Trạm thu phí cầu Bến Thuỷ 1
Không đi trên đường BOT mà phải trả phí, người dân hai đầu cầu Bến Thủy 1 (Nghệ An - Hà Tĩnh) đã ròng rã phản ứng bằng cách căng băng rôn, dùng tiền lẻ mua vé... trong nhiều tháng, tính từ cuối năm 2016.Đỉnh điểm, ngày 2/4/2017, khoảng 100 tài xế ô tô lần lượt chạy xe qua trạm thu phí hai cầu Bến Thuỷ 1 và Bến Thủy 2, mua vé bằng tiền mệnh giá dưới 1.000 đồng, nhằm kéo dài thời gian kiểm đếm của nhân viên các trạm này.
Hàng trăm chủ xe trả tiền lẻ để phản đối trạm thu phí Bến Thủy 1. Ảnh: Internet) |
Trạm thu phí Cầu Rác
Ngày 16/4/2017, gần 40 người dân huyện Cẩm Xuyên xuống đường cùng 30 xe tải ben loại dưới 8 tấn, một số ô tô 4 chỗ tập trung tại đầu trạm thu phí Cầu Rác (thuộc xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), mang băng rôn "Chúng tôi không đi đường BOT, tại sao lại phải trả phí" rồi cho xe đi chậm qua trạm để phản đối. Chính quyền địa phương phải huy động lực lượng phân luồng để không xảy ra tình trạng ách tắc giao thông.
Phản đối trạm thu phí Cầu Rác, người dân dùng tiền lẻ trả phí qua trạm. Nguồn: Internet. |
Trạm thu phí Cai Lậy
Liên tiếp hai ngày 13 và 14/8, tài xế dùng tiền lẻ mua vé qua trạm thu phí BOT Cai Lậy (quốc lộ 1A, tỉnh Tiền Giang) nhằm phản đối mức phí cao, khiến cho giao thông ùn tắc kéo dài. Thậm chí, cánh tài xế còn mua một con heo quay nặng 15kg để đưa đến trạm thu phí thắp nhang cúng trạm. Cảnh sát giao thông và cảnh sát cơ động phải căng mình bảo đảm an ninh trật tự tại khu vực và buộc phải xả trạm sau đó.Trước phản ánh của người dân, Sở GTVT Tiền Giang kiến nghị Bộ Tài chính và Bộ GTVT xem xét giảm phí tại trạm Cai Lậy nhằm giảm chi phí vận tải, góp phần giảm chi phí hàng hóa lưu thông tại miền Tây đến các tỉnh, thành và ngược lại.
Trạm thu phí số 1, QL5
Chiều 4/9, một số tài xế đã tập trung tại trạm BOT số 1 quốc lộ 5 (Hưng Yên) sử dụng tiền lẻ mệnh giá 500 -1.000 đồng mua vé phản đối việc thu phí tại trạm.Theo đó có khoảng hơn 10 lái xe trả tiền lẻ khi qua trạm khiến tuyến đường này bị ùn tắc cục bộ, phải xả trạm.Những ngày sau đó, nhiều tài xế vẫn tung chiêu trả tiền lẻ để phản đối việc thu phí bất hợp lý ở trạm này.Các chủ phương tiện cho biết, họ phản ứng với trạm thu phí vì: Tuyến QL 5 được đầu tư bằng ngân sách Nhà nước, hiện họ đã trả tiền duy tu, bảo trì đường giao thông cho Nhà nước theo đầu phương tiện. Vì vậy, việc thu phí tuyến này để xây dựng cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là phí chồng phí. Ngoài ra, còn có các lý do khác như: Mức phí từ 10.000 đồng/lượt đối với xe cơ sở (dưới 12 chỗ ngồi) đã tăng lên 40.000 đồng/lượt/xe cơ sở là quá cao, chủ đầu tư chưa có chính sách miễn giảm cho các hộ dân quanh trạm.
Trạm thu phí BOT tuyến tránh Biên Hòa
Khoảng 17h ngày 9/9, khi công nhân ở một số khu công nghiệp lân cận hết giờ làm việc, nhiều tài xế đã đồng loạt dùng tiền lẻ với các mệnh giá 200, 500 đồng để trả phí tại trạm BOT đường tránh Biên Hòa (xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) khiến giao thông qua trạm bị tắc nghẽn.15 phút sau, lượng ô tô đi từ các hường TP. Hồ Chí Minh, Bình Thuận đổ về đông khiến tắc nghẽn kéo dài khoảng 2 km.Trước tình hình trên, đơn vị quản lý trạm thu phí tuyến tránh Biên Hòa buộc phải xả trạm để đảm bảo giao thông qua khu vực.Tuyến tránh TP Biên Hòa (tuyến đường được xây dựng nhằm chia sẻ, giảm bớt lượng xe lưu thông trên Quốc lộ 1A đoạn qua TP.Biên Hòa) do công ty CP đầu tư Đồng Thuận làm chủ đầu tư thực hiện theo hình thức BOT dài hơn 12km.Trước việc người dân phản đối trạm thu phí BOT, chủ đầu tư tuyến tránh TP Biên Hòa đã có văn bản gửi Bộ GTVT và tỉnh Đồng Nai đề nghị miễn, giảm phí qua trạm cho người dân sống gần khu vực đặt trạm thu phí.