Tăng điểm mạnh đón mở room
Thông tin mở room cho NĐT nước ngoài đã được đồn đoán từ nhiều tháng trước và được phản ánh bằng diễn biến tích cực của thị trường khi dòng tiền chảy vào các cổ phiếu (CP) lớn cũng như các CP đầu cơ đặc biệt là CP ngân hàng (NH) như: VCB (Vietcombank), CTG (NH Công thương), EIB (Eximbank), MBB (NH Quân đội)... đều được kéo tăng mạnh, giúp VN-Index vượt hẳn qua mốc 510 điểm. Tuy nhiên, trước mắt Chính phủ mới chỉ nới tỷ lệ sở hữu tối đa của NĐT chiến lược nước ngoài tại khối NH (được nới từ 15% lên 20%) mà chưa mở đại trà. Những trường hợp còn lại, tỷ lệ sở hữu hầu như chưa có gì khác biệt.
Nhà đầu tư làm thủ tục tại Công ty Chứng khoán OTC. Ảnh: Duy Anh
|
Dù chưa được như kỳ vọng, song theo các chuyên gia, việc thông qua quy định về nới room ngoại sẽ tác động trực tiếp đến giá của nhiều CP NH. Sau đó hiệu ứng tăng giá sẽ tác động đến giá các CP khác, giúp tăng dòng tiền đầu tư nước ngoài trong ngắn hạn, tạo ảnh hưởng tích cực đến tâm lý của NĐT. Với việc công bố nới room NH, thị trường càng được tăng thêm kỳ vọng và khả năng room sẽ tiếp tục được mở rộng tới đây. Hiện, tỷ lệ tham gia của NĐT nước ngoài mới đạt xấp xỉ 24% toàn thị trường. Đây vẫn sẽ là cái cớ để níu giữ dòng tiền ở lại thị trường và sẽ còn được nhắc đi nhắc lại trong cả quý I/2014.
Tiềm năng lớn để phát triển
Năm 2013, chỉ số chứng khoán VN-Index tăng khoảng 23% so với năm 2012, từ mức 413 điểm lên 504,63 điểm; HNX-Index tăng 18,9% lên 67,84 điểm. Mức độ vốn hóa thị trường năm 2013 cũng tăng mạnh, tương đương mức 31% GDP. Việt Nam trở thành 1 trong 10 nước có mức độ phục hồi mạnh nhất thế giới. Tổng dòng vốn nước ngoài luân chuyển trong năm 2013 vẫn tăng 54% và giá trị danh mục tăng khoảng 3,8 tỷ USD so với cuối năm 2012. |
Theo giới chuyên môn, TTCK năm 2014 được dự báo sẽ có những chuyển biến sớm và tăng điểm tích cực hơn năm 2013. Tính chất thị trường chung sẽ không chỉ bị chi phối bởi mỗi thông tin nới room.
Ông Trương Thanh Hải - Phó Phòng phân tích Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội phân tích, về cơ bản, có nhiều yếu tố nền tảng từ vĩ mô hỗ trợ cho TTCK năm 2014 tăng trưởng bền vững. Thứ nhất, kinh tế thế giới dự báo sẽ tăng trưởng cao hơn trong năm 2014. Điều này sẽ hỗ trợ nhiều cho sự phục hồi của kinh tế Việt Nam, đặc biệt là từ lĩnh vực xuất khẩu. Thứ hai, với những thành tích đạt được trong việc kiểm soát lạm phát, trọng tâm chính sách của Chính phủ trong năm 2014 sẽ hướng đến thúc đẩy tăng trưởng nhiều hơn thông qua nới lỏng chính sách tài khóa (tăng chi đầu tư công, giảm thuế) kết hợp với các biện pháp tiền tệ (tiếp tục khoanh, mua lại nợ xấu của các NH, đẩy mạnh tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên). Thứ ba, dòng vốn ngoại được nhìn nhận sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng đối với TTCK trong năm 2014 do chứng khoán của Việt Nam vẫn đang khá hấp dẫn so với các nước trong khu vực Đông Nam Á... tiếp theo đó là Hiệp định TPP mà Việt Nam đang đàm phán gần đây.Về phía chính sách với chứng khoán năm 2013 cũng có những biện pháp tích cực, như tái cấu trúc thị trường, hàng hoá; giảm thuế, phí, kéo dài thời gian giao dịch, công bố chỉ số mới, các giải pháp tăng thu hút dòng vốn đầu tư… Ông Trần Đắc Sinh - Chủ tịch HĐQT Sở GDCK TP Hồ Chí Minh (HoSE) đánh giá, năm 2013 rất nhiều CP tăng từ 30% đến trên 100%, thậm chí có CP tăng tới 300% là rất ấn tượng. Điều đó cho thấy thị trường sẽ còn rất nhiều cơ hội tốt trong năm 2014. Vấn đề là NĐT biết lựa chọn ngành nghề nào, CP nào để mua vào và thu lợi nhuận mà thôi.
Theo các chuyên gia, ngoài dòng CP đầu ngành, bluechips thì CP ngành bất động sản và tài chính cũng sẽ có tiềm năng trong thời gian tới khi mà lãi suất đang ở vùng thấp và thanh khoản của thị trường bất động sản đang cho tín hiệu hồi phục. Cùng với những chuyển biến kinh tế vĩ mô, đây là những yếu tố thúc đẩy tăng tổng cầu trên TTCK trong năm nay.
Nghị định số 01/2014/NĐ-CP về việc NĐT nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam được Chính phủ ban hành sẽ có hiệu lực từ 20/2. So với Nghị định 69 ban hành năm 2007, quy định mới cho phép nâng tỷ lệ room của một NĐT chiến lược nước ngoài từ 15% lên 20%. Trước đây, theo Nghị định từ năm 2007, để sở hữu tối đa 20% vốn điều lệ của một ngân hàng nội cần phải được sự chấp thuận của Thủ tướng. |