cư trú buôn bán, nhà ngói san sát, thuyền bè tụ tập, gọi là phố Phù Thạch” (Bùi Dương Lịch - Nghệ An ký).

Năm 1804, trấn lỵ Nghệ An dời ra Yên Trường (Vinh) nhưng Phù Thạch vẫn còn là một nơi đô hội. Đời Minh Mệnh (1820 - 1841), người Hoa ở Phù Thạch được lệnh chuyển ra Vinh, Phù Thạch sa sút dần từ đó.

Khi các thương cảng dọc sông Lam thời trung đại mất dần vị trí, tỉnh lỵ chuyển về Vinh thì Bến Thủy xuất hiện với vai trò là thương cảng trung tâm của Nghệ An.

Bến Thủy thời nhà Nguyễn

Bến Thủy ở bờ Bắc sông Lam, cách cửa Hội khoảng 10km, cách thành Nghệ An 5km, có núi Dũng Quyết án ngữ ở phía Tây, có sông Vinh/kênh nhà Lê dẫn đến tận thành Nghệ An. Bến Thủy là là điểm vượt sông của đường thiên lý xưa và sau này là quốc lộ số 1.

Với đặc điểm địa hình đó, từ lâu đây là bến sông buôn bán của người dân vùng Yên Trường, tức khu vực thành phố Vinh ngày nay. Đồng thời, đây cũng là chiến tuyến tự nhiên của các cuộc giao tranh trong lịch sử, đặc biệt là chiến tranh Đại Việt - Champa (thời Lý - Trần) và nội chiến Trịnh - Nguyễn (thế kỷ XVII). Địa danh Bến Thủy khởi nguồn là Đồn Thủy - một đơn vị thủy quân đồn trú thời Lê.

Cuối thế kỷ XVIII, Quang Trung đã lựa chọn khu vực này để xây dựng kinh đô mới. Năm 1804, vua Gia Long cho chuyển lỵ sở về Yên Trường, xây thành Nghệ An cũng là vì địa thế thuận lợi cho quốc phòng và kinh tế, văn hóa ở đây, trong đó có vai trò của sông Lam, sông Vinh và Bến Thủy.

Lúc bấy giờ tàu bè tập trung ở Bến Thủy để bốc xếp hàng, một số theo sông Vinh lên chợ Vinh, lên bến cửa Tiền, ngay trước thành Nghệ An. Bến Thủy là cửa ngõ ra vào, thông thương quan trọng nhất của Nghệ An thời nhà Nguyễn, gắn liền với sự hình thành và phát triển của đô thị Vinh.

Bến Thủy trong tầm nhìn của người Pháp

Ngay từ đầu người Pháp xác định Bến Thủy là đầu mối mở lối ra biển, là hải cảng lớn nhất, là trung tâm khai thác dịch vụ đường sắt, đường thủy, đường bộ ở Trung Kỳ. Nó là yết hầu kinh tế của Bắc Trung kỳ và Lào. Một tư liệu cho biết: “Bến Thủy là một cảng thiên nhiên vào hạng tầm thường, nhưng lại là một cảng có tương lai rực rỡ về kỹ nghệ và thương mại...

Bến Thủy là cảng của Vinh, thành phố quan trọng bậc nhất ở Trung kỳ. Bến Thủy nối liền với tất cả các trung tâm quan trọng của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh bằng những con sông: Cả, Con, Ngàn Sâu, Ngàn Phố và hai con sông đào cùng một hệ thống quan trọng đường bộ và đường sắt. Đây là khởi điểm của con đường Trấn Ninh (Lào), đường bộ và đường sắt tương lai của sông Cửu Long và do đó Bến Thủy sẽ trở thành một trong các cảng quan trọng nhât ở Đông Dương” (J. Bouault & E De razario - Dịa dư Đông Dương).

Với tầm nhìn đó, người Pháp đã đầu tư xây dựng tại đây thành trung tâm công nghiệp lớn nhất khu vực Bắc miền Trung với nhiều nhà máy như nhà máy diêm, nhà máy gỗ, nhà máy điện, nhà máy xe lửa… Họ còn lần lượt xây dựng hệ thống giao thông cho vùng này khá hoàn chỉnh gồm đường bộ (ngoài đường số 1 còn có đường số 7, số 8 và nhiều đường liên huyện), đường sắt, đường hàng không. Riêng đường thủy, người Pháp tập trung xây dựng cảng Bến Thủy.

Từ năm 1897, Bến Thủy được xây dựng các cầu cảng để các loại tàu lớn có thể ra vào cảng. Năm 1900, xây xong hai bến Lơ - Gio và Măng - Giơ. Năm 1908, xây xong cầu tàu của Sác - Lơ; năm 1911 xây xong cầu tàu của Bạch Thái Bưởi; năm 1916 xây các cầu tàu của Rốc - Cơ, Nguyễn Hữu Thu và năm 1923 xây cầu tàu của Đề Hợp. Hai dãy nhà kho bằng xi măng cốt thép, một kho xăng dầu lớn đủ cung cấp cho cả Bắc miền Trung và Lào cũng được xây dựng.

Để kết nối Bến Thủy với trung tâm thành phố và hệ thống đường sắt Đông Dương, một nhánh đường sắt dài 5km từ đây được nối với ga Vinh. Việc nạo vét luồng lạch từ biển vào cảng thường xuyên được duy trì để tàu 1.000 tấn có thể ra vào, những tàu lớn thì có tàu trung chuyển từ đảo Hòn Ngư vào cảng.

Ở Bến Thủy, Hội lâm nghiệp thương mại Trung Kỳ còn lập trạm thu mua và nhiều cửa hiệu mua bán lâm sản. Ở cảng còn có đồn binh, trạm thu thuế của người Pháp.

Quy mô cảng Bến Thủy tuy không lớn nhưng đã đóng vai trò quan trọng đối với quá trình đô thị hóa Vinh - Bến Thủy thời thuộc Pháp, là cửa mở ra biển cho Lào và là mắt xích quan trọng trong tuyến vận tải biển của Việt Nam. Năm 1927, hàng hóa ra vào cảng Bến Thủy là 40.000 tấn, năm 1938 là 100.000 tấn. Cảng Bến Thủy ngay từ đầu là một yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế của Nghệ An và Bắc Trung Bộ.

Trên nền tảng phát triển đó, lần lượt các thị xã Vinh (1898), Bến Thủy (1914) và Trường Thi (1917) được thành lập. Đây là trung tâm đô thị công nghiệp cảng thị lớn nhất Bắc miền Trung thời thuộc Pháp.

 

Sau năm 1975, do điều kiện địa hình không thuận lợi cho phát triển, cảng Bến Thủy đã từng bước thu hẹp quy mô khai thác và nhường lại vị trí của mình cho cảng Cửa Lò (Nghệ An), Vũng Áng (Hà Tĩnh), Nghi Sơn (Thanh Hóa). Nhưng sự đóng góp của nó cho lịch sử phát triển Nghệ An, vùng Bắc Trung bộ thì vẫn còn mãi. Bến Thủy đã trở thành một địa danh lịch sử - văn hóa nổi tiếng.

Kinh tế đô thị cuối tuần